Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cúng ông Công ông Táo năm 2020 vào ngày nào, giờ nào, chuẩn bị lễ gì?

Nên cúng ông Công ông Táo năm 2020 vào ngày nào, giờ đẹp nào ? Cúng trước ngày 23 tháng chạp có được không và chuẩn bị mâm cỗ cúng như thế nào cho chuẩn

Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm là ngày cúng ông Công ông Táo (còn gọi là Táo Quân).

Sự tích và nguồn gốc của Lễ cúng Táo Quân được lưu truyền trong nhiều câu chuyện. Theo người xưa truyền lại, Táo Quân là vua bếp gồm táo bà và hai táo ông, họ cũng chính là vị thần quyết định phước đức cho gia đình.

Vào ngày 23 tháng Chạp, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian bao gồm cả việc tốt, việc xấu và những gì chưa làm được. Thiên đình sẽ từ báo cáo đó của Táo quân mà đưa ra thưởng phạt rõ ràng cho từng gia đình.

Xuất phát từ tín ngưỡng đó, lễ tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời luôn được tiến hành trọng thể. Các gia đình chuẩn bị cho ngày 23 tháng Chạp từ rất nhiều ngày trước, để đảm bảo không một sai sót nào xảy ra.

Theo Giáo sư Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, phong tục thờ cúng Táo quân của dân tộc ta là một tín ngưỡng văn hóa dân gian có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. 

Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc trong gia đình.

Đây cũng được coi là dịp để tỏ lòng biết ơn với vị thần đã cho lửa, mang lại no ấm cho gia đình trong suốt một năm. Đồng thời, đây cũng là lúc để mọi người trong gia đình đoàn tụ bên mâm cơm cuối năm.

 

1. Cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 có được không?

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ cúng ông Công ông Táo có thể tiến hành vào nhiều thời điểm khác nhau tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình.

Thông thường, thời gian cúng ông Công ông Táo có thể bắt đầu từ ngày 21 và kết thúc trước khi hết giờ Ngọ (từ 11 giờ – 13 giờ) ngày 23 tháng Chạp. Bởi đây được coi là thời điểm các thần quy tụ để chuẩn bị chầu trời.

Năm nay, Tết ông Công ông Táo 23 tháng Chạp rơi vào ngày thứ Sáu 17/1/2020.

2. Cúng ông Công ông Táo ở đâu cho đúng?

Có người quan niệm Táo Quân là thần Bếp núc nên tiến hành cúng dưới bếp. Tuy nhiên, đây là cách hiểu sai. Mặc dù gọi là cúng Táo Quân nhưng đây là cách nói tắt, chứ thực ra lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng chạp là cúng chung ba vị Thần Đất, Thần Nhà và Thần Bếp, dân gian thường gọi chung là Thần linh, Thổ địa, được thờ trên ban thờ. Vì vậy, việc hành lễ phải được tiến hành tại ban thờ chính, là nơi trang trọng nhất trong nhà chứ không thể thực hiện ở bếp. Hơn nữa, bếp là nơi nấu nướng, chế biến thực phẩm nên thường bị coi là nhếch nhác, nếu hành lễ ở đây sẽ thiếu trang trọng. Đó là chưa kể không gian bếp thường chật chội, ở thành phố càng chật chội hơn nên làm lễ sẽ rất khó khăn.

3. Lễ cúng Táo Quân gồm những gì?

Lễ vật cúng Ông Công, Ông Táo ngày 23 tháng Chạp cần phải có 3 bộ áo mũ Táo Quân, trong đó 2 bộ có cánh chuồn dành cho Táo Ông, 1 bộ không có cánh chuồn cho Táo Bà (cả 3 bộ đều kèm hia hài đầy đủ) và cá chép (có thể cá sống hoặc cá giấy). Những lễ vật này đều đã được người sản xuất đóng gói đầy đủ trong bộ đồ lễ, vì vậy nếu không mua cá chép sống thì cũng yên tâm vì đã có cá chép giấy trong bộ đồ lễ rồi.

Được biết từ hai năm nay, cơ sở “Vàng mã đẹp” có sản xuất bộ lễ vật cúng Táo Quân thu nhỏ, tinh xảo, vừa trang trọng, đầy đủ, vừa phù hợp với các gia đình ở chung cư ban thờ thường nhỏ, lại tiết kiệm và giảm ô nhiễm môi trường, khi hóa vàng thuận tiện, mọi người cũng nên tham khảo.

 

Mâm cỗ cúng Ông Công, Ông Táo thông thường có:

- Thịt luộc;

- Gà luộc;

- Xôi hoặc bánh chưng;

- Món xào thập cẩm;

- Canh măng (hoặc canh nấm, canh mọc, canh bóng);

- Hoa quả, bánh kẹo, trà rượu, trầu cau, vàng mã.

Hoặc đơn giản chỉ cần cơm canh, rượu, hoa quả và bộ vàng mã Táo Quân là được.

Tác giả: Trang Luv

Nguồn tin: Doisongplus