Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ba mẹ con vướng vòng lao lý vì cái đồng hồ nước: Không có hoạt động công vụ?

Theo LS: "Khách thể của tội "Chống người thi hành công vụ” không thỏa mãn, nên hành vi của các bị cáo trong vụ án cũng không cấu thành tội".

Trong các ngày 15, 16 và 19/8, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 bị cáo: Nguyễn Thị Minh Nguyệt (sinh năm 1957), Nguyễn Bá Cường (sinh năm 1981), Nguyễn Thị Minh Thịnh (sinh năm 1983) về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 257, khoản 1 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

 HĐXX Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung khi gia đình bị cáo Nguyệt cung cấp thêm hình ảnh từ camera giám sát có nội dung ghi nhận lại cảnh xô xát giữa các bên.

Vào chiều ngày 19/8, trong phần tranh luận VSKND quận Hai Bà Trưng đã đưa ra quan điểm luận tội giống với nội dung bản cáo trạng, giữ nguyên quan điểm truy tố đối với 3 mẹ con bà Nguyệt.

Theo đại diện Viện kiểm sát, các bị cáo có hành vi cản trở lực lượng chức năng, ngăn không cho di chuyển đồng hồ nước về đúng vị trí thiết kế.

Trên cơ sở lời khai các bên có liên quan, chứng cứ có trong hồ sơ đủ căn cứ kết luận 3 mẹ con bà Nguyệt có hành vi chống người thi hành công vụ.

Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị phạt 15-18 tháng tù giam đối với bị cáo Nguyệt; 15-12 tháng tù treo đối với bị cáo Thịnh và 12-15 tháng cải tạo không giam giữ để răn đe, giáo dục chung.

Ống dẫn nước sau đồng hồ là tài sản của gia đình

Trình bày trước Hội đồng xét xử, bị cáo Nguyệt cho biết gia đình hoàn toàn đồng ý với chủ trương khi triển Dự án cải tạo mạng lưới cấp nước.

Tuy nhiên, theo bản thiết kế thì vị trí đồng hồ nước sẽ nằm trên khu vực bể phốt, đường ống nước thải. Chính vì vậy, bà Nguyệt có mong muốn đơn vị thi công lắp đồng hồ ra giữa sân để đảm bảo vệ sinh và được công nhân đồng ý.

 Phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm.

Khi quá trình lắp đặt hoàn thiện, 2 bên đã lập biên bản có nội dung, lắp đặt đồng hồ đúng quy định có kẹp chì. Phần sau đồng hồ là do chủ nhà tự lắp đặt, có sự chứng kiến, theo dõi của tổ trưởng tổ dân phố.

Theo bà Nguyệt, gia đình bà đã bỏ ra số tiền 4 triệu đồng lắp đường ống dẫn nước từ sau đồng hồ nước vào nhà và sử dụng nước sạch liên tục, ổn định trong 4-5 tháng.

Đến tháng 8/2017, ông Xuân, ông Thuấn cùng đơn vị thi công có đi tới nhà bà Nguyệt thông báo sẽ dịch chuyển đồng hồ nước về đúng vị trí nhưng không có đại diện tổ dân phố, đơn vị cung cấp nước. Khi bà Nguyệt yêu cầu mọi người xuất trình giấy tờ, văn bản chỉ đạo có liên quan thì không ai đưa ra được.

Đồng tình với ý kiến của bị cáo Nguyệt, chị Thịnh và anh Cường cho rằng, khi thấy mẹ và mọi người to tiếng với nhau, 2 người đã đi ra ngăn không cho công nhân đục phá đường ống nước và không thấy lực lượng chức năng có giấy tờ gì chứng minh đang thi hành công vụ.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Xuân trình bày, bản thân được lãnh đạo Công an phường Phạm Đình Hổ giao nhiệm vụ nắm bắt tình hình, giữ gìn an ninh trật tự để đưa đồng hồ nước về đúng vị trí thiết kế.

Khi gia đình hỏi về giấy tờ “thi hành công vụ”, ông Xuân đã giải thích nhưng không được bà Nguyệt cùng các con chấp thuận. Rồi sau đó, diễn biến vụ việc xảy ra giống như bản cáo trạng đã nêu.

Luật sư Yến đưa ra bức ảnh cho thấy bị cáo Thịnh bị thương tích nhiều vị trí trên cơ thể khi xô xát với lực lượng công an.

Không có hoạt động công vụ?

Trình bày luận cứ bào chữa cho các bị cáo, luật sư Nguyễn Thị Yến (Văn phòng luật sư Hoàng Hướng - Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, khi lực lượng công an cùng đơn vị thi công tiến hành di dời đồng hồ nước về đúng vị trí đã xâm phạm vào tài sản của gia đình vì không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Trong quá trình đôi bên xảy ra xô xát, bà Nguyệt có hành động dùng tay túm cổ áo, cạp quần của ông Xuân nhằm mục đích cứu người con trai đang bị ông Xuân đè lên. Đây là phản ứng bình thường của một người mẹ muốn giải cứu con.

 Chỉ vì bảo vệ đồng hồ nước ba mẹ con vướng lao tù.

Bên cạnh đó, hành vi tự ý thay đổi vị trí đồng hồ nước là hành vi vi phạm hành chính của đơn vị thi công. Gia đình bà Nguyệt chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc này.

Khi gia đình bà Nguyệt không đồng ý để đội thi công khắc phục hậu quả thì UBND phường Phạm Đình Hổ phải ban hành Quyết định cưỡng chế.

 Luật sư Nguyễn Thị Yến (Văn phòng luật sư Hoàng Hướng - Đoàn luật sư TP.Hà Nội) chỉ rõ vết thương của các bị cáo.

“Chỉ khi có những quyết định này mới buộc gia đình phải thực hiện vì bà Nguyệt đang là chủ sở hữu tài sản là phần đường ống nước phía sau đồng hồ trị giá 4 triệu đồng và đang bị ràng buộc trách nhiệm phải bảo vệ nguyên trạng hệ thống cấp nước, các thiết bị quy định trong hợp đồng dịch vụ đã ký” - bà Yến nói.

Trên cơ sở đó, luật sư Yến nhận định, nếu gia đình bà Nguyệt chống lại việc cưỡng chế đúng pháp luật thì sẽ phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.

 Luật sư Hoàng Văn Hướng - Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng.

Cũng trong phiên tòa luật sư Hoàng Văn Hướng - Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Trong vụ án này không hề có hoạt động công vụ đúng đắn do đơn vị thi công kết hợp với lực lượng công an địa phương tổ chức tự ý di dời đồng hồ nước, phá dỡ đường ống nước sau đồng hồ là tài sản riêng của gia đình bà Nguyệt ngày 19/8/2017, mà không có quyết định của người có thẩm quyền là trái pháp luật, vi phạm nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, trình tự thủ tục về xử phạt vi phạm hành chính, buộc khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả.

Vì khách thể của tội “Chống người thi hành công vụ” không thỏa mãn, cho nên cho dù các bị cáo có những hành vi khách quan như thế nào thì cũng không cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ”.

Hành vi của bà Nguyệt không thỏa mãn tính chất cản trở, chống đối nói trên. Việc bà Nguyệt có các hành vi dùng hai tay túm cổ áo và cạp quần của ông Xuân lôi ra là vì ông Xuân đang dùng cùi tay đè chẹn cổ anh Cường con trai bà Nguyệt làm anh Cường tím tái toàn thân, chân tay duỗi thẳng như sắp không thở được, hành vi này được camera của gia đình bà Nguyệt ghi lại rất rõ ràng nhưng trong cáo trạng lại mô tả là “Nguyệt xông vào túm áo cảnh sát của đồng chí Xuân giật khiến quân hàm bị rơi.

Thịnh xông vào ôm đồngThuấn kéo ra không cho giữ Cường khiến mũ cảnh sát trên đầu đồng chí Thuấn bị rơi” Hành vi của bà chỉ là phản ứng bình thường của một người mẹ muốn giải cứu con.

Còn hành vi của Nguyễn Bá Cường và Nguyễn Thị Minh Thịnh là bảo vệ tài sản của gia đình khi bị xâm phạm không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Trong cáo trạng mô tả hành vi của Cường và Thịnh hoàn toàn sai với thực tế vì diễn biến hành vi đã được ghi hình có âm thanh.

Để đánh giá hành vi khách quan của ba bị cáo cần phải căn cứ vào chứng cứ khách quan là dữ liệu điện tử đã được thu thập trong hồ sơ vụ án.

Riêng đối với Nguyễn Thị Minh Thịnh đã có đơn tố cáo về việc bị Công an phường Phạm Đình Hổ tạm giữ 33 tiếng trái pháp luật, bị Công an phường bị đánh đập, bắt viết đơn tự nguyện ở lại công an phường là hoàn toàn có cơ sở, bởi vì Thịnh bị Công an phường kéo lê trên mặt đường và đánh đập tại Công an phường gây vết thương xây sát lớn vùng thắt lưng (KT 20x5 cm), vết rách dài và sâu ở ngón chân cái và rất nhiều vết thương khác trên cơ thể, chị Thịnh còn có hai con nhỏ ở nhà, nên không có lý gì lại tự nguyện ở lại Công an phường trong 33 giờ.

Tại phiên tòa, ông Trưởng công an phường Phạm Đình Hổ không lý giải được vấn đề khi Công an phường tiến hành xem xét dấu vết trên thân thể chị Nguyễn Thị Minh Thịnh chỉ có 05 vết thương.

Tòa sẽ tiếp tuyên án vào chiều ngày 21/8.