Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Rước họa vì sang Trung Quốc làm "chui"

Không chỉ bị cưỡng bức lao động, người sang Trung Quốc làm việc "chui" còn đối mặt với nạn bắt cóc tống tiền, tính mạng bị đe dọa

Tỉnh Nghệ An có hàng ngàn người dân sang Trung Quốc làm việc trái phép. Gần đây, Công an tỉnh Nghệ An tiếp nhận đơn trình báo của nhiều gia đình về việc người thân sau khi sang Trung Quốc bị cưỡng bức lao động, bắt cóc, tống tiền. Tình hình phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Biền biệt ngóng tin vợ

Từ đơn thư cầu cứu của người dân, những ngày giữa tháng 8-2019, phóng viên Báo Người Lao Động đến xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An để tìm hiểu rõ sự việc. Anh Nguyễn Công Lợi (SN1994; trú xóm 5, xã Nam Lộc) cho biết hơn 3 tháng nay, vợ anh là chị Nguyễn Thị Hoài (SN 1998) bị bắt cóc khi đang làm việc tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

"Vừa lập gia đình, không có việc làm nên đầu tháng 4-2019, hai vợ chồng tôi sang làm thuê tại một xưởng gia công ở tỉnh Quảng Đông. Đêm 2-5-2019, trong lúc đang ở phòng trọ thì vợ tôi bị một nhóm người lạ gọi ra ngoài rồi ép đưa lên xe chở đi biệt tích" - anh Lợi tường trình sự việc.

 Anh Nguyễn Công Lợi (ngồi giữa) cùng gia đình trình bày sự việc chị Nguyễn Thị Hoài bị bắt cóc tại Trung Quốc Ảnh: Hải Vũ

Cũng theo anh Lợi, sau khi phát hiện chị Hoài bị bắt cóc, anh tìm hiểu thì phát hiện nhóm người bắt vợ anh do tên Lê Mạnh Chính (tên thường gọi là Hùng "xoăn"; quê tỉnh Hải Dương) cầm đầu. Chính sang làm ăn ở Trung Quốc từ lâu. Thông qua một số người quen, anh Lợi tiếp xúc được với một người tên Sơn và được Sơn nói biết nơi giam giữ chị Hoài. Muốn cứu vợ ra, anh Lợi phải đưa 50.000 nhân dân tệ (NDT), tương đương gần 155 triệu đồng. "Lo lắng cho tính mạng của vợ, tôi đưa trước cho Sơn 1.500 NDT (khoảng 4,5 triệu đồng) để lo tiền đi lại. Sau đó tôi gọi điện về cho người thân vay mượn, gửi sang 148 triệu đồng. Số tiền này tôi sẽ chuyển cho nhóm bắt cóc khi gặp và đưa được vợ về. Do tôi không chuyển tiền trước, Sơn đã đổi ý và bảo nhóm bắt cóc không đồng ý thả người. Từ đó tôi và gia đình không có bất kỳ tin tức gì về vợ" - anh Lợi lo lắng.

Sau khi không chuộc được vợ, anh Lợi đã trình báo với công an Trung Quốc và do sợ liên lụy nên chủ xưởng đã đuổi anh. Về Việt Nam, anh Lợi và gia đình đã làm đơn trình báo cơ quan công an.

Bà Nguyễn Thị Lành, mẹ của anh Lợi, khẩn cầu: "Tôi đã 72 tuổi, bị bệnh tim không biết sống chết ngày nào, chỉ thương vợ chồng chúng nó vất vả quá. Khi nghe con dâu bị bắt cóc, không đêm nào tôi ngủ yên, đổ bệnh nằm liệt giường. Giờ chỉ mong sao cơ quan công an vào cuộc tìm và giải cứu đưa cháu về nhà".

Cạm bẫy chực chờ

Rất nhiều người ở Nghệ An rơi vào tình cảnh bị bắt cóc, đe dọa tính mạng khi sang Trung Quốc làm việc trái phép như trường hợp vợ anh Lợi.

Ngày 13-7, Công an huyện Quỳnh Lưu nhận được đơn trình báo của bà Tr.Th.H (SN 1966; trú xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu), về việc con trai của bà là anh Ng.H.Q (SN 1988) bị bắt cóc ở Trung Quốc.

Theo trình bày của bà H., vài ngày sau khi anh Q. sang tỉnh Quảng Đông, bà nhận được cuộc gọi báo tin anh Q. bị bắt cóc, yêu cầu gia đình nộp tiền chuộc 200 triệu đồng. Những người trên còn gửi hình ảnh anh Q. bị trói, bên cạnh là một số người lạ mặt, hung dữ canh giữ.

Theo Công an huyện Quỳnh Lưu, vì lo sợ tính mạng con bị đe dọa, bà H. cố vay mượn tiền để chuyển sang cho bọn bắt cóc. May mắn là sau khi công an huyện này tiếp nhận đơn trình báo, ngày 17-7, anh Q. đã trốn thoát được khỏi nơi giam giữ và tìm đường trở về Việt Nam.

Trước đó, ngày 30-5, Công an huyện Quỳnh Lưu cũng tiếp nhận đơn cầu cứu của ông H.H.T (SN 1966; trú xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu). Theo phản ánh của ông T., chỉ vài ngày sau khi sang tỉnh Quảng Đông, ngày 25-5, con trai của ông là anh H.H.Th (SN 1994) bị một nhóm gồm 5 đối tượng bắt cóc và yêu cầu gia đình gửi tiền chuộc 250 triệu đồng. Lo sợ cho tính mạng của con trai, ông T. đã chuyển 250 triệu đồng vào tài khoản mà các đối tượng yêu cầu. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng đã thả tự do cho anh Th.

Tương tự, anh N.H.T ( trú xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu) trong lúc làm việc trái phép tại Trung Quốc đã bị nhóm đối tượng bắt cóc, yêu cầu gia đình gửi 300 triệu đồng để chuộc người. Anh T. cho biết vì ở quê không có việc, nghe nói sang Trung Quốc dễ tìm việc làm, lương lại cao nên anh cùng nhiều thanh niên địa phương tìm sang. "Ở những nơi này, không chỉ bị cưỡng bức lao động mà còn có nguy cơ bị bọn tội phạm buôn bán người đe dọa, bắt cóc luôn rình rập. Tôi mong mọi người đừng nhẹ dạ cả tin như mình" - anh T. bày tỏ.

Không nên đi làm việc bất hợp pháp

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết sau khi tiếp nhận đơn thư trình báo của các gia đình, Công an tỉnh đã có công văn báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an để chỉ đạo hướng dẫn công tác đấu tranh, phòng ngừa. Đồng thời Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng để nhân dân nâng cao ý thức phòng ngừa, phối hợp điều tra xử lý tội phạm. Đại tá Hùng cảnh báo để tránh rủi ro, người dân không nên đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.

 Nghệ An: Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại dự án “Tổ hợp khách sạn Mường Thanh Hoàng Mai”