Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nuốt phải khay sim, bé gái 2 tuổi nhập viện trong tình trạng nôn mửa

Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương vừa tiếp nhận và xử lý thành công trường hợp bé 2 tuổi nuốt phải khay sim điện thoại.

Trước đó, gia đình thấy bé cầm chơi chiếc khay sim điện thoại. Một lúc sau thấy bé khóc nhiều, nôn, không ăn uống được, nghi ngờ bị hóc dị vật, gia đình liền đưa bé tới Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh và sau đó được chuyển lên Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương.

Các bác sĩ cho biết, khi vào viện, bệnh nhi quấy khóc nhiều, miệng, họng nhiều đờm dãi... Phim chụp X-quang cổ thẳng của tuyến dưới có hình ảnh dị vật cản quang vùng hạ họng ngang mức đốt sống cổ 3 (C3) kích thước khoảng hơn 1 cm. Bệnh nhi được chẩn đoán bị dị vật hạ họng ngày thứ nhất và có chỉ định soi gắp dị vật.

Tình trạng bệnh nhi sau thủ thuật tỉnh táo, không sốt, toàn trạng ổn định, niêm mạc hạ họng nề nhẹ, không chảy máu, có thể uống sữa được.

 Khay sim được đưa ra khỏi họng bệnh nhi 2 tuổi ở Hà Nội.

Theo các bác sĩ, lứa tuổi thường mắc dị vật đường thở là nhóm trẻ nhỏ từ 1 - 3 tuổi. Các loại dị vật thường gặp là hạt dưa hấu, đậu phộng, mảnh xương (heo, cá), thạch hoặc một số đồ vật như nắp bút, kim băng, hạt đồ chơi... Ở độ tuổi này trẻ thường tò mò, thích cho vào miệng những vật cầm chơi; hoặc do trẻ vừa được cho ăn vừa đùa nghịch.

Dị vật rơi vào đường thở là tai nạn dễ gặp ở trẻ nhỏ, rất nguy hiểm nếu không được xử trí đúng, nhanh. Nguyên nhân chủ yếu là trẻ còn nhỏ, cơ thể chưa hoàn thiện để có những phản xạ đóng nắp thanh quản khi nuốt, dẫn tới thức ăn lạc xuống và chặn đường thở. Đặc biệt, thường xảy ra khi ăn, khi chơi.

Chuyên gia khuyến cáo cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần thường xuyên theo dõi trẻ để đảm bảo chúng không cho vật nhỏ vào miệng. Không cho trẻ chơi đồ chơi sắc nhọn và quá nhỏ. Cho trẻ ăn trái cây không hạt, xay kỹ thức ăn. Khi bé ăn dặm, ăn cháo: Không nên ép bé ăn nhiều, không cho bé ăn khi đang chơi đùa, nói chuyện, chạy nhảy… Khi cho bé bú: Bế bé đúng tư thế, đầu cao hơn thân. Trong suốt quá trình cho ăn, cha mẹ cần quan sát con thật kỹ, động tác mút sữa và nuốt xuống nhịp nhàng. Khuyến khích con nuốt xong thức ăn lại bú tiếp, hạn chế bé bú liên tiếp rất dễ bị sặc. Ngoài ra, người lớn cần bình tĩnh trong tình huống này, nhiều cha mẹ khi phát hiện ra trẻ tự ý cho hạt hay đồ chơi vào miệng sẽ la hét lên hốt hoảng, cố gắng móc họng bé, điều này làm con sợ hãi và khiến dị vật chui vào càng sâu hơn.