Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xôn xao câu chuyện cựu thủ khoa đại học bị đuổi vì mê game, thi lại vẫn đậu thủ khoa

Câu chuyện thành tích học tập ấn tượng của nam sinh Thường Thư Kiệt đã gây sốt trên khắp các diễn đàn mạng xã hội Trung Quốc.

 Một nam sinh nghiện game ở Trung Quốc gây sốt mạng xã hội khi hai lần đạt thủ khoa đại học. Ảnh minh họa.

Thời gian qua trên trang mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc có tên Weibo xôn xao với một thông tin thú vị về thủ khoa đại học trong kỳ thi vừa rồi.

Câu chuyện kể về một nam sinh tên Thường Thư Kiệt. Năm 2015, Thường Thư Kiệt thi đại học và đạt số điểm cao ngất ngưởng, 690 điểm. Với thành tích ấn tượng, Thường Thư Kiệt trở thành thủ khoa khối tự nhiên của thành phố Chung Tường, đứng thứ 8 toàn tỉnh Hồ Bắc. Chàng nam sinh “học bá” đã được đỗ vào trường đại học danh tiếng hàng đầu Trung Quốc là Đại học Bắc Kinh.

Thế nhưng vì mê chơi game với một người bạn thân học Đại học Thanh Hoa mà Thường Thư Kiệt thường xuyên bỏ tiết. Điều đó dẫn đến việc cậu nam sinh bị nhà trường đuổi học.

Không chán nản, Thường Thư Kiệt đã “dùi mài đèn sách” và quyết chí thi lại vào năm 2019. Kết quả, nam sinh mê game bị trường đuổi học, một lần nữa bước lên đỉnh vinh quang với số điểm còn cao hơn trước đây, là 712 điểm và trở thành thủ khoa khối tự nhiên toàn tỉnh Hồ Bắc.

Câu chuyện của Thường Thư Kiệt đã ngay lập tức trở thành đề tài bàn tán xôn xao của cư dân mạng. Trên các diễn đàn mạng xã hội, mọi người để lại nhiều bình luận ngưỡng mộ Thường Thư Kiệt:

- "Đẳng cấp là đây chứ đâu, học Bắc Đại mê chơi game với anh bạn bên Thanh Hoa thì ghê rồi".

- "Quá giỏi, mình bẵng đi mấy năm mà cho thi lại thì chẳng còn biết chữ gì chứ ở đó mà thủ khoa".

- "Sau câu chuyện này thì rút ra bài học, đẳng cấp là mãi mãi và những người cùng đẳng cấp thì mới chơi được với nhau".

- "Thi lần đầu anh ấy là thủ khoa của thành phố, thi lần sau thành thủ khoa của tỉnh luôn mới sợ".

- "Đúng là học sinh giỏi trong truyền thuyết".

Bên cạnh đó, cũng có nhiều cư dân mạng bình luận đầy hài hước về câu chuyện của Thường Thư Kiệt:

- "Thử tí cảm giác bị đuổi học xem nó ra làm sao ấy mà".

- "Lại Chủ tịch giả vờ mê game bị đuổi học và cái kết".

- "Thử một lần chơi lớn cho cả nước trầm trồ".

Qua câu chuyện này nhiều người cho rằng chỉ nên học hỏi ở Thường Thư Kiệt khía cạnh học hành xuất sắc và ý chí làm lại mọi thứ sau vấp ngã chứ đừng thử “cảm giác bị đuổi học” như nam sinh.

Hiện tại, tuy chưa được xác minh một cách chuẩn xác, nhưng câu chuyện của nam sinh Thường Thư Kiệt vẫn đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cư dân mạng.

Trung tâm cai nghiện game ở Trung Quốc

Vào năm 2008, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố nghiện Internet là một loại rối loạn lâm sàng. Bên cạnh đó, vào năm 2018, nghiện Internet cũng được Tổ chức Y tế xem xét kỹ lưỡng và cho rằng đây là nguồn bệnh đe dọa sức khỏe cộng đồng. Tại Trung Quốc, chính phủ cũng đã tăng cường giám sát ngành công nghiệp game để ngăn chặn trẻ em tiếp cận.

Một trong những trung tâm cai nghiện Internet nổi tiếng ở Trung Quốc chính là Trung tâm Đại Hưng được thành lập bởi cựu đại tá quân đội tên Tao Ran vào năm 2003. Nói về vấn đề nghiện Internet của giới trẻ, ông Tao cho biết: "Nghiện Internet là vấn nạn lớn của Trung Quốc. Đây không còn là vấn đề của thanh thiếu niên nữa, mà còn có cả những em nhỏ chỉ 9 tuổi đến những người trưởng thành ở độ tuổi 30. Những năm gần nay, chúng tôi cũng tiếp nhận nhiều bé gái và trẻ con từ vùng nông thôn".

Hầu hết những thanh niên được đưa đi cải tạo đều cố gắng trốn thoát và chống đối trong thời gian đầu, nhưng sau khi chấp nhận điều trị một vài tháng thì kết quả có dấu hiệu khả quan hơn. Trong những năm qua, các báo cáo về tin tức lạm dụng liệu pháp sốc điện tại Trung tâm cai nghiện Internet đã gây ra nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, ông Tao đã phản bác vấn đề này và nói rằng Trung tâm của ông không áp dụng phương pháp này mà kết hợp việc dùng thuốc, tư vấn tâm lý, hoạt động thể chất và những bài học tâm lý khác để giúp học viên thoát khỏi cơn nghiện. Một liệu trình như thế thường kéo dài ít nhất 3 tháng với chi phí khoảng 10.000 nhân dân tệ (khoảng 33 triệu đồng) một tháng.