Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Nhiều chủ xe thuê người giám sát CSGT để trốn tránh

Phát biểu về xử lý xe quá khổ, quá tải, đồng chí Lê Hồng Vinh cho hay, hiện nay Nghệ An có tình trạng nhiều chủ phương tiện tìm mọi cách đối phó với lực lượng chức năng, như thuê người giám sát việc đi lại, hoạt động của CSGT nhằm trốn tránh.

Chiều 22/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Ở điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Tai nạn giảm cả 3 tiêu chí

Theo báo cáo của Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, 6 tháng đầu năm (tính từ ngày 15/12/2018 đến 14/6/2019), cả nước xảy ra 8.385 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.810 người, bị thương 6.358 người. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ TNGT giảm 641 vụ, số người chết giảm 311 người, số người bị thương giảm 679 người.

 Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Tiến Hùng

Trong khi đó, tại Nghệ An, thời gian này xảy ra 102 vụ tai nạn giao thông làm chết 71 người, bị thương 67 người. So với cùng kỳ năm 2018 giảm 14 vụ, giảm 8 người chết, giảm 23 người bị thương.

Phát biểu về xử lý xe quá khổ, quá tải tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Vinh cho biết, thời gian qua Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, mang lại hiệu quả rõ rệt như: đẩy mạnh kiểm soát tải trọng nơi đầu nguồn hàng; bổ sung nội dung ký cam kết không sử dụng, thuê các phương tiện vi phạm về tải trọng, kích thước thành, thùng xe để thi công các công trình, dự án vào hồ sơ mời thầu của các đơn vị thi công; xử lý nghiêm đối với các nhà thầu cố tình vi phạm…; lập danh sách các phương tiện thường xuyên vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn, thông qua thiết bị giám sát hành trình để chú trọng kiểm tra, xử lý việc chấp hành tải trọng, kích thước thành, thùng chở hàng...

 Cân xe có dấu hiệu quá tải tại Trạm CSGT 5-1 (Diễn Châu). Ảnh tư liệu

Tỉnh Nghệ An cũng đã cấp 6 bộ cân kiểm tra tải trọng xách tay cho công an các địa phương có tình trạng vi phạm tải trọng nhiều để tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm tải trọng xe ngay từ đầu nguồn hàng, địa bàn cơ sở. Chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải xây dựng Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn tỉnh Nghệ An” để sớm ban hành, trong đó đưa ra giải pháp lắp đặt một số bộ cân tải trọng xe tự động trên một số tuyến đường bộ trọng điểm để kiểm soát tải trọng xe 24/24h; đồng thời cảnh báo đến các tổ chức, cá nhân thường vi phạm về tải trọng phương tiện, phối hợp với lực lượng Công an xử lý nghiêm các vi phạm về tải trọng.

Trong 6 tháng đầu năm, Công an tỉnh và Sở Giao thông Vận tải đã lập biên bản vi phạm hành chính 4.255 trường hợp vi phạm về tải trọng phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính hơn 17,6 tỷ đồng; tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 2.305 trường hợp; tạm giữ 255 xe ô tô.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, công tác kiểm soát xe quá tải, quá khổ trên địa bàn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như việc kiểm soát tải trọng phương tiện đang sử dụng phương pháp truyền thống; chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện cam kết đã ký của các tổ chức, cá nhân về không chở hàng quá tải trọng, bốc xếp hàng hóa lên xe ô tô tại các kho cảng, bến, bãi, đầu nguồn hàng...;

Một số trường hợp vì lợi nhuận kinh doanh nên vẫn cố tình vi phạm; thậm chí, nhiều chủ phương tiện tìm mọi cách đối phó với lực lượng chức năng, như: đi đường nhánh để tránh sự kiểm soát, lợi dụng việc giao ca giữa các tổ công tác, hoạt động ở vùng sâu, vùng xa; đặc biệt một số chủ xe thuê người giám sát việc đi lại, hoạt động của CSGT nhằm trốn tránh.

Tập trung kiểm soát ở đầu nguồn

Để hạn chế tối đa hoạt động của xe quá tải, quá khổ trên địa bàn, đồng chí Lê Hồng Vinh cho biết, trong thời gian tới Nghệ An sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung kiểm soát tải trọng xe tại các vị trí gần đầu nguồn hàng hóa, kho bãi, mỏ vật liệu, mỏ khoáng sản để xử lý vi phạm ngay khi bắt đầu lưu thông vào các tuyến đường bộ; tăng cường phối hợp trong tuần tra, kiểm soát; cung cấp, chia sẻ dữ liệu kịp thời.

Ưu tiên bố trí nguồn lực, tiếp tục trang bị cân kiểm tra tải trọng xách tay cho các địa phương có các tuyến đường trọng điểm đi qua, mật độ phương tiện vận tải lớn để chủ động kiểm tra, xử lý xe chở hàng quá khổ, quá tải nhằm khép kín địa bàn kiểm soát tải trọng xe. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu để tình trạng xe quá tải hoạt động trên địa bàn quản lý mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả.

 Nhiều xe cơi nới thành, thùng để chở quá tải. Ảnh: Tiến Hùng

Ngoài ra, cũng tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm xây dựng cơ sở dữ liệu về phương tiện vi phạm tải trọng để các lực lượng chức năng cung cấp, chia sẻ thông tin của các phương tiện vi phạm về tải trọng, kích thước thành, thùng chở hàng nhằm xử lý các phương tiện thường xuyên vi phạm về tải trọng, kích thước thành, thùng trong hoạt động đăng kiểm; đối với các phương tiện vi phạm kích thước thành, thùng 3 lần trở lên giữa 2 kỳ kiểm định (được phát hiện thông qua các thiết bị kỹ thuật của lực lượng chức năng) thì từ chối kiểm định, đồng thời cảnh báo trên hệ thống đăng kiểm toàn quốc.

Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các Trạm kiểm tra tải trọng xe trên QL 1, QL 7 và đường Hồ Chí Minh theo Quyết định số 1885/QĐ-TTg ngày 30/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ; ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ hoạt động kiểm soát tải trọng xe. Chỉ đạo các đơn vị BOT đường bộ lắp đặt và vận hành hệ thống cân kiểm soát tải trọng tại các trạm thu phí sử dụng đường bộ BOT để làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính đối với xe quá khổ, quá tải khi đi qua trạm thu phí...