Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đại gia Hồ Hùng Anh gây “choáng” vì trả nhân viên bình quân 33 triệu đồng/người

Cổ phiếu TCB của Techcombank đang có diễn biến tăng đầy tích cực. Ngân hàng của ông Hồ Hùng Anh cũng vừa gây “choáng” khi chi trả thu nhập cho nhân viên ở mức “khủng”, bình quân 33 triệu đồng/người.

Thị trường đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (8/11) không mấy thuận lợi khi chỉ số đã phải “khuất phục” trước áp lực bán gia tăng mạnh.

VN-Index chấp nhận đánh mất 1,54 điểm tương ứng 0,15% còn 1.022,49 điểm. Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, chỉ số vẫn giữ được trạng thái tăng với mức tăng 0,39 điểm tương ứng ứng 0,37% lên 107,27 điểm. UPCoM-Index giảm nhẹ 0,1 điểm tương ứng 0,18% còn 56,73 điểm.

Thanh khoản phần nào co hẹp và thể hiện thái độ thận trọng của nhà đầu tư, tuy nhiên, dòng tiền vào thị trường nhìn chung vẫn ổn định.

Trên HSX, khối lượng giao dịch đạt 181,36 triệu cổ phiếu tương ứng 4.149,1 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 24,19 triệu cổ phiếu tương ứng 315,08 tỷ đồng và trên UPCoM là 7,87 triệu cổ phiếu tương ứng 98,56 tỷ đồng.

 

 Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía các mã giảm. Theo thống kê có 319 mã giảm giá, 40 mã giảm sàn và 299 mã tăng, 42 mã tăng trần. Số lượng mã không diễn ra giao dịch giảm xuống con số 827 mã.

Thị trường chịu áp lực đáng kể do một loạt cổ phiếu vốn hoá lớn như VHM, VRE, VIC, BID, GAS. BHN… đều giảm giá. Trong đó, riêng VHM khiến VN-Index mất 0,98 điểm và tác động tiêu cực từ VRE là 0,38 điểm, từ BID là 0,3 điểm và từ VIC là 0,29 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng hôm qua có diễn biến khả quan và đã có tác động nhất định đến việc “nâng đỡ” cho VN-Index. TCB, VCB, HDB, VPB, CTG đồng loạt tăng điểm và ảnh hưởng tích cực lên VN-Index, nhờ đó, mặc dù chịu điều chỉnh nhưng mức giảm của VN-Index không lớn.

Dù chỉ tăng 300 đồng tương ứng 1,21% lên 25.100 đồng/cổ phiếu song TCB vẫn là mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index trong ngày hôm qua. Mã này đóng góp 0,3 điểm cho VN-Index. Với mức giá hiện tại, vốn hoá Techcombank đang đạt khoảng 87.854 tỷ đồng.

Diễn biến cổ phiếu Techcombank trong thời gian gần đây khá tích cực. Mã này tăng tới hơn 24% trong vòng 3 tháng qua. Trong 6 phiên vừa qua, TCB chưa có phiên nào giảm giá, trong đó có 5 phiên tăng.

Techcombank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 cho thấy lợi nhuận trước thuế đạt 3.198 tỷ đồng, tăng mạnh 24% so cùng kỳ, qua đó đưa lợi nhuận luỹ kế 9 tháng đầu năm lên 8.860 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và đứng thứ 2 về lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, chỉ tính sau Vietcombank.

Dư nợ cho vay khách hàng tại ngày 30/9 đạt 205.317 tỷ đồng, tăng tới 28,4% so với đầu năm, trong khi đó, huy động vốn chỉ tăng với tốc độ 8,6% lên 218.655 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong kỳ, Techcombank tăng mạnh chi phí cho nhân viên. Ngân hàng này đã tăng lương và chi phí liên quan, đưa thu nhập bình quân của nhân viên trong ngân hàng lên 33 triệu đồng/tháng, tăng vọt so với mức trung bình 27 triệu đồng/tháng của cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường chứng khoán, cũng trong phiên hôm qua, ROS tiếp tục là mã gây ấn tượng mạnh mẽ nhất về thanh khoản trên toàn thị trường trong phiên hôm qua. Khối lượng giao dịch tại mã này lên tới trên 29 triệu cổ phiếu. Dù vậy, về diễn biến giá, ROS vẫn “dẫm chân” tại mức giá 25.000 đồng.

Nhận định về xu hướng của thị trường, Công ty chứng khoán BVSC cho rằng, trong tuần tới, thị trường dự báo có thể gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh vào đầu tuần trước khi hồi phục tăng điểm trở lại về cuối tuần. Trong kịch bản điều chỉnh, VN-Index có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.008-1.015 điểm.

Về xu hướng tổng thể của thị trường, BVSC vẫn kỳ vọng chỉ số sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.035-1.040 điểm trong ngắn hạn.

Trong tuần tới, thị trường tương đối thiếu vắng thông tin hỗ trợ nên diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu và chịu ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu bluechips trong rổ VN30 vẫn sẽ tạo sức ảnh hưởng chi phối đến xu hướng thị trường trong ngắn hạn.

BVSC cho rằng, các cổ phiếu thuộc các nhóm này sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường. Do đó, đây vẫn được xem là các cơ hội đầu tư chủ đạo trong giai đoạn này.

Chiến lược đầu tư được khuyến nghị với nhà đầu tư đó là duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 60-65% cổ phiếu. Có thể xem xét bán trading trong các phiên tăng điểm của thị trường, đặc biệt là tại vùng kháng cự quanh 1035 điểm. Các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường tại vùng 1005-1015 điểm được xem là cơ hội để nhà đầu tư thực hiện mở vị thế mua mới hoặc mua lại các vị thế đã bán trước đó.