Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Khách sạn Metropole có khách nhiễm Covid-19 ở thuộc sở hữu đại gia Việt nào?

Hiện tại, khách sạn Metropole thuộc sở hữu của hai cổ đông, trong đó một của Nhà nước và một của nhà đầu tư nước ngoài.

Sáng 9/3, ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xác nhận khách sạn Metropole tạm dừng hoạt động để tiến hành khử khuẩn vì có du khách người Anh dương tính Covid-19.

Sofitel Metropole là khách sạn 5 sao đầu tiên của Hà Nội được xây dựng từ năm 1901. Hiện tại, Metropole vẫn được đánh giá là khách sạn có kiến trúc đặc biệt và vị trí đắc địa nhất thủ đô khi nằm ngay mặt phố Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm).

  Khách sạn Metropole. Ảnh: Plo.

Khách sạn ban đầu có tên Grand Hotel Metropole Place do ông Gustave Émile Dumoutier, một viên chức trong ngành giáo dục và Andre Ducamp, nhà đầu tư độc lập người Pháp, góp vốn dưới danh nghĩa Công ty kinh doanh bất động sản Pháp (Societe Francaise Immobiliere).
Năm 1954, khách sạn được tiếp quản bởi Việt Nam và đổi tên thành Khách sạn Thống Nhất do UBND thành phố Hà Nội quản lý. Đến năm 1990, cái tên Metropole mới được sử dụng trở lại là tên chính thức của khách sạn.

Năm 2005, quỹ đầu tư Vietnam Opportunity Fund (VOF), thuộc VinaCapital cho biết đã chính thức sở hữu một nửa quyền và lợi ích tại khách sạn Metropole. Tuy nhiên, giá trị thương vụ không được tiết lộ.

Đến năm 2008, liên doanh do Hanoitourist và VOF được lập ra để quản lý khách sạn với tên gọi Công ty TNHH Liên doanh khách sạn Thống nhất Metropole. Cổ đông của công ty bao gồm Hanoitourist và Indotel Limited (Singapore) - công ty được VOF thành lập, mỗi bên sở hữu 50% vốn.

Trong đó, ông Nguyễn Minh Chung (Chủ tịch Hanoitourist) đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐTV của liên doanh này, còn vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật thuộc về ông Craig Andrew Douglas (người Australia).

Năm 2017, Metropole được VOF chuyển giao lại cho Lodgis, công ty liên doanh được thành lập từ tháng 11/2016 bởi Warburg Pincus và VinaCapital với vốn ban đầu khoảng 300 triệu USD. Theo thông báo của VOF, giá trị thương vụ khoảng 100 triệu USD, tương đương định giá của khách sạn Metropole vào khoảng 200 triệu USD.

Theo Zing.vn, ngoài sở hữu Nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài, từng có thời gian, cơ cấu cổ đông của Metropole có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Cụ thể, Hanoitourist từng bán lại 5,26% vốn tại đây cho Công ty cổ phần Liên hiệp Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex). Trong đó, cổ đông chính của Unimex là Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển với tỷ lệ sở hữu gần 51%; 20,5% thuộc về Hapro, công ty do bà Nguyễn Thị Nga làm chủ tịch.
Tuy nhiên, theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mới nhất của Metropole (1/2018), toàn bộ phần vốn sở hữu tư nhân này đã được chuyển giao lại cho phía Hanoitourist.

Hiện tại, khách sạn Metropole Hà Nội còn 2 cổ đông gồm Indotel Limited sở hữu 50% tương đương 203 tỷ đồng và Hanoitourist sở hữu 50% còn lại.

Hanoitourist là doanh nghiệp trực thuộc UBND thành phố Hà Nội, sở hữu lượng khách sạn hạng sang lớn nhất thành phố. Với hơn 10 khách sạn 5 sao của Hà Nội, Hanoitourist nắm giữ cổ phần chi phối của 5 khách sạn nổi tiếng nhất như Metropole Hanoi; InterContinental Hanoi Westlake; Pullman Hanoi; Hilton Hanoi Opera và Hotel De L’Opera.

Ngoài ra, công ty còn sở hữu và nắm giữ cổ phần chủ yếu của các khách sạn 4 sao như Khách sạn Hà Nội, Hilton Garden Inn…

Theo Hanoitourist, Metropole hiện cũng là một trong những khách sạn có kết quả kinh doanh hiệu quả nhất trong hệ thống khách sạn mà doanh nghiệp này sở hữu.

Tác giả: Hoàng Minh (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Kiến thức