Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thứ trưởng Bộ Giáo dục chia sẻ về tầm nhìn của giáo dục Việt Nam

Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam cho rằng việc Việt Nam xác định rõ tầm nhìn cho giáo dục có vai trò quyết định trong việc lập kế hoạch cho phát triển giáo dục.

Phát biểu tại Hội thảo Xây dựng chiến lược và lập kế hoạch phát triển giáo dục sáng nay, ngày 4/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã chia sẻ về tầm nhìn của giáo dục Việt Nam thời gian tới.

Hội thảo do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình Khoa học công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục và Hiệp hội Giáo dục cho mọi người Việt Nam.

Câu hỏi đầu tiên: Điều gì tốt nhất cho học sinh?

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, trong thời gian qua, giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Về công bằng và chất lượng trong giáo dục, Việt Nam đều thành công so với các quốc gia khác với cùng mức thu nhập. Bên cạnh những kết quả ấn tượng về phổ cập giáo dục, nền giáo dục Việt Nam được thế giới biết đến với khả năng duy trì mức sàn năng lực học sinh trên diện rộng.

Tuy nhiên, học sinh Việt Nam các cấp vẫn bị đánh giá là thiếu hụt về kỹ năng và động lực học tập, do sự chênh lệch giữa giáo dục trong nhà trường và yêu cầu thực tiễn. Công tác bồi dưỡng giáo viên còn bất cập. Tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn cao, nhất là vùng dân tộc thiểu số.

“Rõ ràng, sứ mệnh hàng đầu của ngành giáo dục, là chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế, vẫn chưa đạt được. Chúng ta cần phải làm tốt hơn và đây là lúc thay đổi,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.

 

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong bất kỳ quyết định nào liên quan đến giáo dục, câu hỏi đầu tiên của Việt Nam luôn là: “Điều gì là tốt nhất cho học sinh?” Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn nằm ở việc cải thiện chất lượng giáo dục cho từng học sinh, và việc thực thi nhiệm vụ này luôn xoay quanh quyền lợi của học sinh.

Để có thể thực sự mang lại lợi ích cho học sinh và giúp các em sẵn sàng cho những cơ hội và thách thức trong thế kỷ 21, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng kế hoạch hiệu quả cho việc triển khai các trọng tâm giáo dục của chính phủ để giúp học sinh thành công và cải thiện năng lực cạnh tranh của đất nước.

Theo các chuyên gia, để xây dựng kế hoạch trước hết cần phải xác định tầm nhìn. Về vấn đề này, ông Phúc chia sẻ: “Chúng tôi muốn xây dựng một nền giáo dục chất lượng cao, mang đến cho mỗi công dân Việt Nam cơ hội học tập suốt đời để có thể khám phá và phát huy tối đa năng lực bản thân, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chúng tôi tin tưởng vào một nền giáo dục có thể khơi gợi toàn bộ tiềm năng cá nhân. Và điều đó có nghĩa hệ thống giáo dục phải được thiết kế đa dạng và tạo điều kiện tới từng cá nhân người học.

Chúng tôi cần một nền giáo dục có thể đáp ứng được yêu cầu của thế giới hiện đại. Chúng tôi mong muốn những công dân Việt Nam là những người có khả năng sáng tạo, có khả năng thích nghi và thích ứng cao.

Những yêu cầu đó chỉ có thể đạt được qua những trải nghiệm giáo dục nhằm tập trung phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân, mỗi học sinh.

Chúng tôi cần phải đảm bảo rằng tỷ lệ hoàn thành trung học phổ thông cao hơn thực sự tương ứng với khả năng theo đuổi các bậc học cao hơn hoặc tìm kiếm công việc tốt hơn cho các em.”

 

 Hội thảo có sự tham gia Xây dựng chiến lược và lập kế hoạch phát triển giáo dục thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Xác định tầm nhìn có vai trò quyết định

Chia sẻ tại hội thảo, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam cho rằng việc Việt Nam xác định rõ tầm nhìn cho giáo dục có vai trò quyết định trong việc lập kế hoạch cho phát triển giáo dục.

Cũng theo ông Michael Croft, sự phát triển nhanh chóng của số hóa đang tác động đến mọi mặt của đời sống, trong đó có giáo dục, ở mọi quốc gia trên thế giới. Vì thế, sự chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia là rất cần thiết, những thành công cần nhân rộng, những thất bại cần tránh.

Với hơn 150 đại biểu tham dự hội thảo là lãnh đạo, các nhà hoạt động chính sách, các chuyên gia, nhà giáo dục... đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các viện nghiên cứu, sở giáo dục và đào tạo, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ..., ông Michael Croft cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia.

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày xu hướng phát triển của giáo dục thế giới, chiến lược phát triển giáo dục của một số quốc gia. Các đại biểu, nhà giáo dục Việt Nam đã cùng trao đổi, chia sẻ những phương pháp tiếp cận, xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, kinh nghiệm và các bài học thực tiễn trong xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển giáo dục ở các nước.

 

 Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định chiến lược giáo dục phải thực tế và có ích cho học sinh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hội thảo sẽ dành hai ngày (ngày 5 và 6/7) để tập huấn về phân tích ngành và lập kế hoạch phát triển giáo dục nhằm nâng cao năng lực xây dựng chiến lược và lập kế hoạch phát triển giáo dục cho các nhà hoạch định chính sách, nhà lập kế hoạch, chuyên gia giáo dục.

“Đây là cơ hội để học hỏi từ các quốc gia đã trải qua giai đoạn như Việt Nam. Phải xác định đâu là yếu tố then chốt để xây dựng chiến luộc giáo dục, các vấn đề cần ưu tiên, cần phân bổ ngân sách như thế nào...,” ông Michael Croft nói.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cũng bày tỏ hy vọng những kinh nghiệm trong nước và quốc tế của các chuyên gia, nhà hoạch định và đặc biệt là các nhà thực thi chính sách sẽ đóng góp nhiều ý kiến thiết thực và quý giá cho Tổ biên tập và soạn thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam.

“Để từ đó, chúng ta có thể xây dựng một bản chiến lược hiệu quả, thực tế và có ích cho các thế hệ học sinh hiện tại và trong tương lai,” ông Phúc nói./.

 Sữa học đường: “Trăm nghe” và… đã thấy