Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chồng chết cùng khoản nợ khổng lồ, mẹ khiếm thị không nuôi nổi 2 con đi học

Mắt phải của chị Hồng bị tật từ nhỏ, ngày anh Hoàn mất, vì khóc thương chồng mà mắt còn lại của chị cũng không còn nhìn rõ. Trước đây, hai vợ chồng vay mượn gần xa được 450 triệu, mong cố gắng làm lụng nuôi con.

Đùng một cái, anh Hoàn mất, chị Hồng như người điên, lao đao vì khoản nợ khổng lồ giờ một mình gồng gánh. Tương lai hai đứa con đang tuổi đang đi học như bị phủ bởi bức tường đen.

Trùng trùng tai ương

Ngôi nhà của chị Trần Thị Hồng (SN 1982, trú tại thôn Sa Nam, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) nằm ở cuối cánh đồng. Ngày chúng tôi đến, con đường cho đến ngôi nhà, cảnh vật,... mọi thứ đều hiu hắt buồn.

 Hai đứa con của người mẹ khốn khổ có nguy cơ bỏ học

Căn nhà ba mẹ con đang sống, tuềnh toàng và trống trải, không có tài sản gì đáng giá. Ngay cả bộ bàn ghế để tiếp khách cũng không có.

Ngay giữa nhà là di ảnh của anh Hoàn nghi ngút khói hương.

12h trưa, chị Hồng đi làm về, không giấu nỗi vất vả, chị thở hổn hển. Chị cho biết, sáng nay chị dọn dẹp nhà cửa cho một người ở xa hơn 10 km, kết thúc công việc chị về ngay, người còn mệt.

Chị Hồng chia sẻ, từ nhỏ chị đã bị dị tật một mắt, lại ốm đau triền miên. Năm 2008, chị lập gia đình với anh Trần Viết Hoàn (SN 1974). Hai vợ chồng chị hứa cùng nhau cố gắng làm lụng nuôi con và xây một mái ấm nhỏ như bao người.

Năm 2009 và năm 2011, lần lượt hai em Trần Viết Huy và Trần Viết Hoàng ra đời. Ai ngờ, cuối năm 2011, anh Hoàn bị tai nạn, chấn thương não, gãy chân. Phải mất 3 năm và hết hơn 200 triệu tiền thuốc thang để điều trị, anh mới có thể đi lại được. Vốn liếng anh chị dành dụm bấy lâu, nay chỉ còn còn lại con số không tròn trĩnh.

Năm 2015, anh Hoàn dần hồi phục, anh chị cầm cố vay ngân hàng được 300 triệu, vay mượn ngược xuôi được thêm 150 triệu để xây hệ thống trang trại nuôi lợn, mua thêm con giống, thức ăn và sắm chiếc máy cày để anh Hoàn đi cày ruộng.

Mới phục vụ được lứa đầu tiên, thì anh Hoàn bị di chứng tai nạn tái phát. Chị Hồng lại tất tả chăm lo cho anh nằm viện, rồi các chi phí điều trị.

Sau đó, sức khỏe của anh yếu hẳn, không thể cùng chị cáng đáng mọi việc như trước. Ngoài chăm lo cho anh, chị Hồng còn lo lắng cho 2 đứa nhỏ tuổi ăn học, nên chuồng trại và máy cày đành bỏ không.

Hai đứa trẻ nguy cơ thất học

Đầu năm 2019, anh Hoàn mất đột ngột vì bị xuất huyết não do di chứng tai nạn để lại. Chị Hồng như hóa điên, lao đao vì khoản nợ khổng lồ giờ mình chị gồng gánh. Càng thương 2 đứa con nheo nhóc đang tuổi ăn tuổi học đột nhiên mồ côi bố chị càng lo sợ hai đứa con không có điều kiện được đến trường như bạn bè.

 Một mắt chị Hồng đã bị dị tật, mắt còn lại không nhìn rõ

Mắt phải trước đây của chị Hồng đã bị tật, nay vì thương xót anh, chị khóc cạn nước mắt nên mắt còn lại cũng không còn nhìn rõ.

Chị kể, để có tiền nuôi con, chị đã làm rất nhiều việc, mà công việc nào cũng chỉ mang tính thời vụ.

Căn nhà mà ba mẹ con đang ở là căn nhà của bà cố để lại. Ngôi nhà xây đã lâu, nay cũ rích và bị xuống cấp. Mỗi lần mưa là không có chỗ đứng, 2 đứa con ngồi học đều chịu cảnh ướt như chuột lột. Vừa rồi, nhờ có các tổ chức hỗ trợ nên căn nhà được sơn mới và lợp mái đàng hoàng hơn.

Chị Hồng cho hay, các vật dụng trong nhà, chị không sắm nổi. Từ chiếc bàn học, chiếc xe đạp của 2 đứa cho đến giường, chăn,.. chị đều được các tổ chức quyên góp và trao tặng. Phần mắm, muối thì chị được gia đình bên nội, ngoại giúp đỡ thêm.

Chị Hồng chia sẻ, cả 2 đứa con của chị đều chăm chỉ và học rất tốt. Thương con nhưng chị cũng bất lực, đồng lương ít ỏi từ các công việc thời vụ chỉ đủ chi phí sinh hoạt của ba mẹ con. Nếu con cái đau ốm, chị cũng không biết phải làm sao.

“Từ lúc bố 2 đứa mất, tôi khóc nhiều quá nên bị khô tuyến lệ, giờ có muốn khóc cũng không khóc được. Bác sĩ nói mắt tôi có nguy cơ bị mù vĩnh viễn. Nợ nần chồng chất rồi áp lực nuôi con khiến tôi luôn chìm trong cảm giác lo sợ”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Liên hệ: Chị Trần Thị Hồng  trú tại thôn Sa Nam, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Tác giả: Hương Lài

Nguồn tin: Báo Việt Nam Net