Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Thưa cô, em không muốn là một con rối!'

Đó là lời chia sẻ của Phương Thanh, nữ sinh lớp 12 tại Thái Nguyên muốn gửi đến cô giáo chủ nhiệm của mình. Phương Thanh cho biết, hiện tại em chỉ muốn nhanh học hết lớp 12 để được đi thật xa và sống cuộc đời tự do.

 Hình minh họa từ cảnh phim "Garçon manqué" (tên tiếng Anh là "Tomboy", một bộ phim về đề tài đồng tính nổi tiếng tại Pháp năm 2011.

Mới đây, thông qua dự án “Mắt không màu” (dự án của một nhóm bạn trẻ trên mạng xã hội, tiếp cận với những câu chuyện đặc biệt, khó nói), nữ sinh Thái Nguyên đã gửi gắm những lời tâm sự của mình đến cô giáo và bố mẹ, với mong muốn được sống là chính mình.

VietNamNet xin trích dẫn lại bài viết của Phương Thanh.

“Là một người trong cộng đồng LGBT thì bình thường, nhưng ở nơi em sống thì việc yêu thích ai lại trở thành một rắc rối lớn.

Hồi ấy, một bạn học cùng lớp tiết lộ chuyện của em và người yêu em cho giáo viên chủ nhiệm. Từ đó, khó khăn ập đến với em.

Ở nhà, bố mẹ gặng hỏi em rất nhiều, còn đến lớp, cô thường gọi vào phòng, nói với em mối quan hệ đúng mực là như thế nào, và em không được “lệch chuẩn”.

Em có cảm giác mình là con rối bị cô điều khiển. Bố mẹ cũng nghe cô “răm rắp”. Em thấy cuộc sống bí bách, thấy buồn, và các cơn trầm cảm tìm đến (trước đây em vốn bị trầm cảm nhẹ rồi).

Cũng từ sự việc ấy, em quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động cộng đồng, em đọc nhiều hơn, thấu cảm hơn và biết chia sẻ với những người cùng cộng đồng. Dù trước đó em không quan tâm, nhưng “gặp khổ” rồi nên hiểu các bạn trong cộng đồng khổ như thế nào, từ đó em biết tôn trọng sự khác biệt hơn.

Em vẫn nhớ một năm trước, em còn nhiều bức bối nên khi mọi người bàn tán và nói sai về cộng đồng LGBT, em đã lên tiếng để họ biết rằng họ hiểu chưa đúng. Mọi người xung quanh thấy em phản ứng vậy thì nói ra nói vào, bảo em láo vì cãi lại cô giáo. Họ còn đổ lỗi rằng “vì con Thanh bê đê nên mới như thế”.

Bây giờ, em chọn sự im lặng, cô giáo có nói chưa đúng em cũng không phản biện, không thể hiện ra suy nghĩ của bản thân nhiều như trước. Có lẽ, em bị bất lực và sợ sự phản ứng từ mọi người.

Em mong rằng giáo viên là những người có nhãn quan rộng mở, kiến thức về thế giới đa dạng, tôn trọng sự khác biệt, chứ không phải người điều khiển lối sống, tình cảm của học sinh theo suy nghĩ riêng của mình.

Còn bây giờ, em chỉ mong được ra khỏi cấp 3, đi thật xa và sống một đời tự do hơn”.

 Bức tranh do Phương Thanh vẽ (ảnh: Mắt không màu).

Chia sẻ với VietNamNet, Phương Thanh cho biết, khi sự việc vừa xảy ra, em cũng đã tìm cách tâm sự, nói chuyện thẳng thắn để cô giáo hiểu hơn về em, về cộng đồng LGBT, tuy nhiên em không tìm được sự đồng cảm từ cô.

“Em còn có cảm giác là cô hơi ác cảm với em. Thấy không thể làm cô thay đổi cách nhìn về mình, em lựa chọn nói dối, rằng em không thích người cùng giới, chúng em chỉ là bạn bè”.

Câu chuyện của Phương Thanh hiện đang được chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội. Em tâm sự: “Em không mong ước gì cao xa, chỉ muốn cô giáo đối với em bình đẳng như các bạn khác. Em biết, ngoài kia có những bạn cũng gặp hoàn cảnh như em. Vì vậy, em kể câu chuyện của mình, hi vọng có thể tác động tích cực hơn đến các thầy cô, những người ngày ngày đứng trên bục giảng, dạy chúng em kiến thức”.

11 năm liền là học sinh giỏi, chỉ còn một năm để cô nữ sinh lớp 12 có thể cất cao đôi cánh và bay đi. Mong rằng em có thể giữ tinh thần lạc quan, nỗ lực để đạt kết quả tốt.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

 Bao giờ Hà Giang 'gọi tên' cán bộ có con được nâng điểm?