Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hiệu trưởng đại học đau lòng khi đi xe ôm công nghệ gặp cựu sinh viên

Từ câu chuyện khi đi xe ôm công nghệ, gặp một cựu sinh viên của một trường đại học lớn, vị Hiệu trưởng này không khỏi trăn trở về việc đào tạo của các trường hiện nay.

Xã hội càng ngày càng hiện đại và phát triển, các trường đại học đơn ngành đang chật vật tuyển sinh khi thí sinh có ít sự lựa chọn vào trường. Tuyển sinh đã vậy, nhưng đào tạo làm sao để khi ra trường những cử nhân kia không phải "vật lộn" vì công việc lại càng là một bài toán lớn.

Chính vì thế, đang rất cần sự thay đổi để tự cứu lấy sức sống tuyển sinh, đào tạo ở nhiều trường đại học hiện nay.

Trường đại học đơn ngành chật vật tuyển sinh

Theo phân tích của GS.TS Trần Văn Chứ Hiệu trưởng trường đại học Lâm nghiệp, với cách tổ chức thi THPT Quốc gia và xét tuyển như hiện nay, các trường đại học đơn ngành, đặc biệt là các trường kỹ thuật gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt, lựa chọn thí sinh chất lượng cao vào các trường này.

Ông chỉ ra: “Chương trình đào tạo trong nước cũng như của thế giới đối với các trường đơn ngành và các trường kỹ thuật thì lại càng đòi hỏi thí sinh có chất lượng cao hơn.

Theo một trong những xu thế hiện nay, việc lựa chọn tuyển các thí sinh vào các trường này là vô cùng khó khăn. Đối với các trường đại học đơn ngành, đa số điểm đầu vào thấp chứ không cao, mặc dù chương trình đào tạo lại đòi hỏi chất lượng cao.

 Xu thế đại học đa ngành đang là xu thế tất yếu hiện nay. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, không phải ỷ lại vào chất lượng đầu vào để đánh giá chất lượng đầu ra, mà cần phụ thuộc vào cả quá trình đào tạo. Điều này rất vất vả cho các trường kỹ thuật và các trường đơn ngành. Chẳng hạn, đại học Lâm nghiệp, phải thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp với định hướng của xã hội, đặc biệt, phải áp dụng công nghệ 4.0 để nâng cao chất lượng đào tạo”.

Hiệu trưởng trường đại học Lâm nghiệp chia sẻ câu chuyện về một lần đi xe grab, lái xe là một cậu vừa tốt nghiệp đại học một trường lớn loại Khá: “Tôi hỏi tại sao cậu lại đi chạy xe grab? Cậu ấy trả lời: Em đã làm qua nhiều vị trí và lái grab là có công ăn việc làm ổn định nhất, có thu nhập ổn định nhất!”.

Từ câu chuyện đau lòng trên ông Chứ phân tích: “Tôi phải kể câu chuyện ấy, bởi vì xã hội chúng ta đang ở giai đoạn công nghiệp phát triển, sẽ xảy ra cục bộ ở một số bộ, ngành, nghề, ở một số thí sinh hoặc không lựa chọn nghề. Sinh viên ra trường hiện nay có đến 85% hưởng lương của hệ số 2,34, tức là được khoảng 2-3 triệu đồng, lại vào làm những nghề đặc thù tương đối vất vả. Chính vì vậy, cử nhân không thích".

Theo vị Hiệu trưởng này, xã hội càng ngày càng phải hiện đại và phát triển, chúng ta không thể để những nghề đơn thuần, “ăn xổi” như thế phát triển. Tôi khẳng định 5 năm nữa đất nước ta sẽ khác. Chúng ta sẽ dần ổn định theo xu thế các nước phát triển, ở các nước phát triển, các ngành đặc thù, như nông lâm nghiệp, ngành kỹ thuật phát triển theo hướng công nghiệp cũng sẽ phát triển.

"Tôi chỉ khuyên đối với gia đình và các em thí sinh nên định hướng theo định hướng nghề nghiệp mà hiện nay, Chính phủ và đất nước đang có chiến lược phát triển. Nếu chỉ chạy đua theo những cái trước mắt thì không bền vững và ổn định lâu dài. Bây giờ lương có thể làm 7-8 triệu/tháng nhưng cũng cần phải có vị thế trong xã hội.

Chính vì vậy, nhiệm vụ của các trường đại học là phải nghiên cứu tạo ra các ngành nghề trong thời gian tới cho thí sinh có thể trở thành những chủ nhân đích thực cho sự phát triển của đất nước”, ông khẳng định", GS.TS Trần Văn Chứ phân tích.

Chậm trễ cũng không thể nóng vội

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, PGS.TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng trường đại học Hùng Vương nhận định: “Theo tôi, đã là một trường đại học thì phải đào tạo đa ngành, chỉ có những trường đại học theo mô hình Liên Xô cũ mới đào tạo đơn ngành. Nhưng điều đó đã lỗi thời, cần có sự thay đổi. Nếu bây giờ các trường đại học mới nói chuyện thay đổi là hơi trễ”.

“Để chuyển từ đào tạo đơn ngành sang đào tạo đa ngành, trước hết, cần chuẩn bị lực lượng cán bộ giảng dạy, tuyển dụng thêm cán bộ đáp ứng được các chuyên ngành đào tạo mới. Bên cạnh đó, cũng phải có sự đầu tư về hạ tầng cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học cho các ngành, chẳng hạn từ thư viện cũng phải trang bị theo hướng đa ngành.

Tuy câu chuyện chuyển đổi mới được tính toán ở thời điểm này cũng đã chậm trễ, nhưng cũng không thể nóng vội. Đâu phải muốn mở một ngành mới để đào tạo là dễ, cần có sự chuẩn bị đầu tư, trang bị kỹ lưỡng. Vì vậy, cần thực hiện từ từ từng bước một, có thể mở thêm 1,2 ngành trước rồi thêm dần thêm dần, tiến tới đa ngành”, ông phân tích.

 PGS.TS Đỗ Văn Xê.


Lộ trình chuyển đổi

Bàn về vấn đề này, Hiệu trưởng trường đại học Lâm nghiệp cho biết: “Thực chất, tên đại học Lâm nghiệp không chỉ là đào tạo lĩnh vực lâm nghiệp, chúng tôi đang hướng đến đại học đa ngành, định hướng nghiên cứu, nhưng thực chất hiện nay vẫn đang là định hướng ứng dụng.

Đối với các trường đại học hiện nay, khó khăn nhất là phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng được với yêu cầu phát triển của quốc tế trong công nghiệp 4.0. Trong nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn, các nhà khoa học trên thế giới đánh giá việc đào tạo ra kỹ sư, cử nhân của chúng ta vẫn nhiều lý thuyết mà ít những ứng dụng vào thực tiễn.

Chính vì vậy, các trường đại học trong thời gian tới muốn thu hút được thí sinh muốn đáp ứng tốt sự phát triển của đất nước, phải thay đổi. Thay đổi đầu tiên là về chiến lược, về tầm nhìn. Thứ hai, định hướng trong chiến lược đào tạo phải có sự thay đổi”.

“Muốn làm được như vậy, muốn cho các trường tự chủ, không có nghĩa là đất nước bỏ mặc trong việc đầu tư cơ sở vật chất, con người; mà chúng ta phải tăng cường đầu tư về mặt con người, đặc biệt, con người thích ứng với sự phát triển trong thời gian tới.

Các trường phải thay đổi toàn bộ từ phát triển nguồn nhân lực, thứ hai là quy trình đào tạo và thay đổi cơ sở vật chất để đáp ứng với sự phát triển của thế giới”, GS.TS Trần Văn Chứ phân tích.

Chia sẻ về sự thay đổi phù hợp với xu thế của trường, ông cho biết: “Năm nay, nhà trường áp dụng phương pháp đào tạo theo cách chuẩn hóa lại chương trình đào tạo, tăng cường vào các giá trị cốt lõi. Thứ nhất, thay đổi chương trình đào tạo; thứ hai, thay đổi niềm đam mê của giảng viên và sinh viên; một vấn đề nữa cần phải làm là tăng cường về cơ sở vật chất, tăng cường đào tạo cho sinh viên, gắn với học kỳ doanh nghiệp, đưa sinh viên xuống doanh nghiệp cho các em tiếp cận và tăng niềm hứng thú.

 GS.TS Trần Văn Chứ.

Ứng phó với khó khăn trong vấn đề tuyển sinh, các trường kỹ thuật, các trường đơn ngành phải thay đổi phương thức đào tạo cho phù hợp với xu thế mới. Chúng tôi vẫn có thể đào tạo các thí sinh chất lượng cao, liên kết chương trình đào tạo quốc tế để tiệm cận với chuẩn đào tạo quốc tế và tăng cường tiếng Anh cho sinh viên, bởi, hiện nay chúng ta đào tạo sinh viên không chỉ cho cơ quan nhà nước mà còn cho cả doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, vì vậy phải hợp tác quốc tế trong đào tạo”.