Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giáo viên nói “không” với việc giao bài tập Tết

Học sinh cả nước đang bắt đầu bước kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020 dài ngày với sự háo hức vì được vui chơi sau thời gian miệt mài với sách vở. Tuy nhiên, chưa được vui Tết, học sinh đã canh cánh nỗi lo bài tập. Song nhiều giáo viên đã nói “không” với bài tập Tết.

 Nhiều giáo viên đã nói “không” với việc giao bài tập về nhà trong thời gian học sinh nghỉ Tết. Ảnh: Hải Nguyễn

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian để học sinh có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục đẹp trong ngày Tết. Nhất là với những sinh viên phải xa gia đình lên thành phố học tập, ít có điều kiện về quê, kỳ nghỉ Tết sẽ là dịp quan trọng để sum họp, quây quần bên gia đình.

Tuy nhiên, dù nhiều trường cho sinh viên nghỉ Tết dài cả tháng, nhưng thường được “lì xì” bằng rất nhiều bài tập. Với học sinh phổ thông, kỳ nghỉ Tết khoảng 7-15 ngày (tùy từng địa phương) nhưng bài tập Tết luôn là nỗi ám ảnh.

Trên một số diễn đàn dành cho học sinh, sinh viên, chuyện “bài tập Tết” được bàn luận sôi nổi. Có học sinh than thở về “núi bài tập”, bạn khác lại hồ hởi khoe năm nay được ăn Tết trọn vẹn vì không có bài tập về nhà. Có học sinh bày tỏ: “Tiền lì xì cũng không vui bằng kỳ nghỉ tết không bài tập”.

Đoàn Hồng Trang - học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam - cũng như nhiều học sinh khác, dù biết việc giáo viên giao bài tập là muốn tốt cho học sinh, nhưng các em mong có cái Tết không bài tập về nhà. Hoặc nếu có, thì không nên quá nhiều. Mỗi ngày chỉ nên yêu cầu học sinh làm một bài toán, viết một đoạn văn. Bởi quan trọng nhất, Tết là khoảng thời gian quý giá để học sinh nghỉ ngơi, sum họp bên gia đình và được trải nghiệm Tết. Đây là những bài học ý nghĩa từ cuộc sống, mà không sách vở nào sánh được.

Một học sinh của Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) nêu thực tế có việc “đối phó” với bài tập Tết: “Đang nghỉ Tết mà cứ lo nghĩ chưa làm bài tập, thực sự ăn Tết cũng không vui. Bao giờ học sinh cũng có tâm lý, hoặc là làm hết bài cô giao trước Tết để ăn Tết thật ngon, hoặc là sẽ đợi đến khi gần hết ngày nghỉ mới làm. Điều này dẫn đến tình trạng mượn bài của nhau để chép. Ra Tết, thầy cô vẫn phải dành thời gian để ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Chi bằng không nên giao bài tập về nhà để học sinh tránh áp lực, căng thẳng trong những ngày nghỉ Tết”.

Nhiều giáo viên đã nói “không” với bài tập Tết

Trong khi học sinh muốn có kỳ nghỉ Tết không phải lo chuyện bài tập về nhà thì giáo viên lại trăn trở nếu không giao bài tập, học sinh sẽ bị quên kiến thức, hay có tâm lý “ngại học” sau Tết. Thầy cô mong mỗi ngày học sinh dành khoảng thời gian nhất định làm bài tập để duy trì nếp học tập.

Tuy nhiên, theo cô Phạm Thái Lê - giáo viên Trường Marie Curie (Hà Nội), sau nhiều lần “lì xì” học sinh bằng bài tập, từ thực tế giảng dạy, cô nghiệm ra một điều “giao nhiều bài tập cũng không giúp học sinh giỏi lên”. “Tôi nghiệm ra rằng học sinh phải làm bài tập trong tâm lý không thoải mái, không hứng thú thì cũng không có nhiều tác dụng” - cô Thái Lê nói và cho biết, mấy năm gần đây, cô đã không giao bài tập Tết cho học sinh nữa.

Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - cho hay, 20 năm gắn bó với nghề giáo, thầy chưa bao giờ giao bài tập Tết cho học sinh. Lý do là hiện nay việc học tập của học sinh Việt Nam khá căng thẳng. Ngoài học chính khóa, nhiều học sinh phải chạy sô học thêm. Nếu trong kỳ nghỉ Tết, các em lại bị giao bài tập, căng thẳng càng bị đẩy lên cao. Kỳ nghỉ Tết nên để học sinh có thời gian giúp đỡ ba mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón tết, cũng là thời gian nghỉ ngơi. Quan trọng nhất là giáo viên tuyên truyền cho học sinh ăn Tết và vui Tết lành mạnh.

Tương tự, cô Thạch Anh Thư - giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) - cũng chưa bao giờ giao bài tập về nhà trong dịp Tết cho học sinh của mình. Cô quan niệm, người lớn cũng muốn được ăn tết thoải mái, không vướng bận công việc thì học trò mong có cái tết “không bài tập về nhà” là đương nhiên.

Cô Thư chia sẻ: “Tôi thường nói với học sinh của mình rằng, nhà trường cho các con nghỉ Tết thì các con cứ nghỉ, còn khi yêu cầu chúng ta học thì chúng ta học nghiêm túc. Nếu sợ học sinh quên kiến thức, giáo viên có thể dặn dò phụ huynh, đến khi chuẩn bị hết kỳ nghỉ Tết (còn khoảng 1-2 ngày) hãy cùng con ôn lại công thức, quy tắc trong sách giáo khoa. Khi học sinh đã nhớ lý thuyết, lên lớp cô và trò sẽ cùng nhau luyện tập”.

Tác giả: ĐẶNG CHUNG

Nguồn tin: Báo Lao động