Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lớp học 43 em ở vùng lũ Nghệ An đều đậu đại học các trường tốp đầu cả nước

Lớp nằm ở vùng “5 Nam” của huyện Nam Đàn, học sinh đa phần con em thuộc diện khó khăn, nhưng trong đợt xét tuyển đại học 2019, học sinh của lớp 12C1 - Trường THPT Nam Đàn 2 đều đậu vào các trường tốp đầu của cả nước, trong đó có 11 em đậu vào các trường y khoa.

Trong số 43 học sinh của lớp, Phạm Văn Đạt là một học sinh đặc biệt khi ở Kỳ thi THPT Quốc gia vừa rồi em đạt 27 điểm, trong đó riêng môn Toán, Đạt được 9,8 điểm. Hiện Đạt là một trong ít thí sinh vừa trúng tuyển vào ngành có điểm đầu vào cao nhất của Trường Đại học Bách Khoa - ngành Chương trình tiên tiến khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (điểm chuẩn 27 điểm).

Chia sẻ về quyết định của mình, Phạm Văn Đạt cho biết: Đây là năm đầu tiên Trường Đại học Bách Khoa mở ngành này và là một ngành có tỷ lệ cạnh tranh cao. Tuy nhiên, em tự tin mình sẽ trúng tuyển và hy vọng sau này được làm nghề mà mình yêu thích.

 Cô giáo chủ nhiệm và tập thể lớp 12C1 Trường THPT Nam Đàn 2. Ảnh: Mỹ Hà

Đứng thứ hai ở lớp 12C1 là Nguyễn Tiến Anh, tân sinh viên Học viện Quân y. Tiến Anh cũng là một học sinh gương mẫu, 3 năm THPT em luôn là học sinh giỏi toàn diện. Đặc biệt, lớp 11, Tiếng Anh đạt giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Toán. Trong danh sách của lớp còn có nhiều học sinh khác có điểm thi rất cao như em Dương Ngọc Huy (26,75 điểm), đậu Đại học Bách Khoa Hà Nội; Từ Đức Đạt (26,45 điểm), đậu Đại học Phòng cháy, chữa cháy; Trần Thị Thủy (26,25 điểm), đậu Đại học Kinh tế Quốc dân.

Cũng qua thống kê của lớp, lớp có sĩ số 40 học sinh thì có 39 em đậu đại học nguyện vọng 1, trong đó có 11 em đậu vào các trường thuộc ngành Y như Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân y, Đại học Y Thái Nguyên, Đại học Y khoa Vinh, Học viện Y học cổ truyền Việt Nam.

 Các thầy cô giáo cùng các em học sinh lớp học vùng 5 Nam đạt kỳ tích đều đỗ đại học. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, có 3 học sinh đậu vào các trường quân sự như Học viện Mật mã, Sỹ quan Thông tin, Sỹ quan Kỹ thuật quân sự, 5 thí sinh đậu vào Đại học Bách khoa Hà Nội, 3 học sinh đậu Học viện Bưu chính viễn thông, 4 học sinh đậu Đại học Xây dựng, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính Hà Nội... Số học sinh có số điểm từ 23 điểm trở lên, chiếm gần 70%. Ngay như thí sinh không đăng ký đại học mà đi du học tại Hàn Quốc thì điểm thi của em cũng gần 21 điểm, đủ điểm để vào trường đại học tốp đầu.

Trước đó, khóa học 2006 - 2009 của Trường THPT Nam Đàn 2 không được đánh giá cao về chất lượng khi điểm đầu vào chỉ hơn 10 điểm. Nhưng cũng chính bởi lý do này nên ngay sau khi nhập học, việc dạy và học đã được nhà trường hết sức chú trọng.

Như tại lớp 12C1, mặc dù cô giáo chủ nhiệm và các cô bộ môn đa phần đều ở xa trường, mỗi ngày phải đi về gần 50 cây số nhưng chưa ngày nào các thầy giáo, cô giáo lại lơ là việc dạy ở trường. Để nâng chất lượng của lớp, các thầy cô chủ động phân hóa học sinh theo từng khối học, ngành học và tùy theo từng năng lực của các em. Trong đó, nếu em nào yếu thì giáo viên phụ đạo thêm, em nào khá giỏi thì tiếp tục bồi dưỡng để các em làm quen với nhiều dạng bài khó.

 Thành tích của lớp 12C1 cũng là thành tích cao nhất của Trường THPT Nam Đàn 2 trong vài năm trở lại đây. Ảnh: tập thể lớp 12C1 chụp ảnh lưu niệm trước cổng nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà

Thành tích của lớp 12C1 cũng là thành tích cao nhất của Trường THPT Nam Đàn 2 trong vài năm trở lại đây. Bên cạnh đó, trường cũng có 20 em có điểm thi THPT Quốc gia từ 25 điểm trở lên.

Cô giáo Trần Thị Thủy - Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 C1 chia sẻ: “Năm lớp 12 là một năm vất vả và nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể lớp. Tôi nhẩm tính, chỉ trong mấy tháng cuối cùng của học kỳ 2, mỗi môn học chúng tôi đã phải luyện đến hơn 50 đề. Bên cạnh đó, lớp và nhà trường còn tổ chức nhiều kỳ thi thử để các em cọ xát, làm quen với kỳ thi”.

Đối chiếu các bài thi thử và kết quả của Kỳ thi THPT Quốc gia, cô giáo Trần Thị Thủy nói thêm: Thực sự khi nhận kết quả của các em, tôi không quá bất ngờ vì tôi tin vào năng lực học trò của mình. Ở đây, các em quả thực có rất nhiều khó khăn, 80% học sinh trong lớp bố mẹ làm nghề nông nhưng bù lại các em rất quyết tâm và đều có chung một mục tiêu là học giỏi, đậu đại học để thoát nghèo. Về phía giáo viên đứng lớp, chúng tôi phải hiểu từng hoàn cảnh, từng sở trường của các em để giúp các em định hướng công việc và lựa chọn ngành nghề phù hợp.

 

“So với nhiều trường khác ở vùng đồng bằng, học sinh ở Trường THPT Nam Đàn 2 rất vất vả, nằm ở vùng lũ. Vì thế, kết quả này rất đáng trân trọng. Đây cũng là nguồn động lực to lớn để cổ vũ học sinh trong nhà trường, tiếp thêm cho các em sự tự tin để tiếp tục nỗ lực cố gắng và giành được nhiều thành tích cao hơn nữa trong những năm học tới”.

Thầy giáo Hồ Quốc Việt – Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2