Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Người điều xe cách ly ăn vội cơm hộp ở hầm sân bay

Khi nhìn tấm ảnh chồng, là trung tá quân đội, làm nhiệm vụ điều chuyển xe chở người tới khu cách ly, mặc đồ bảo hộ, vội vã ăn cơm hộp dưới đường hầm, chị Hạnh bật khóc.

 Bức ảnh anh Bùi Vĩnh Nam ăn vội cơm hộp khi vẫn còn nguyên bộ đồ bảo hộ gây 'bão mạng'. Đây cũng là khoảng thời gian ngắn ngủi mà anh Nam được cởi bỏ khẩu trang trước khi tiếp tục công việc. 

Những ngày qua, bức ảnh người đàn ông mặc nguyên quần áo bảo hộ ăn vội hộp cơm trên manh chiếu nhỏ trải tạm sát bên tường trong khu sân bay nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Lời chú thích đi kèm bức ảnh: "Bữa cơm vội ngay lúc này, ở nơi đây. Anh ấy là người điều chuyển xe chở người đi cách ly từ sân bay về các địa phương. Đôi khi, những người anh hùng chỉ là người thầm lặng mà cống hiến".

Nhân vật chính trong bức ảnh là anh Bùi Vĩnh Nam - trung tá công tác tại Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Thủ đô. Người chụp bức ảnh này là cấp trên của anh Vĩnh Nam. Bức ảnh sau đó được gửi tới chị Phạm Thị Hồng Hạnh (Hà Nội) - vợ anh Vĩnh Nam và nhóm bạn thân. Một người bạn đã đăng ảnh lên mạng xã hội.

"Tôi rất hiểu và thông cảm với công việc vất vả không chỉ của riêng anh mà cả đồng đội của anh. Thế nhưng khi nhìn tấm ảnh ấy, tôi không dám tin đó là chồng mình. Không chỉ riêng tôi mà cả người thân trong gia đình, thậm chí bạn bè đều bật khóc vì thương anh và các đồng đội của anh. Lúc đọc dòng chú thích mà bạn đăng kèm ảnh, tôi khóc thêm lần nữa nhưng không nói với anh, không muốn anh phải lo lắng khi thực hiện nhiệm vụ. Các chị gái, em gái của anh đều chia sẻ trên trang cá nhân rằng tự hào và xúc động về anh. Mọi người đều mong anh giữ sức khoẻ khi làm việc nơi tuyến đầu", chị Hạnh nhớ lại cảm xúc khi lần đầu nhìn thấy bức ảnh của chồng.

Chị cũng chia sẻ thêm ông xã của chị sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống quân đội, bố mẹ là thiếu tá đã nghỉ hưu. Giống như mẹ mình, anh Nam thường xuyên tham gia các công tác cộng đồng, cống hiến cho xã hội.

Từ khi chính phủ ban lệnh cách ly người bay đến từ vùng dịch, ngày 25/2, anh Vĩnh Nam bắt đầu thực hiện nhiệm vụ điều xe vận chuyển hành khách từ sân bay đến địa điểm cách ly. Giờ làm việc hàng ngày của anh là từ 7h tới 17h, nhưng từ lúc bắt đầu có lệnh, mọi thứ đều thay đổi. "Chồng tôi làm việc liên tục tại đường hầm sân bay Nội Bài. Anh chưa phải thực hiện lệnh cách ly với gia đình. Khoảng 3-4 ngày anh mới về nhà và lại đi ngay", chị Hạnh chia sẻ.

 Những giây phút giải lao hiếm hoi trong ngày, anh Nam gọi điện cho vợ con ở nhà bớt lo lắng. Anh tuân thủ đầy đủ các quy định phòng dịch của Bộ Y tế. Khi hành khách cuối cùng lên xe cách ly, anh sẽ rời sân bay, cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, khử trùng theo quy định. Sau đó, anh lên xe về cơ quan hoặc về nhà. Ảnh: Hạnh Phạm.

Guồng quay công việc của những người làm việc nơi tuyến đầu phòng dịch diễn ra bất kể ngày hay đêm, ngày thường hay ngày nghỉ và anh Nam cũng không là ngoại lệ. Nhiều hôm 1-2h anh mới về tới nhà nhưng công việc vẫn chưa kết thúc. Điện thoại vẫn đổ chuông liên tục, các báo cáo giao nhận liên tiếp được gửi về. "Từ lúc có dịch, anh ấy gầy đi trông thấy, nhiều lúc làm trắng đêm, các bữa ăn diễn ra rất vội vàng. Buổi sáng, tôi không dám gọi điện hỏi thăm anh vì muốn anh được nghỉ ngơi thêm chút. Hôm kia, thành phố tiếp nhận 1.800 trường hợp cần cách ly tập trung. Anh ấy nhắn tin cho tôi sẽ về sớm, tầm 0h nhưng cuối cùng 4h anh mới xong việc để về tới nhà", chị Hạnh nói.

Lo lắng cho chồng là vậy, nhưng chị Hạnh cũng chỉ biết nhắn tin, nhắc nhở anh cẩn thận, phòng bệnh và giữ gìn sức khỏe. Còn những khi anh về nhà, chị hỏi han anh về công việc và những câu chuyện mà anh gặp trong quá trình công tác như cách để đồng cảm cùng anh. Chị Hạnh nhớ có lần chồng kể về một hành khách vừa được đưa lên xe bỗng nhảy xuống xe khóc nức nở. Người đó xin không đi cách ly vì nhận được tin bố đẻ mất ở TP HCM. Cuối cùng, hành khách dù rất đau lòng nhưng chấp nhận thực hiện quy định vì cộng đồng, không thể về chịu tang cha.

 Anh Nam, chị Hạnh bên các con. Trong cuộc sống, anh Nam rất yêu gia đình. Anh được các con và bạn bè yêu mến gọi là 'ông bố quốc dân'. Ảnh: Hạnh Phạm.

Bà mẹ hai con không bao giờ can thiệp vào công việc của chồng, bởi chị bảo: "Với tính cách, nhiệt huyết của anh dành cho công việc, tôi không bao giờ can thiệp, nói với anh những câu đại loại: 'Anh làm ít thôi' hoặc 'Anh giao người khác làm đi'. Trong cuộc sống, công việc, lúc nào anh cũng nhận phần khó và vất vả về mình. Tôi cũng biết trước công việc của anh sẽ vất vả nên khi cộng đồng cần anh nhiều hơn, tôi thấy không có vấn đề gì".

Hiện tại, điều chị Hạnh mong hơn cả là chồng chị sớm có thêm lực lượng chia sẻ công việc, cộng đồng cùng nâng cao ý thức chống dịch bằng cách tự giác cách ly khi cần thiết.

Tác giả: Hằng Trần

Nguồn tin: Ngoisao.net