Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mãn nhãn với ngôi nhà gỗ mít “siêu khủng” của lão nông Hà Nội

Sau nhiều tháng ròng dành thời gian săn gỗ mít, lão nông Nguyễn Quang Học (63 tuổi, ở xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) đã cho ra lò một ngôi nhà bằng gỗ mít “khủng” có giá trị hàng tỷ đồng. Ở thời điểm năm 2009, ngôi nhà của ông Học được xem là ngôi nhà gỗ mít “khủng” nhất ở miền Bắc.

Những ngày hè oi ả đầu tháng 5, chúng tôi có dịp về thăm ngôi nhà bạc tỷ được coi là "độc nhất vô nhị" của lão nông Nguyễn Quang Học. Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc cổ.

Rót cốc trà đặc quánh, ông Học trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên khiến ông dựng ngôi nhà gỗ mít độc đáo này.

 Ngôi nhà gỗ mít bạc tỷ của lão nôngNguyễn Quang Học. Ảnh: NĐ

Ông Học cho biết, năm 2008, nhìn ngôi nhà cổ gỗ xoan của cha ông để lại bị mối mọt, ngày một xuống cấp khiến ông nung nấu ý nghĩ mình phải khôi phục bằng được ngôi nhà cổ của cha ông bằng một loại gỗ tốt hơn. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông đã quyết định chọn gỗ mít để khôi phục nhà cổ.

"Hiện có nhiều người dân dựng nhà bằng gỗ lim, có những ngôi nhà đến cả chục tỷ đồng. Tuy nhiên, tôi không lựa chọn loại gỗ này vì muốn mang đến sự mới lạ, độc đáo.

Mặt khác, việc người dân dùng gỗ lim để dựng nhà hiện nay rất phổ thông, không còn mới lạ. Gỗ lim cũng rẻ tiền hơn so với loại gỗ mít. Quan trọng hơn, tôi muốn sử dụng loại gỗ mít vì đây là loại cây rất gần gũi với cuộc sống của người dân Việt Nam", ông Học nói.

 Ông Học cho biết, những cột trụ bên trong ngôi nhà đều được làm từ những cây mít của tuổi đời từ 20 năm đến hàng trăm năm tuổi.Ảnh: NĐ

Nghĩ là làm, năm 2008, ông Học bắt đầu dành ra số tiền gần 1 tỷ đồng đi các tỉnh thành để tìm mua cây mít lâu năm. Hễ nghe thấy ai có gỗ mít là ông lại tìm đến để hỏi mua. "Tiêu chí để chọn mít là những cây lâu năm, nhiều cây có tuổi đời hàng chục năm tuổi, lâu hơn thì hàng trăm năm tuổi", ông Học cho biết.

Có những lần, ông Học phải trèo đèo lội suối để đi "săn" từng cây mít một. Cũng có lần, ông phải mang cả cơm nắm lên đồi để đào, chặt cây. Những lần đi mua gỗ mít như vậy khá tốn kém và vất vả nhưng vì niềm đam mê ông vẫn thấy vui.

Khi đã tìm mua xong phần gỗ, ông Học lại đau đáu vấn đề tìm thợ để dựng nhà.

"Dựng nhà đòi hỏi phải là những thợ có tay nghề cao, giỏi, am hiểu công việc, nếu không tất cả công sức sẽ đổ xuống sông, xuống bể. Nghe nhiều người giới thiệu tôi tìm đến xã Chàng Sơn để thuê thợ mộc về thi công", ông Học nói.

  Ngôi nhà được xây dựng theo phong cách nhà cổ mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Ảnh: NĐ

Lên ý tưởng xây dựng xong, ông lại cùng kiến trúc sư thiết kế cho ngôi nhà. Theo ông Học, giới chơi nhà thường chia ra làm ba loại đó là nhà kẻ truyền Bắc Bộ, nhà rường Huế, nhà cổ Nam Bộ. Mỗi kiểu nhà tượng trưng nét văn hóa, kiến trúc riêng. Trong đó, nhà kẻ truyền Bắc Bộ được ưa chuộng và phổ biến hơn cả. Việc thiết kế, xây dựng nhà giả cổ khó hơn nhiều so với các ngôi nhà theo lối hiện đại.

Sau một năm "mất ăn mất ngủ", ngôi nhà gỗ mít với các đường nét hoa văn được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo được hoàn thiện. Ngôi nhà gồm 5 gian, gian chính giữa là nơi thờ tự tổ tiên, hai gian hai bên kê hai bộ bàn ghế để gia đình tiếp khách.

 Hoa văn được trạm, khắc một cách cầu kỳ. Ảnh: NĐ

Hai bên buồng là nơi các thành viên trong gia đình ông Học nghỉ ngơi. Phía cổng, ông Học còn cầu kỳ mua loại đá ong về xây dựng tường, cột trụ. Các kèo, cột ông cũng sử dụng loại gỗ mít. Phần mái sử dụng ngói lợp Hạ Long.

Chủ nhân của ngôi nhà cho biết, ở thời điểm năm 2009, ngôi nhà xây dựng xong hết chi phí 1,5 tỷ đồng. Đến nay, ngôi nhà của ông được nhiều người định giá trả 2,5 tỷ đồng nhưng gia đình ông nhất quyết không bán bởi ngôi nhà này được xây dựng trên nền nhà cổ của cha ông.