Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


“Trầm tích” nơi “đảo ngọc”

Phú Quốc từ lâu đã được mệnh danh là “đảo ngọc”, là “thiên đường du lịch”. Nhưng ít ai biết rằng, ở chính nơi đó, nhiều cán bộ, chiến sỹ Biên phòng vẫn đang âm thầm vượt qua khó khăn, gian khó. Giấu kín sự trăn trở ở phía sau, họ luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc, bình yên cho huyện đảo. Họ được ví như là “trầm tích” của “đảo ngọc” Phú Quốc hôm nay.

 Trung tá Lê Bá Tước (ngoài cùng, bên trái) thăm, động viên gia đình ông Nông Thái Sơn, tổ 6, ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc. Ảnh: Đăng Bảy

Cả đời gắn bó với vùng sâu, vùng xa

Lần đầu tiên tôi tới Đồn Biên phòng Rạch Tràm (đóng quân ở xã Bãi Thơm, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) là vào cuối tháng 12-1997. Còn nhớ, doanh trại đơn vị hồi đó là mấy căn nhà cấp 4 cũ kỹ nép mình khiêm nhường dưới chân núi, xung quanh có rất nhiều rừng. Rạch Tràm lúc đó là “vùng sâu, vùng xa” của Phú Quốc, cách trung tâm huyện đảo chưa tới 50km, nhưng về mùa khô, chạy xe máy từ sáng mà tới xế chiều mới tới nơi. Về mùa mưa thì còn phụ thuộc thời tiết, có thể vài ngày, cũng có khi phải quay về nửa chừng vì đất đá đồi núi sạt lở, hay cây rừng đổ gãy chắn lối...

Trở lại Phú Quốc lần này, tôi may mắn gặp lại những người bạn ngày xưa đã từng gặp nhau ở Rạch Tràm. Mới đó mà đã hơn 20 năm, thoáng qua gương mặt các bạn cũ đã thấy nhiều vết chân chim, tóc đã chuyển đồi mồi. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, ban đầu tôi cứ ngỡ, trong cơn lốc thị trường, trong sự biến đổi đến chóng mặt của Phú Quốc, những “cư dân lính” ở đây cũng có nhiều đổi thay phấn khởi. Nhưng đi sâu tìm hiểu mới biết, cuộc sống của phần lớn bộ đội ở Phú Quốc nói chung và ở Đồn Biên phòng Rạch Tràm vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả.

Lê Bá Tước, Đội trưởng Đội Vũ trang ngày xưa, nay đã là Trung tá “già” và đang là Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Rạch Tràm. Sinh ra và lớn lên ở Cẩm Giàng, Hải Dương, nhưng Tước lại duyên nợ, gắn bó với đảo Phú Quốc, với Rạch Tràm từ năm 1995 cho đến nay. Hiện, Tước cũng là người nắm giữ “kỷ lục” của BĐBP Kiên Giang khi 3 lần được bổ nhiệm Phó Đồn trưởng chỉ cùng một đơn vị (Đồn Biên phòng Rạch Tràm, vào các năm 2000, 2009 và 2014). Tước chia sẻ, gia đình, nhà cửa Tước ở Rạch Tràm nên cũng muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất này...

Cái hay của người lính Biên phòng là vậy. “Muôn nẻo quan san” đều là nhà. Không biết sinh ra ở đâu, hoàn cảnh xuất thân như thế nào, nhưng mỗi khi đã đến công tác ở vùng đất nào đó, dẫu còn gian khó, nhiều thiếu thốn, người lính Biên phòng luôn coi đó như quê hương thứ 2 của mình, gắn bó cả cuộc đời...

Tước cũng vậy, 25 năm công tác, lấy vợ ở Rạch Tràm, nhưng bây giờ vẫn trong căn nhà cấp 4 trên mảnh đất rộng 80m2 của bố mẹ vợ cho. Chị Đinh Thị Kim Tiến - vợ Tước chia sẻ: “Vợ làm thợ may, chồng là bộ đội, dành dụm lắm vẫn thiếu trước, hụt sau. Vậy nên hai đứa con, cứ vào lớp 1 là phải gửi ra ngoài Bắc nhờ ông bà nội nuôi dưỡng, chăm sóc, cho đi học. Con gái đầu, sinh năm 1997, học xong lớp 12 ngoài quê, sau đó vào Kiên Giang học nghề y, nay đã tốt nghiệp, đang bán thuốc Tây. Con trai út đang học lớp 12, vẫn gửi ngoài ông bà nội ở Cẩm Giàng, Hải Dương”.

Xây “tổ ấm” chỉ với 1 triệu đồng

Đó là chuyện “thật như bịa” của Thiếu tá Hoàng Mai Cương, nhân viên Trạm Kiểm soát Biên phòng Bãi Thơm, Đồn Biên phòng Rạch Tràm. Nghe chuyện kể của Cương, tôi lại liên tưởng tới nhiều đồng đội của mình ở mọi miền biên giới bởi những nét tương đồng. Đó là các sĩ quan, chiến sĩ trẻ từ ngoài miền Bắc vào miền Nam công tác. Phần lớn họ đều tự thân lập nghiệp rồi lấy vợ, sinh con và những khó khăn không thể tránh khỏi của thuở ban đầu...

Cương quê ở Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An, công tác tại Đồn Biên phòng Rạch Tràm từ năm 1995 tới nay. Vợ Cương là cô giáo mầm non, người cùng quê, sau khi cưới cũng theo chồng ra Rạch Tràm từ năm 1999 đến nay.

Cương kể: Trước khi đưa vợ ra, anh đã kịp dành dụm vay mượn được... 1 triệu đồng để mua lại cái nhà tranh nền đất rộng cỡ 30m2. Lúc đó, cuộc sống ở đây vất vả lắm, không điện, không đường, không nước sạch. Thời gian đầu mới ra, vợ em khóc hoài, không chịu ở, đòi về quê. Phải nhờ anh em trong đơn vị ra làm công tác tư tưởng, vợ em mới xuôi dần.

Tuổi trẻ nhiều mơ mộng, cả hai cứ tưởng ở tạm một thời gian ngắn trong túp lều nhỏ đó, rồi dành dụm mua nhà khác. Nhưng cuộc sống khó khăn, rồi con cái nheo nhóc, chồng là bộ đội, vợ là giáo viên mầm non, đồng lương ít ỏi, chỉ đủ ngày 3 bữa cơm nên giấc mơ về một ngôi nhà hạnh phúc của vợ chồng Cương dần bị lãng quên.

Mãi đến năm 2010, được Bộ Tư lệnh BĐBP xét duyệt cho căn nhà “Nghĩa tình đồng đội”, gom góp thêm mấy chục triệu đồng, vợ chồng Cương mới xây được căn nhà cấp 4 trên miếng đất do UBND xã Bãi Thơm cấp... Tôi ngỏ ý muốn thăm lại túp lều hạnh phúc giá 1 triệu đồng mà vợ chồng Cương đã gắn bó hơn 10 năm. Nhưng Cương nói, khu dân cư đó sau này bị giải tỏa, chỗ căn nhà ngày xưa của vợ chồng Cương đã được dùng để xây cái lô cốt, nằm trong khuôn viên của Trạm Kiểm soát Biên phòng Bãi Thơm...

 Hơn 20 năm ở chung đơn vị và đều là “rể” Rạch Tràm nên trong công tác cũng như sinh hoạt đời thường, Lê Bá Tước (bên phải) và Hoàng Mai Cương luôn gắn bó, coi nhau như anh em. Ảnh: Đăng Bảy


Nếu chuyện xây tổ ấm của Cương với giá 1 triệu đồng được coi là chuyện “thật như bịa”, thì chuyện của Thiếu tá Nguyễn Văn Thành lại có vẻ khó tin hơn, khi vợ chồng anh xây tổ uyên ương chỉ với 700 nghìn đồng. Theo lời kể của Thành, căn nhà tranh nền đất đó nằm sát mé biển, diện tích chỉ 60-70m2. Năm 1999, chủ nhà chuyển đi làm ăn nơi khác, thương tình bán lại cho Thành với giá 700 nghìn đồng.

Trải qua 20 năm, gia đình anh vẫn sống trong căn nhà nhỏ đó, chỉ khác là căn nhà tranh ngày xưa nay đã được vợ chồng anh dành dụm thay bằng nhà gỗ. “Nhưng cái nghèo cứ theo đuổi vợ chồng em hoài, anh ạ” - Chị Phạm Thị Hồng Cúc, vợ Thành tâm sự: Tổ ấm mà vợ chồng em gắn bó 20 năm qua nay nằm trong khu quy hoạch, bị giải tỏa, nghe đâu được đền bù 200 triệu đồng...

Thành sinh năm 1970, nhập ngũ vào lực lượng BĐBP từ năm 1991, rồi ra công tác ở Phú Quốc cho đến nay. Hiện, anh là nhân viên quân khí Đồn Biên phòng Rạch Tràm, mang hàm Thiếu tá. Cũng như Tước, Cương và nhiều đồng đội khác, vợ chồng Thành phải tằn tiện, chắt bóp mới đắp đổi được qua ngày.

Chị Cúc chia sẻ: Có 2 đứa con, nhưng đến tuổi đi học mẫu giáo là vợ chồng em phải gửi cháu vào học trong đất liền (nhà ông bà ngoại ở Chợ Mới, An Giang). Lúc đó, ở đây trường lớp xập xệ lắm, với lại, lương bộ đội của anh Thành cũng không đủ nuôi sống gia đình. Sắp tới, nhà bị giải tỏa, với 200 triệu đồng, chúng em đang lo không biết sống như thế nào giữa cái đảo ngọc “gạo châu, củi quế” này. Có lẽ chờ đến lúc anh Thành nghỉ hưu, rồi cả nhà lại rồng rắn kéo nhau về quê thôi.

Nghe tâm sự của Tiến, của Cúc, tôi thấy nghèn nghẹn trong lòng. Ai nói bộ đội là sướng, là lương cao. Có bố mẹ nào mà lại dứt lòng gửi cả 2 đứa con còn thơ dại về quê cho bố mẹ già nuôi đâu! Đó là chuyện chẳng đặng đừng, là sự vất vả, hy sinh của người lính Biên phòng nơi đảo xa mà không phải ai cũng thấu hiểu...