Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đề án xây dựng NTM ở 27 xã biên giới Nghệ An: Còn nhiều khó khăn

Đề án xây dựng NTM trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2020 là “cánh cửa” mở ra nhiều cơ hội. Thế nhưng, nếu không có cú hích mạnh từ cơ chế chính sách riêng cho vùng này thì nguy cơ bà con bị bỏ lại phía sau là điều không tránh khỏi.

Tập trung phát triển sản xuất

Mục tiêu mà Chính phủ hướng đến khi thực hiện đề án NTM trên 27 xã này là xây dựng các xã biên giới có kết cấu hạ tầng hướng tới đạt chuẩn NTM; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; xã hội nông thôn ổn định, bình yên, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh ổn định và xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Mục tiêu đến năm 2020, các xã đạt tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020 thì bình quân mỗi xã đạt 11,4 tiêu chí (không còn xã dưới 8 tiêu chí), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 22,9 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 30 - 32% (theo chuẩn nghèo đa chiều)…

 Mô hình kinh tế chè ở các huyện miền núi Nghệ An

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện nay, tỉnh chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư theo Đề án xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên tỉnh cũng đã bố trí được hơn 60 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của trung ương…”. Chia sẻ về giải pháp phát triển cho vùng biên, ông Nguyễn Hồ Lâm – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay đối với các xã biên giới là phát triển sản xuất. Truyền thống của người Khơ Mú là đan lát, người Mông là chăn nuôi và người Thái là làm ruộng, trồng trọt… Như vậy, ngoài việc định hướng cho bà con trồng cây gì, nuôi con gì, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả cần quan tâm đến các mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho bà con. Trong xây dựng NTM, chủ thể là người dân, do đó phải quan tâm người dân được gì từ chương trình để xác định nên đầu tư việc gì hiệu quả nhất.

Phải xuất phát từ nguyện vọng của đồng bào

Điểm mấu chốt của Đề án xây dựng NTM 27 xã biên giới Nghệ An là phải nâng cao mức sống cho người dân. Kết cấu hạ tầng, văn hóa - xã hội và môi trường, hệ thống chính trị là những nhóm tiêu chí quan trọng nhưng để nâng cao đời sống cho người dân thì nhóm tiêu chí then chốt, quyết định nhất chính là nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất. Một loạt các giải pháp, biện pháp đồng bộ đã được Chính phủ vạch ra theo đề án. Đó là, chú trọng phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng HTX kiểu mới, củng cố và phát triển các làng nghề theo lợi thế của từng địa phương gắn với nghiên cứu phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các địa phương, các doanh nghiệp; phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa đầu tư sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đáng chú ý, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi giá trị sản phẩm. Xây dựng các mô hình nông nghiệp theo hướng khai thác thế mạnh riêng của từng vùng như: Sản xuất rau an toàn, vùng hoa, cây cảnh, nhà vườn, vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả đặc sản, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Nghệ An cho rằng: Đây là đề án phê duyệt riêng cho tỉnh nên sẽ nhận được sự hỗ trợ riêng, tối đa của Chính phủ. Do đặc thù địa bàn rộng, hạ tầng bất cập, điều kiện sống người dân còn khó khăn... nên để thực hiện thành công đề án thì có quá nhiều việc cần phải làm.

Cần phải khẳng định, việc xây dựng nông thôn mới ở 27 xã đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới tỉnh Nghệ An vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh lâu dài của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ.

Đề án được thực hiện trên địa bàn của 27 xã khu vực biên giới Nghệ An thuộc 6 huyện: Huyện Kỳ Sơn (11 xã); huyện Tương Dương (4 xã); huyện Con Cuông (2 xã); huyện Quế Phong (4 xã); huyện Anh Sơn (1 xã); huyện Thanh Chương (5 xã). Đây là các địa phương nằm trong vùng phê duyệt đề án sẽ được thụ hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi kết hợp với huy động nội lực để thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương