Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


“Choáng” với trường đại học tinh hoa của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Chi 6.500 tỷ đồng xây trường đại học tinh hoa và tư thục phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng gây chú ý không chỉ vì mức chi phí đào tạo trung bình hàng năm lên tới 35.000 - 40.000 USD mà còn với chính sách hỗ trợ cùng tuyên bố: đây không phải là đại học của người giàu mà là của người tài.

Việc khánh thành Đại học VinUni với tổng mức đầu tư lên tới 6.500 tỷ đồng là một trong những thông tin gây chú ý nhất đối với giới đầu tư chứng khoán trong ngày giao dịch hôm qua (15/1). Đây là đại học “tinh hoa” và tư thục phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam.

Theo thông tin công bố, trong cơ cấu vốn đầu tư thì 3.500 tỷ đồng được chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và 3.000 tỷ đồng dành để cấp học bổng tài năng, hỗ trợ tài chính cho sinh viên cũng như bù lỗ vận hành cho 10 năm đầu tiên. VinUni theo mô hình đại học tinh hoa, đào tạo và phát triển nhân tài cho tương lai.

Chi phí đào tạo trung bình hàng năm (gồm giảng dạy, nghiên cứu, thực tập, trao đổi quốc tế, học kỳ doanh nghiệp và các chi phí đầu tư liên quan...) cho mỗi sinh viên tại trường Đại học VinUni là 35.000 USD với hệ đại học và 40.000 USD với hệ sau đại học. Tuy vậy, doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng - Vingroup vẫn khẳng định đây không phải là đại học của người giàu mà là của người tài.

Vingroup cũng công bố tài trợ không hoàn lại cho VinUni 3.000 tỷ đồng cho các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và cấp học bổng cho sinh viên tài năng với mức học bổng cao nhất là 100% chi phí đào tạo và sinh hoạt phí.

Ngoài ra, liên tục trong 5 niên khóa đầu tiên, tất cả sinh viên sẽ được VinUni hỗ trợ 35% chi phí, tương đương với khoảng 12.000 USD - 14.000 USD trong suốt thời gian học tập tại trường.

 Vingroup đầu tư không hoàn lại tới 3.500 tỷ đồng cho VinUni

Trong phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu VIC của Vingroup đứng giá tham chiếu 115.000 đồng sau nhiều phiên liên tục tăng giá nhẹ. Giữa bối cảnh đó, thị trường chung giao dịch dùng dằng, nhà đầu tư có tâm lý nghỉ Tết sớm.

Chỉ số VN-Index vẫn kết phiên với mức tăng nhẹ 0,56 điểm tương ứng 0,06% lên 967,56 điểm trong khi HNX-Index mất 0,18 điểm tương tương ứng 0,17% còn 103,19 điểm. Chỉ số sàn UPCoM diễn biến tiêu cực với mức giảm 0,34 điểm tương ứng 0,61% còn 55,35 điểm.

Thanh khoản “teo tóp” dần trong những phiên trước Tết. Khối lượng giao dịch toàn sàn HSX chỉ đạt hơn 150 triệu cổ phiếu tương ứng 3.139,42 tỷ đồng và trên HNX là 18,81 triệu cổ phiếu tương ứng 203,3 tỷ đồng; trên UPCoM là 4,44 triệu cổ phiếu tương ứng 63,72 tỷ đồng.

Trong bức tranh chung của thị trường, sắc đỏ vẫn đóng vai trò chủ đạo. Có tổng cộng 336 mã giảm giá, 42 mã giảm sàn so với 251 mã tăng và 32 mã tăng trần trên các sàn giao dịch.

Theo đó, sở dĩ VN-Index là nhờ sức kéo của một vài cổ phiếu lớn, có ảnh hưởng. Đáng kể nhất là BID, mã này tăng 900 đồng đã giúp VN-Index tăng 1,05 điểm. VPB, TCH, SAB, HPG, CTG cũng là những mã hỗ trợ đáng kể cho VN-Index trong phiên.

Chiều ngược lại, GAS, VRE, HVN và ROS lại có ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index. Riêng ROS thời gian gần đây diễn biến rất phập phù về giá.

Hôm qua, tình trạng giảm sàn lại quay trở lại với ROS, mã này mất 800 đồng còn 11.250 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 3,8 triệu đơn vị nhưng vẫn còn dư bán sàn hơn 543 nghìn đơn vị, hoàn toàn trắng bên mua.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự 970-972 điểm trong những phiên còn lại của tuần.

BVSC kỳ vọng chỉ số sẽ sớm bứt phá qua vùng kháng cự này để hướng đến vùng kháng cự mạnh hơn nằm tại 980-985 điểm trong ngắn hạn. Tuy vậy, vùng kháng cự quanh 972 điểm vẫn là vùng cản mạnh và có tính chất quyết định đối với hướng đi kế tiếp của thị trường.

Do đó, BVSC một lần nữa để ngỏ khả năng chỉ số có thể vấp phải áp lực rung lắc, điều chỉnh trở lại khi tiếp cận vùng kháng cự này.

Diễn biến thị trường có thể sẽ được hỗ trợ từ việc Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 về chiến tranh thương mại diễn ra giữa 2 quốc gia này vào ngày 15/1/2020 (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, thị trường có thể sẽ có biến động mạnh về cuối phiên do hôm nay là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 1/2020.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí