Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cuộc sống tuyệt vọng của các cô gái hành nghề mại dâm tại khu đèn đỏ ở Philippines

Thành phố Angeles ở Philippines là một trong những khu đèn đỏ lớn nhất ở Đông Nam Á. Tại đây những cô gái hành nghề mại dâm không có tên mà được đánh số.

 Con phố ở Angeles, Philippines. Ảnh: AP

Một nữ "tiếp viên" (hay "chiêu đãi viên") đang sải bước trên con phố ở Angeles, cố gắng tìm kiếm khách hàng khi ngày đang tàn dần. “Tôi không muốn về nhà mà không có tiền cho con”, cô ấy nói.

“Khi tôi ở độ tuổi 20, điều đó thực sự dễ dàng. Đàn ông không chỉ muốn ngủ với tôi, họ còn muốn nuôi tôi và cả gia đình tôi. Do đó, tôi không phải làm việc mỗi tối. Nhưng hiện tại tôi đã 38 tuổi và họ nghĩ tôi quá già”. Cô cũng cho biết hầu hết khách hàng của cô ấy đều ở độ tuổi 60.

Cuộc sống tuyệt vọng dưới ánh đèn mờ

Một cách lặng lẽ, những "tiếp viên" bước quanh chiếc bục tròn, tay che đi phần bụng thiếu vải, còn mắt dán xuống sàn nhà làm từ kim loại trầy xước.

Ở phía sau sân khấu, một bé gái 14 tuổi đi giày cao gót đen khom vai và cố gắng thu mình vào bóng tối. Đã hơn một năm kể từ khi cô bị bán vào hộp đêm cách khoảng 50 dặm (hơn 80km) về phía bắc của Manila.

Cô là một trong số hàng trăm cô gái được đưa tới thành phố Angeles để đáp ứng nhu cầu của những người đàn ông nước ngoài sẵn sàng trả tiền cho tình dục, nhiều người trong số họ là người Mỹ.

Một tiếng chuông vang lên và một khách du lịch bước vào quán bar. Dưới cái nhìn ẩn ý của người quản lý, bé gái bước tới và nở một nụ cười.

Người đàn ông Mỹ vẫy tay chào đứa trẻ 14 tuổi. Cô bé nói với anh ta rằng tên của cô là Rose và cô mới bước sang tuổi 18: hai lời nói dối, được lấy từ những tờ giấy giả được sử dụng để đảm bảo công việc của cô trong quán bar.

Một người quản lý đã thông báo với khách du lịch rằng sẽ tốn 2.000 peso Philippines, tương đương 38 USD, để đưa Rose trở lại khách sạn của anh ấy trong một thời gian ngắn. Sau đó, một hai tờ tiền màu xanh bị vò nát được chuyển qua giữa hai lòng bàn tay.

"Họ trông như ông nội cháu ấy", Rose bình luận. Có khoảng 30 cô gái trong quán bar và Rose nghĩ rằng mình trẻ nhất. Dù vậy, cô bé cũng chẳng chắc chắn lắm về điều đó.

 Các cô gái mặc đồ thiếu vải trong một club tại Philippines. Ảnh: BBC

Thành phố Angeles, nơi Mỹ từng đặt căn cứ quân sự, từ lâu đã trở thành trung tâm của ngành "du lịch tình dục", hành vi mại dâm bất hợp pháp giữa đàn ông nước ngoài với các thiếu nữ Philippines. Họ thường là những bé gái chưa đủ tuổi thành niên bị những kẻ buôn người mang tới, hoặc những cô gái buộc phải hành nghề do áp lực gia đình và khó khăn kinh tế.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp tình dục Philippines vẫn được hỗ trợ gián tiếp bởi các lỗ hổng lập pháp và sự thờ ơ rõ ràng từ chính quyền, theo các nhà hoạt động.

Hành nghề mại dâm là bất hợp pháp ở Philippines và quan hệ tình dục với một đứa trẻ dưới 18 tuổi là phạm tội hiếp dâm. Tuy nhiên quản lý các quán bar có rất nhiều cách để lách luật.

Các cô gái được giới thiệu là những người “tiếp viên” hay “chiêu đã viên”, thay vì những người hành nghề mại dâm. Các khoản tiền thu được sau bán dâm thì được xem là "tiền phạt" do nhân viên tự ý về sớm, rời bỏ vị trí của mình.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte không dành nhiều nguồn lực để chống lại ngành công nghiệp tình dục bất hợp pháp của Philippines, trong khi họ trả tiền cho các cuộc đàn áp tàn bạo đối với buôn bán ma túy.

Ông Duterte, trên thực tế, đã mời những người đàn ông nước ngoài đến nước này với lời đề nghị rằng các phụ nữ trẻ đang chờ đợi.

Cụ thểm ông Duterte đầu năm 2018 thậm chí đùa rằng "42 trinh nữ" đang chờ đợi các du khách muốn tới nước này. Trong Thông điệp Quốc gia hồi tháng 7, ông cũng "quảng bá" về những phụ nữ trẻ "đang tắm nắng trên bãi biển".

Do vậy, các lãnh đạo địa phương gần như phải đơn độc xử lý hậu quả một mình. “Tôi sẽ không từ bỏ việc này”, ông Cameronelo, thị trưởng mới đắc cử vào tháng 7 tại Angeles nói. “Việc chấm dứt mọi hình thức mại dâm trong thành phố là ưu tiên hàng đầu song nó sẽ mất thời gian. Mặc dù rất nhiều sự kháng cự, chống đối, cản trở”.

Cảnh báo của các nhà hoạt động

Theo các nhà hoạt động, khi các ngành công nghiệp tình dục sinh ra nhiều lợi nhuận, các quan chức tham nhũng đã thực hiện các bước để cung cấp cho nó một "lớp ngụy trang" hợp pháp.

Hơn 9.000 cô gái quán bar được đăng ký là những “chiêu đãi viên”, nhưng chính phủ bắt buộc họ phải kiểm tra bệnh lây truyền qua đường tình dục hàng tuần - một động thái bị các nhà hoạt động chỉ trích là một thủ thuật tiếp thị để giới thiệu ngành công nghiệp tình dục thành phố là sạch sẽ và thân thiện với khách du lịch.

Trong khi đó, chủ quán rượu thường giả vờ tuân theo yêu cầu về độ tuổi tối thiểu là 18. Tuy nhiên, người nhỏ nhất trả lời phỏng vấn Fuller Project, hãng tin phi lợi nhuận chuyên điều tra các vấn đề ảnh hưởng tới phụ nữ, chỉ mới 10 tuổi.

Năm tới, một nhà ga sân bay mới ở ngoại ô Angeles được thiết lập để tăng gấp ba số lượng du khách đến khu vực. Điều này có thể dẫn tới việc mở rộng buôn bán và lạm dụng tình dục, những người ủng hộ nhân quyền cảnh báo.

"Nếu du lịch phát triển gấp đôi thì khả năng trẻ em bị tổn thương cũng tăng gấp đôi", Dolores Alforte, giám đốc điều hành tại Philippines của tổ chức phi chính phủ chống buôn bán và lạm dụng trẻ em ECPAT, cho biết.

 Một con hẻm tại thành phố Angeles, Philippines. Ảnh: Washington Post.

Vào tháng 7/2018, ông Edgardo Pamintuan, thị trưởng Angeles vào thời điểm đó, cùng nhà hoạt động Mỹ Robert Wagner và cán bộ nhân quyền tại Đại sứ quán Mỹ ở Philippines John McGregor đã tổ chức buổi gặp mặt.

Họ đề xuất một kế hoạch sáu điểm để hỗ trợ người Mỹ trong việc bắt giữ công dân Mỹ phải chịu trách nhiệm về các tội ác có thể liên quan đến việc lạm dụng nữ và trẻ em gái, bao gồm việc đặt các camera kín bên ngoài các quán bar và ki-ốt, nơi các cô gái hành nghề mại dâm và nạn nhân buôn người có thể báo cáo về việc lạm dụng và yêu cầu giúp đỡ.

Tuy nhiên, không có hành động nào được triển khai kể từ đó. Đại sứ quán Mỹ tại Manila từ chối đưa ra bình luận công khai. Song những tuyên bố trong quá khứ của các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với cơ quan thực thi pháp luật Philippines về buôn bán người và các vấn đề liên quan.

Vào tháng 6, báo cáo về nạn buôn bán người đã liệt kê Philippines trong số các quốc gia hàng đầu có luật pháp để chống lại nạn buôn người.

Mặc dù luật pháp của chính phủ Philippines đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu, nhưng họ không điều tra mạnh mẽ và truy tố các quan chức bị cáo buộc liên quan đến tội phạm buôn người, báo cáo cho biết thêm.

“Không có lối thoát”

Hơn 150 phụ nữ và trẻ em gái được phỏng vấn bởi The Fuller Project ở Angeles City cho biết họ muốn rời khỏi mại dâm nhưng không biết làm thế nào.

Những nạn dân dưới 18 tuổi sợ rằng việc "giải cứu" có thể khiến họ phải rời xa bạn bè và gia đình. Số khác thì cảm thấy lo lắng vì luật chống gái mại dâm, sợ rằng sẽ phải ngồi tù nếu như báo cho cảnh sát.

Angel (14 tuổi) cho biết cô bị buôn bán vào ngành công nghiệp tình dục khi cô 12 tuổi bởi một người đàn ông Mỹ. Bây giờ cô ấy làm việc tự do trực tuyến với một nhóm chín người bạn. “Tất cả đều chưa đủ tuổi”, cô nói.

Theo Đạo luật Bảo vệ năm 2003 của Mỹ, những công dân bị nghi ngờ lạm dụng tình dục trẻ em ở nước ngoài có thể bị buộc tội tại Mỹ, bất kể hành vi của họ diễn ra ở đâu. Tuy nhiên, bất chấp sự tồn tại của một nhóm đặc vụ Mỹ tại Manila chuyên điều tra những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em trên khắp Philippines, có rất ít người bị kết án.

Stacie Harris, trợ lý thứ trưởng tư pháp Mỹ kiêm điều phối viên quốc gia về nạn buôn người và lạm dụng trẻ em, cho hay: “Chúng tôi đã xác định một số công dân Mỹ thường đến những khu vực như Philippines vì mục đích quan hệ tình dục với trẻ em nghèo”.

"Du khách Mỹ đến và chọn bừa một tiếp viên nơi góc đường. Chúng tôi thì không đủ quyền hạn để xử lý", ông Harris thừa nhận.

(Bài viết lấy thông tin từ báo cáo của The Fuller Project for International Reporting, một phòng tin tức phi lợi nhuận điều tra các vấn đề ảnh hưởng đến phụ nữ).