Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ trưởng GD-ĐT: 'Điểm Lịch sử và Tiếng Anh thấp, chưa chấp nhận được'

Bộ trưởng GD-ĐT cho biết, sẽ có sự phân tích kỹ lưỡng vì sao điểm thi môn Lịch sử và Tiếng Anh thấp để rút kinh nghiệm cho kỳ thi THPT Quốc gia 2020.

Những năm trước, môn Lịch sử và Tiếng Anh đã có kết quả thấp. Tuy năm 2019 đã có tiến bộ hơn so với năm 2018 nhưng kết quả này vẫn chưa chấp nhận được. Vì vậy cần có phân tích kỹ lưỡng, đúc rút kinh nghiệm cho kỳ thi năm sau.

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị "Công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học" diễn ra sáng 17/7.

 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, Lịch sử và Tiếng Anh là 2 môn có tỷ lệ điểm dưới trung bình cao nhất trong 9 môn thi THPT quốc gia năm 2019. Cụ thể, cả nước có 569.905 thí sinh dự thi môn Lịch sử thì 399.016 em bị điểm dưới trung bình, chiếm tỷ lệ 70,01%.

Môn Tiếng Anh có 542.775 thí sinh đạt điểm dưới trung bình, chiếm 69% tổng số 789.544 bài thi.

Đồ thị phổ điểm của hai môn này lệch sang trái mốc điểm 5. Điểm trung bình môn Lịch sử là 4,3. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,75. Môn Tiếng Anh có điểm trung bình là 4,36. Điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,2.

Trên cơ sở phân tích kỹ phổ điểm của từng môn thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT để bàn kỹ về phổ điểm, đồng thời lý giải nguyên nhân vì sao hai môn này lại thấp và sẽ có sự phân tích, rút kinh nghiệm.

Phương thức thi THPT Quốc gia sẽ ổn định đến năm 2020

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 là để đánh giá chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông về kiến thức, kỹ năng sau 12 năm học phổ thông. Năm nay, tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn năm trước, có tỉnh chỉ đạt 70%, phản ánh dần đến thực chất.

Kỳ thi không chỉ thuần túy là công nhận tốt nghiệp, càng không phải chỉ phục vụ xét tuyển ĐH, CĐ mà quan trọng là để đánh giá chất lượng từng môn học, hướng tới giáo dục toàn diện.

 

Kỳ thi cũng là giúp ngành giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông, nhất là những môn học có kết quả thấp trong kỳ thi THPT Quốc gia như Lịch sử, Tiếng Anh.

Theo ông Phùng Xuân Nhạ, phương thức thi THPT Quốc gia sẽ ổn định đến năm 2020. Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát để có lộ trình cho những năm tiếp theo.

Trường ĐH nào yếu kém sẽ phải đóng cửa

Đề cập công tác tuyển sinh và xét tuyển vào ĐH, Tư lệnh ngành giáo dục cho rằng, cần cải thiện ngay từ khâu xét tuyển, mặc dù chất lượng phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là quá trình đào tạo, đảm bảo chất lượng từ chuẩn đầu ra.

Giáo dục ĐH cần có chất lượng minh bạch trong kiểm định chương trình đào tạo, hoạt động của nhà trường. Những trường ĐH nào yếu kém, sau một thời gian không có cải thiện sẽ phải đóng cửa, tránh trường hợp có góc khuất, điểm tối, tạo nghi ngờ trong xã hội. Thị trường lao động cần phân khúc đa dạng, không phải chất lượng như nhau là tốt.

Các trường ĐH phải đào tạo có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Quan điểm là Bộ GD-ĐT chỉ kiến tạo, giám sát và trọng tài, còn các trường hoạt động như thế nào thì xã hội sẽ giám sát rõ nhất. Nếu chất lượng đào tạo tốt thì trường ĐH đó sẽ được xã hội tôn vinh, tạo được uy tín.

“Chúng ta cần thống nhất nâng cao nhận thức vì một nền giáo dục ĐH có chất lượng, không sợ bị chê yếu, nếu yếu thật thì cần nhìn thẳng để cải tiến. Nhu cầu học ĐH của thị trường hơn 96 triệu dân lớn. Thị trường lao động cần rất nhiều nhân lực chất lượng, chất lượng cao, đó là yếu tố thuận lợi của ĐH. Chính vì vậy, không có lý do gì khi chất lượng học sinh phổ thông và năng lực đào tạo tốt, giảng viên tâm huyết, nhu cầu lớn mà lại không có được nguồn nhân lực chất lượng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Về thực hiện tự chủ ĐH, theo ông Phùng Xuân Nhạ, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, Luật Giáo dục được ban hành, tới đây sẽ có một loạt văn bản được ban hành để tạo điều kiện cho tự chủ, nhưng quan trọng là các trường cần nâng cao hiểu biết về pháp lý. Dường như đến nay các trường vẫn chưa thực sự rõ quy định. Nếu không rõ thì trong quá trình thực hiện khi vướng vào quy định sẽ khó thực hiện.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý, thực hiện tự chủ, các trường phải chủ động, có kế hoạch, đề án lộ trình thực hiện cụ thể, theo đó có kế hoạch đầu tư, kêu gọi đầu tư. Phải dành thời gian chuẩn chỉnh chiến lược từ 5 đến 10 năm.

Bộ GD-ĐT đang xây dựng một số tài liệu dạng sổ tay thực hiện tự chủ để hỗ trợ các trường. Ngoài ra, cũng sẽ có các khóa bồi dưỡng cho các trường về những vấn đề còn khó khăn, bỡ ngỡ trong quá trình thực hiện tự chủ.

Tuy nhiên, quan trọng là các trường cần cùng chia sẻ, trong 23 trường thí điểm tự chủ, có nhiều trường tốt, cần chia sẻ kinh nhiệm, rút kinh nghiệm để cùng phát triển./.