Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tết không nhà của những phận đời lênh đênh trên sông Lam

Hàng chục hộ dân ven sông Lam đang phải sống tạm trong thuyền để đón năm mới, những hộ “khá giả” hơn thì dựng tạm các căn nhà trái phép bằng bê tông, chỉ vì dự án tái định cư treo năm này qua năm khác.

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2020/01/23/T___t_kh__ng_nh___c___a_nh___ng_ph___n______i_l__nh_____nh_tr__n_s__ng_Lam.mp4[/presscloud]

Thêm một Tết… không nhà

Giáp Tết, bà Nguyễn Thị Bảy (76 tuổi) trú thôn Vận Tải, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An loay hoay nấu nướng trong “căn nhà” nhỏ của mình. Nói là nhà nhưng thực ra chỉ là chiếc thuyền được sửa lại để ở tạm. Vì vậy, dù không gian vô cùng nhỏ hẹp nhưng lại chứa đầy đủ các đồ dùng và dụng cụ nấu ăn

 Những người dân sống lênh đênh trên thuyền được vận động lên bờ.

Bà Bảy đã lớn tuổi, tai nghe không còn rõ nên phải hỏi nhiều lần, bà mới chua chát nói: “Từ nhỏ đến lớn tôi ở trên thuyền, đổi đi đổi lại cũng mấy cái rồi chớ có được ở trong nhà đâu. Nghe bảo Nhà nước đang xây khu tái định cư cho bà con làng chài, nên gần chục năm trước tôi mới đến đây. Thế mà giờ cũng chưa hình dung được chỗ ở mới như thế nào”.

Con cái bà Bảy đã đi làm xa, một mình bà ở đây nhiều năm, vì vậy cũng đón Tết ở trên thuyền. Bà ước đến lúc nhắm mắt về với tổ tiên được sống trong ngôi nhà thực sự, nhưng sợ rằng điều đó cũng khó. “May cũng có bà con lối xóm và chính quyền hỗ trợ nên tôi cũng có gạo thịt ăn Tết. Đói thì không đói, chỉ thèm được ở nhà thôi”, bà Bảy nói.

 Rất nhiều người chưa biết "ngôi nhà" là như thế nào.

Tại thôn Vận Tải, chỉ có vài nhà ở từ trước, còn lại phần lớn là dân “ngụ cư”, đây là những người sống lênh đênh trên dòng sông Lam. Được sự vận động của chính quyền địa phương, họ chuyển đến ở gần bờ để chờ di dân tái định cư. Thế nhưng, gần 10 năm trôi qua, người dân thôn Vận Tải đang phải “sống treo” cùng dự án.

Năm tiếp năm, cuộc sống bấp bênh trên sông nước với bao nhọc nhằn, vất vả khiến họ đi từ thất vọng này đến thất vọng khác. Những con thuyền từng là nơi trú thân sau một ngày vất vả mưu sinh đang ngày càng ọp ẹp. Không chỗ ở, lại không biết khi nào mới được đến khu tái định cư, nên một số người cố gắng vay mượn tiền bạc dựng tạm ngôi nhà ven sông.

 Một năm nữa họ lại đón Tết trên thuyền.

Những căn nhà này nằm chênh vênh bên bờ sông Lam, nơi nền đất rất yếu dễ bị sạt lở vào mùa mưa bão. Điều đáng nói, tất cả những ngôi nhà này đều trái phép.

Ông Nguyễn Đình Tuất, một người dân giải thích: “Biết dựng nhà là sai nhưng sống dưới thuyền quá nguy hiểm với trẻ nhỏ và người già những lúc mưa bão, lũ lụt. Giờ đóng thuyền mới phải có trăm triệu đồng. Gia đình tôi có 6 người, trước chen chúc trong chiếc thuyền chật hẹp, nay các con đều đã đi làm ăn xa nên vợ chồng phải lên bờ dựng tạm nhà này”.

Ông Tuất cũng là một trong những ngư dân sống lênh đênh bên bờ sông Lam hàng chục năm qua. Sau khi được chính quyền vận động, gia đình ông nằm trong diện được di dời cấp đất ở, vì quá vui mừng nên ông đã đồng ý. Thế nhưng chờ mòn mỏi gần chục năm vẫn không thấy động tĩnh gì, ông Tuất đánh liều lên bờ dựng căn nhà che mưa che nắng sống qua ngày để chờ dự án.

Ông Nguyễn Đình Ngọ, bức xúc nói: “Bà con làng chài chúng tôi mong chờ dự án tái định cư này lắm. Nhưng năm này qua năm khác, họ hứa xong rồi để mặc dân chờ đợi trong mỏi mòn. Dự án chậm triển khai, cán bộ hứa hẹn mà không thực hiện được làm xói mòn niềm tin của bà con làng chài”.

 Người dân thôn Vận Tải mong chờ được tái định cư.

Chính quyền biết dân dựng nhà trái phép nhưng bất lực

Trao đổi về sự việc, ông Lê Văn Minh, trưởng thôn Vận Tải thừa nhận: “Trong thôn giờ chỉ còn người già, lớp trẻ chờ không được nên đành phải vào Nam ra Bắc đi làm thuê cả rồi. Những hộ có tiền thì đã mua đất định cư, một số hộ dân ít tiền thì làm nhà tạm bằng phiboroximang, còn một số người khác chấp nhận sống trong căn thuyền cũ kỹ mấy chục năm trước. Giờ chính quyền có đuổi thì mọi người cũng chịu”.

Về việc này, ông Bùi Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Võ Liệt xác nhận, có một số ngôi nhà bên bờ sông Lam tại thôn Vân Tải đều trái phép.

“Chúng tôi nhận thông tin từ tháng 4/2019. Ngay sau đó, chúng tôi đã xuống kiểm tra, lập biên bản đình chỉ công trình thi công trái phép của các hộ dân tại thôn Vận tải xã Võ Liệt. Nhưng giờ đây, chúng tôi cũng vô cùng khó xử khi không biết nên làm như thế nào. Nếu yêu cầu tháo dỡ thì không được vì dân giờ không có chỗ ở nữa, mà để vậy thì nếu có chuyện gì xảy ra thì ai chịu trách nhiệm”, ông Lĩnh nói.

Thông báo số 17 ngày 25/4/2019 về việc đình chỉ công trình thi công trái phép của các hộ dân tại thôn Vận tải xã Võ Liệt cho thấy, đã có 5 hộ dân tự ý xây dựng nhà trái phép dọc bãi bồi sông Lam thuộc diện tích đất chưa sử dụng do UBND xã Võ Liệt quản lý. Tất cả những hộ dân này đều nằm trong danh sách di dời vào khu tái định cư Khe Mừ.

 Căn nhà dựng trái phép bên bờ sông Lam.

Dự án xây dựng khu tái định cư Khe Mừ cho các hộ dân vạn chài trên sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn huyện Thanh Chương được phê duyệt vào tháng 4/2009. Dự án do chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An, thuộc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư, với tổng số vốn đầu tư là 79 tỉ đồng. Song, qua 2 lần điều chỉnh, bổ sung nâng tổng mức đầu tư lên 86 tỉ đồng.

Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2011. Theo đó, hai khu tái định cư là Khe Mừ thuộc xã Thanh Thuỷ và Triều Dương thuộc xã Thanh Lâm, đều thuộc huyện Thanh Chương sẽ có diện tích 420ha, với quy mô 165 hộ dân. Mục tiêu của dự án nhằm đưa hàng trăm người dân làng chài ven sông Lam lên đất liền. Thế nhưng hiện nay dự án đang bị đình trệ.

 Khu tái định cư bỏ hoang nhiều năm nay.

Tại buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Văn Lập, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết chưa có hướng tháo gỡ cho dự án tái định cư tiền tỷ bỏ hoang ở Thanh Chương. Nguyên nhân do dự án thiếu vốn trong khi nguồn ngân sách tỉnh hạn hẹp, ngân sách Trung ương không thể phân bổ.

“Hiện nay, dự án này đang thiếu 15,7 tỉ đồng để tiếp tục đầu tư các hạng mục dang dở. Để có nguồn cho dự án này trong điều kiện ngân sách tỉnh khó khăn, UBND tỉnh đã trình Trung ương xin phân bổ nguồn bổ sung; song do quy định tiêu chí, điều kiện phân bổ vốn của Trung ương hiện nay rất chặt chẽ nên dự án này không thể vận dụng để bố trí vốn”, đại diện sở nói.

Tác giả: Anh Ngọc

Nguồn tin: Báo Người đưa tin