Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phút trước là đám cưới, phút sau là đám ma của 63 người

Kẻ đánh bom liều chết thuộc tổ chức IS đã tấn công đám cưới có 1.000 khách mời ở Kabul, Afghanistan, khiến 63 người chết và hàng trăm người bị thương.

Một phút trước, đó còn là đám cưới với gần 1.000 khách mời chen chúc trong hội trường lớn, với vách mỏng ngăn khu nam - nữ. Những người đàn ông nhún nhảy theo giai điệu của ban nhạc. Khách mời nữ xoay quanh D.J. Trên thiệp mời là dòng chữ: Chúng ta ăn mừng lễ cưới "với một thế giới đầy hy vọng và khát khao".

Phút tiếp theo, kẻ đánh bom liều chết tiến vào khu vực dành cho nam giới trong hội trường ở Kabul, biến nơi này thành biển máu. Hàng chục người chết trên sàn nhảy và xung quanh bàn ăn. Ban nhạc gục chết trên sân khấu. Những phụ nữ ở lại khóc lóc thảm thiết và tìm kiếm người thân, theo New York Times.

 Hội trường đám cưới thiệt hại nặng sau vụ đánh bom. Ảnh: New York Times.

Ngay cả tại Afghanistan, đất nước chứng kiến hàng chục người thiệt mạng mỗi ngày vì xung đột, cuộc tấn công rúng động tối 17/8 vẫn là cú sốc. Không chỉ vì kẻ đánh bom tước đi mạng sống của 63 người, làm bị thương gần 200 người và để lại thương tật suốt đời cho hàng trăm người khác.

Vụ việc diễn ra đúng vào thời điểm các nhà đàm phán Mỹ đang hoàn tất thỏa thuận với phiến quân Taliban để rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan sau 18 năm.

Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hôm 18/8 nhận trách nhiệm về cuộc tấn công và xác định kẻ đánh bom đến từ quốc gia láng giềng Pakistan.

"Tôi thà chết còn hơn"

Thương vong do bạo lực ở Afghanistan là hiện thực phổ biến đến mức người dân phải hạn chế tổ chức các sự kiện kỷ niệm như hòa nhạc hay thậm chí là bữa tối tại nhà hàng, để tránh rủi ro không đáng có.

Tuy nhiên, đám cưới vẫn được coi là ngoại lệ. Đây là dịp mọi người có thể khiêu vũ và cười đùa một cách thoải mái nhất.

Vào ngày thứ bảy hôm đó, cô dâu, chú rể, những người sống sót và người thân của họ lại trải nghiệm điều ngược lại.

"Tôi thà chết còn hơn. Tôi không thể đến nổi các đám tang, chân tôi muốn khụy xuống. Ngay cả khi họ xé tôi ra thành từng mảnh và đưa mỗi mảnh đó đến một ngôi nhà có người thân là nạn nhân để an ủi họ, trái tim họ vẫn không nguôi ngoai", Mirwais Alami, chú rể trong đám cưới bị đánh bom, nói với kênh truyền hình địa phương.

 Họ hàng của cô dâu khóc vì mất đi người thân trong vụ tấn công. Ảnh: New York Times.

Dù Taliban đứng sau phần lớn các cuộc tấn công bạo lực, IS - không phải đồng minh của Taliban - cũng thiết lập được vị thế nhất định ở Afghanistan và nhận trách nhiệm về nhiều vụ đánh bom.

Không giống như Taliban, những kẻ cực đoan theo dòng Hồi giáo Sunni của IS thường tấn công các mục tiêu như nhà thờ Hồi giáo Shiite, phòng tập thể dục và trường học để chia rẽ giáo phái.

Các nhà đàm phán Mỹ cùng Taliban đang hướng tới mục tiêu phiến quân này sẽ không hỗ trợ các nhóm khủng bố quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, việc Mỹ đồng ý rút 14.000 quân mà không có giai đoạn chuyển tiếp để kiểm chứng cam kết vì hòa bình của Taliban đang gây lo ngại cho các quan chức Afghanistan.

"Cuộc chiến này đã biến Afghanistan thành một lò mổ không có lấy một nơi an toàn. Ở đây chúng tôi không được sống nhưng mỗi ngày đều cố gắng để sống sót", ông Shah Shaharzad Akbar, Chủ tịch ủy ban nhân quyền Afghanistan, viết trên Twitter. "Bằng cách nào và khi nào chúng ta mới vượt qua được văn hóa bạo lực và giết chóc này, tâm lý khủng bố này, và sự thản nhiên đến đáng sợ trước các cuộc tàn sát bừa bãi này?", ông đặt câu hỏi.

Kế hoạch cho đám cưới

Chú rể Alami, 25 tuổi, là một thợ may. Cô dâu Raihana mới 18 tuổi và vừa tốt nghiệp trung học.

Gia đình hai bên thuộc tầng lớp lao động vốn không dư dả. Từ lễ đính hôn khoảng 7 tháng trước, anh đã chi khoảng 14.000 USD cho đám cưới từ tiền tiết kiệm và từ các khoản vay.

"Tôi đã mang đến nỗi đau, không gì khác, không có hạnh phúc", anh Alami nói.

Đám cưới thậm chí còn diễn ra sớm hơn dự kiến. Khi cặp đôi đính hôn, bố mẹ cô dâu đã đồng ý với điều kiện kết hôn sau hai năm.

Tuy nhiên, khoảng ba tháng trước, chú rể đã hỏi bố mẹ cô dâu xin cưới sớm, bởi đây là thời điểm bất ổn ở Afghanistan. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra sau khi Mỹ rút quân, và liệu thỏa thuận giữa Taliban với Mỹ có mang lại hòa bình hay không vẫn là điều chưa chắc chắn.

 Chiếc giường cưới của cô dâu chú rể trong vụ đánh bom. Ảnh: New York Times.

Nhiều người Afghanistan tỏ ra nghi ngờ. Họ cho rằng thỏa thuận Mỹ rút quân là nhằm phục vụ cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump và không căn cứ theo tình hình thực tế tại Afghanistan. Điều này có thể dẫn tới nội chiến hoặc sự trở lại của Taliban, khiến người Afghanistan mất đi tự do.

Những ngày này, nỗi sợ hãi đó len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống.

Makai Hazrati, mẹ cô dâu, cho biết bà đã yêu cầu đôi trẻ tổ chức đám cưới sau lễ kỷ niệm 100 năm quốc khánh Afghanistan, tức hôm 19/8. Bà hy vọng các mối nguy sẽ lắng xuống sau thời điểm này. Tuy nhiên, cặp đôi cho rằng ngay sau dịp đó lại là mối đe dọa lớn hơn: lễ tưởng niệm Ashura của người Hồi giáo dòng Shiite, vốn đã nhiều lần trở thành mục tiêu bị IS nhắm tới.

"Tôi muốn tổ chức cuộc gặp mặt nho nhỏ giữa hai gia đình, nhưng Raihana muốn tổ chức tiệc cưới lớn hơn trong hội trường", bà Hazrati nói.

Hội trường tiệc cưới Dubai City ở phía tây Kabul đã được đặt chỗ cho khoảng 1.000 khách. Nhân viên nhà bếp chuẩn bị sẵn những nồi cơm thập cẩm khổng lồ, đùi gà, dưa chuột xắt nhỏ và dưa hấu cắt lát.

Khi Raihana và vài người bạn gái đến thẩm mỹ viện vài giờ trước buổi lễ, bà Hazrati dừng lại để thuê một chiếc áo vest đặc biệt mà gia đình cô dâu thường tặng cho chú rể. Anh Alami khăng khăng cho rằng họ không nên mua, chỉ nên thuê trong một ngày.

 Người đàn ông Afghanistan khóc bên mâm tiệc còn dang dở. Ảnh: Reuters."Tôi chôn xác chết suốt đêm"

Kẻ đánh bom tự sát, được cho là Abu Asim al-Pakistani, bước vào khu vực dành cho nam giới lúc khoảng 22h30. Cặp đôi đã thực hiện xong nghi lễ. Ở khu vực dành cho nữ, bữa tối đã được phục vụ, thức ăn vẫn còn trên bàn.

Khi đó, khách mời nam đang nhảy múa theo điệu nhạc để chờ bữa tối. Chú rể ở phòng riêng trên lầu, đang đăng ký kết hôn.

"Bốn người nhảy múa ở giữa hội trường, trong khi những người khác cổ vũ họ. Sau đó, tôi thấy ngọn lửa to, và tiếp đến là tiếng nổ lớn", Ezatullah Ramin, 23 tuổi, một người họ hàng dự đám cưới, nói.

Bị vụ nổ đánh bật, anh Ramin tỉnh dậy khi xung quanh toàn là người chết, bị bỏng nặng và nhiều thi thể bị phân mảnh.

"Tai tôi khi đó ù đi vì tiếng nhạc lẫn với tiếng nổ", anh miêu tả.

 Tang lễ tập thể của những người đã mất. Ảnh: Reuters.

Sáng hôm sau, cảnh sát đến phong tỏa hội trường, trong khi công nhân cố gắng dọn dẹp vết máu và đống đổ nát.

Sàn nhà khu vực nam giới được rửa sạch như chưa từng bị máu của hàng chục người nhuộm đỏ. Tấm lót trần nhà treo lủng lẳng. Tranh tường treo quanh hội trường thủng lỗ chỗ do bị nhiều vòng bi giấu trong áo vest của kẻ đánh bom bắn vào.

"Tôi đã chôn những xác chết suốt đêm, đến hết cả buổi sáng", anh Mohammed Hamid, người họ hàng của chú rể, nói.

Anh đến hội trường để lái chiếc xe tải chở đầy thức ăn, bánh kẹo và hàng trăm lon soda. Một số đồ ăn được đưa tới nhà hàng xóm chú rể, nơi đang diễn ra hai đám tang: một cho người chồng thiệt mạng trong đám cưới, một cho cô vợ trẻ qua đời vì đau tim khi nhìn thấy xác chồng mình.

Người chồng có tên Najib là bạn thân của anh trai chú rể, anh Basir. "Tôi cảm thấy có lỗi vì đã mời anh ấy đến bữa tiệc. Tôi cứ nghĩ rằng chúng tôi sẽ có một dịp vui", anh Basir nói.

 Hoa được rải trên mộ nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom. Ảnh: New York Times.

Gần hai mươi thi thể được đưa tới khu nhà gia đình cô dâu. Những người đàn ông rên rỉ cầu nguyện lần cuối trong khu vườn nhỏ của nhà thờ Hồi giáo. Vài người bị ngất, vài người khác ngã gục, dìu nhau và an ủi lẫn nhau.

Bên cạnh nhà thờ, những người phụ nữ khóc lớn khi đưa tiễn người thân. Sau đó, từng thi thể được đưa đến một nghĩa trang nhỏ, chôn xuống những lỗ huyệt rất gần nhau, có thể coi là mộ tập thể.

Vào buổi trưa, nhiều người, bao gồm cả cha cô dâu, vẫn đang tìm kiếm người thân. Một em trai của cô dâu vẫn đang mất tích.

"Họ nói có một thi thể tại bệnh viện Aliabad chưa xác định được danh tính", một người đàn ông bước vào khu vườn nhà thờ Hồi giáo và thông báo.

Gạt vội hàng nước mắt bằng tay áo, cha cô dâu đi theo người đàn ông bước xuống con hẻm bụi bặm, hy vọng tìm được con mình.