Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hành trình cứu sống 6 thuyền viên gặp nạn trên biển ở Nghệ An

Khi đang đánh bắt cá tại khu vực biển cách đảo Ngư, tỉnh Nghệ An khoảng 90 hải lý về phía Đông thì tàu của ông Sáng bị hỏng máy, rò nước vào khoang, nguy cơ bị chìm. Giữa biển khơi, mạng sống nhiều người bị đe dọa, các thuyền viên đã phát tín hiệu cầu cứu. Sau 34 tiếng đồng hồ, lực lượng chức năng đã cứu sống 6 thuyền viên và lai dắt tàu vào bờ thành công.

Bất ngờ gặp nạn giữa biển khơi

Mới đây, thông tin từ Hải đội 2, BĐBP tỉnh Nghệ An, đơn vị vừa cứu thành công 6 thuyền viên trên biển gặp nạn và lai dắt tàu vào bờ thành công. Hiện, đơn vị này đã khám sức khỏe cho 6 thuyền viên và bàn giao tàu cho chủ nhân đưa về sửa chữa.

Trước đó, ngày 22/2, tàu cá NA - 90438 TS của ông Nguyễn Văn Sáng (SN 1968), trú tại xóm 8, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trên tàu có 6 thuyền viên, khi đang đánh bắt cá tại khu vực biển cách đảo Ngư, tỉnh Nghệ An 90 hải lý về phía Đông thì tàu bị hỏng máy. Sóng đánh thủng khoang tàu, nguy cơ tàu bị chìm.

Thời điểm tàu cá bị nạn, biển động cấp 4 đến cấp 5, các thuyền viên trên tàu lo sợ, thuyền trưởng tàu NA - 90438 TS phát tín hiệu cứu nạn khẩn cấp. Nhận được tin báo, lúc 17h ngày 22/2, tàu cứu nạn của Hải đội 2, BĐBP Nghệ An cùng 11 cán bộ, chiến sĩ do Trung tá Nguyễn Ngọc Tú, Chính trị viên Hải đội 2 chỉ huy nhanh chóng lên đường cứu nạn.

Đến 6h30 ngày 23/2, tàu cứu nạn của Hải đội 2 đã tiếp cận được tàu cá bị nạn, tiến hành khắc phục sự cố, chăm sóc sức khỏe cho các thuyền viên trên tàu và lai dắt tàu cá bị nạn vào bờ.

Đến 2h ngày 24/2, tàu NA - 90438 TS cùng các thuyền viên đã được lai dắt vào cảng Cửa Hội, tỉnh Nghệ An, đồng thời, Hải đội 2, BĐBP Nghệ An đã hoàn tất các thủ tục bàn giao phương tiện cho ngư dân và chính quyền địa phương.

 Lai dắt tàu cá vào bờ. Ảnh: Người Đưa Tin

Nỗ lực ứng cứu, các thuyền viên an toàn

Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Tú, khi nhận được tin cầu cứu của tàu thì anh em của Hải đội 2 lập tức lên đường.

“Đến khoảng 6h30 ngày 23/2 thì lực lượng chức năng tiếp cận được tàu. Khi tiếp cận tàu chúng tôi liền khắc phục sự cố không cho nước tràn vào khoang và tiến hành thoát nước trong khoang đã bị ngập. Tiếp đó, chúng tôi tiến hành thăm khám kiểm tra sức khỏe cho các thuyền viên trên tàu. Thời điểm này các thuyền viên đã đuối sức do đói và khát. Tiếp đó, chúng tôi tặng quà và tiếp tế lương thực cho thuyền viên rồi đưa họ lên tàu của Hải đội. Riêng thuyền trưởng thì vẫn ở lại để lái tàu trong quá trình lai dắt vào bờ”, Trung tá Tú cho hay.

Khoảng cách từ chỗ tàu gặp nạn vào bờ 330 hải lý, lực lượng chức năng phải lai dắt tàu từ từ tránh bị đứt dây. Trên đường về gặp mưa gió nên việc lai dắt gặp rất nhiều khó khăn. “Phải mất 34 tiếng lực lượng của Hải đội 2 mới lai dắt tàu vào bờ thành công. Rất may các thuyền viên được an toàn, thuyền cũng không hư hỏng gì nhiều”, Trung tá Tú cho biết thêm.

Theo chủ tàu Nguyễn Văn Sáng, mấy ngày trước, tàu đi ra khơi đánh cá. Đánh được cá chưa được bao nhiêu thì tàu bị thủng khoảng tàu, nước rỉ vào. Các anh em thuyền viên trên tàu cố gắng khắc phục nhưng không được. Biết tàu sắp bị chìm, chủ tàu đã phát tín hiệu cầu cứu. Rất may các đồng chí ở Hải đội 2 đã ứng cứu kịp thời. Các thuyền viên trên thuyền may mắn đều an toàn. Hiện, con thuyền đang được ông Sáng gọi thợ tu sửa.

Trong một diễn biến khác, sáng sớm ngày 22/2, tàu của ngư dân Phạm Văn Tùng khi đánh bắt ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ cũng bị hỏng máy. Tàu được lai dắt về cảng Lạch Vạn thì bị mắc cạn vào 2h ngày 24/2.

Sau nhiều phương án kỹ thuật trục vớt tàu và thủy triều lên mạnh, tàu cá mắc cạn đã nổi lên mặt nước, được lai dắt vào cảng Lạch Vạn. Hàng trăm người gồm bộ đội biên phòng, các ngư dân, chính quyền địa phương, đã nỗ lực trục vớt con tàu trong 2 ngày vừa qua. Việc trục vớt kéo dài do phải phụ thuộc vào thủy triều lên xuống. Hơn nữa, đây là tàu cá có công suất lớn (400 CV), thân tàu lại bám chặt vào lớp cát dày, nên không thể trục vớt theo phương pháp thông thường. Nhiều phương án được thực hiện như sử dụng 3 máy múc công suất lớn để xúc cát, tạo rãnh thoát nước và bẩy tàu lên.

Sau khi tàu trục vớt thành công, 3 tàu công suất lớn đã kéo tàu về xưởng sửa chữa ở xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc để theo dõi tình hình và tu sửa.

Chủ tàu Nguyễn Văn Tùng cho biết, sau khi được đưa lên bờ để sửa chữa. Tổng chi phí ước tính lên 300 triệu đồng. Con tàu phải mất thời gian sửa chữa lên đến 1 tháng mới ra khơi trở lại được.

Tác giả: Hà Hằng

Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật