Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lạ lùng những ngôi làng của phụ nữ không có tử cung

Vài tháng gần đây nổi lên hai câu chuyện đáng báo động liên quan đến chuyện kinh nguyệt của phụ nữ Ấn Độ, khiến nhiều người giật mình.

 Nhiều phụ nữ Ấn Độ phải làm việc vất vả trên những cánh đồng mía. (Ảnh: KCET)

Kinh nguyệt từ lâu đã là chuyện khó nói ở Ấn Độ. Phụ nữ đang “thấy tháng” bị cho là không sạch và bị cấm tham gia các sự kiện xã hội và tôn giáo. Trong những năm gần đây, lối suy nghĩ cổ lỗ này ngày càng bị lên án, đặc biệt là bởi những phụ nữ có học thức cao.

Nhưng 2 câu chuyện dưới đây cho thấy vấn đề của Ấn Độ đối với chuyện “đèn đỏ” vẫn không hề nhỏ. Phần đa phụ nữ, đặc biệt những người xuất thân từ gia đình nghèo và không có trình độ, bị ép phải lựa chọn giải pháp gây tác động lâu dài và không thể đảo ngược đối với cuộc sống của mình.

Chuyện đầu tiên xảy ra ở bang Maharashtra, miền tây Ấn Độ. Nơi đây, hàng ngàn phụ nữ trẻ đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ tử cung trong 3 năm qua, trong bối cảnh họ phải thích nghi với cuộc sống của lao động thu hoạch mía.

Hằng năm, hàng chục ngàn gia đình nghèo từ các huyện Beed, Osmanabad, Sangli và Solapur chuyển đến các huyện giàu có hơn ở phía tây của bang, vùng gọi là “vành đai mía”, để làm công nhân chặt mía trong 6 tháng.

Khi đến đó, họ sống hoàn toàn dựa vào lòng tốt của những chủ thuê lao động keo kiệt, những kẻ tận dụng mọi cách để bóc lột họ.

Những đối tượng này ban đầu không thích thuê phu nữ vì việc chặt mía nặng nhọc và phụ nữ thường phải nghỉ 1- 2 ngày trong lúc “đến tháng”. Nếu nghỉ ngày nào họ phải nộp phạt ngày đó.

Điều kiện sống ở nơi làm việc vô cùng thiếu thốn. Các gia đình phải sống trong lều gần cánh đồng, không có nhà vệ sinh. Và vì nhiều lúc phải chặt mía cả vào ban đêm, họ không có giờ nghỉ ngơi cố định để ngủ hay đi lại. Phụ nữ đang đến kỳ càng khó khăn hơn.

Vì điều kiện vệ sinh nghèo nàn, nhiều phụ nữ bị nhiễm trùng, và các nhà hoạt động ở khu vực này cho biết những tên bác sĩ vô lương tâm lại khuyến khích họ phẫu thuật không cần thiết để chữa bệnh phụ khoa, trong khi họ có thể dùng thuốc chữa.

Hầu hết phụ nữ đến vùng này làm đều là những bà mẹ còn rất trẻ, đã có 2- 3 con khi mới hơn 20 tuổi, và các bác sĩ không nói với họ về những vấn đề họ sẽ gặp phải nếu cắt tử cung, khiến nhiều phụ nữ tin rằng bỏ tử cung là việc chấp nhận được.

Tình trạng này đã biến nhiều ngôi làng ở vùng trở thành “làng của những phụ nữ không có tử cung”.

Sau khi vấn đề này được một nghị sĩ nêu ra vào tháng trước, Giám đốc sở y tế Maharashtra Eknath Shinde thừa nhận đã có 4.605 trường hợp phẫu thuật bỏ tử cung chỉ riêng ở huyện Beed trong 3 năm qua. Nhưng ông nói rằng không phải tất cả số đó đều rơi vào phụ nữ làm nghề chặt mía, và một ủy ban đã được lập ra để điều tra các vụ việc.

Phóng viên BBC vừa đến làng Vanjarwadi ở huyện Beed cho biết từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 3 hằng năm, 80% dân làng này đi làm công nhân chặt mía, và một nửa số phụ nữ trong làng đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Hầu hết họ đều chưa đến 40 tuổi, và nhiều người vẫn ở độ tuổi 20.

Nhiều phụ nữ bị suy giảm sức khỏe sau khi phẫu thuật. Một phụ nữ cho biết cô thường xuyên bị đau lưng, cổ và đầu gối, và khi ngủ dậy hay bị sưng tay, mặt và chân. Một phụ nữ khác cho biết cô thường xuyên bị chóng mặt, không thể đi bộ dù chỉ một đoạn ngắn. Kết quả là họ đều không làm việc trên cánh đồng được nữa.

Uống thuốc không nhãn mác

 Ngành dệt may Ấn Độ trị giá hàng tỷ đô la. (Ảnh: BBC)

Chuyện thứ hai xảy ra ở bang Tamil Nadu, phía nam Ấn Độ, nơi nhiều phụ nữ đang làm việc cho ngành may mặc trị giá nhiều tỷ đô la cho biết họ được cho uống một loại thuốc không có nhãn mác khi họ kêu đau bụng vì “đèn đỏ”.

Theo điều tra của hãng Thomson Reuters dựa trên các cuộc phỏng vấn với khoảng 100 phụ nữ, loại thuốc này hiếm khi được các bác sĩ kê. Nhưng những phụ nữ hay bị đau bụng kinh không được nghỉ việc trong những ngày đó và không muốn bị phạt tiền.

Tất cả 100 phụ nữ được phỏng vấn cho biết họ đã nhận được thuốc, và hơn một nửa số phụ nữ này cho biết sức khỏe của họ bị ảnh hưởng. Hầu hết họ đều không được cho biết tên thuốc hay cảnh báo về tác dụng phụ của thuốc.

Nhiều phụ nữ cho rằng loại thuốc đó đã khiến họ bị trầm cảm và lo lắng, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, u xơ và sẩy thai.

Những thông tin trên đã buộc chính quyền phải hành động. Ủy ban quốc gia vì phụ nữ mô tả tình trạng phụ nữ ở Maharashtra là “thảm hại và khốn khổ” và kêu gọi chính quyền bang ngăn chặn sự “tàn ác” đó trong tương lai. Ở Tamil Nadu, chính quyền bang nói rằng họ sẽ giám sát sức khỏe của các lao động may mặc.

Tình trạng này xảy ra vào thời điểm đang có nhiều nỗ lực trên khắp thế giới nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động bằng các chính sách ưu tiên giới.

Ở Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác, phụ nữ được nghỉ làm 1 ngày trong kỳ kinh nguyệt. Nhiều công ty tư nhân cũng có chính sách tương tự.

Ở Ấn Độ, sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động giảm từ 36% trong giai đoạn 2005-06 xuống 25,8% trong giai đoạn 2015-16.