Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Nhập nhèm đằng sau 745 ha đất rừng ở Yên Thành

Sau một thời gian điều tra, xác minh theo đơn tố cáo, ngày 6/5/2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố 3 cán bộ của Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Yên Thành về tội danh: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, vì đã lập khống hồ sơ, chiếm đoạt 5 tỷ đồng tiền đền bù GPMB. Vụ án chưa khép lại, nhưng việc “tranh tối, tranh sáng” để trục lợi ở dự án này xem ra vẫn còn tiếp diễn.

Theo ông Nguyễn Sỹ Đa - Tổng Giám đốc Công ty CP Đông Bắc (tên đầy đủ là Công ty CP Đầu tư phát triển nguyên liệu TH vùng Đông Bắc Nghệ An) tính đến cuối năm 2016, Công ty CP Đông Bắc đã chi trả gần như hết toàn bộ tiền đền bù, hỗ trợ đối với dự án nguyên liệu thuộc Tổng đội TNXP 6 và BQL RPH Yên Thành. Thế nhưng, cho đến nay, vẫn còn 745ha đất rừng (tương ứng với khoảng 77,4 tỷ đồng đã chi trả tiền đền bù GPMB) vẫn chưa được tiếp nhận do những vướng mắc vô lý, mà lỗi hoàn toàn do các đơn vị được giao đất trước đó.

 Cột mốc chỉ đường vào trung tâm dự án đã bị ngành chức năng bỏ quên nhiều năm nay.


Cán bộ thiếu trung thực?

Ông Đa cho biết, trong số 70ha “bị kẹt” do sự nhập nhèm giữa quyền lợi người trồng rừng và người có tên trong hồ sơ, có 49,5ha đã được Công ty CP Đông Bắc trả hết tiền đền bù GPMB. Vào thời điểm nhận tiền đền bù, tài sản của các hộ dân là những ha cây keo mới trồng, còn rất nhỏ. Theo lẽ thường, sau khi họ đã nhận tiền đền bù, đất và tài sản trên toàn bộ diện tích đất đó thuộc về Công ty CP Đông Bắc. Thế nhưng, đến nay, các hộ dân đã nhận tiền nói trên lại cho rằng, nhờ họ chăm sóc mà cây keo đến nay đã lớn, vì vậy Công ty CP Đông Bắc phải trả tiền giá trị cây lần thứ 2 cho họ bằng giá hiện tại (!?)

Những hộ dân nêu trên, không ai khác mà chính là cán bộ, nhân viên của BQL RPH Yên Thành và các phòng, ban của UBND huyện này. Cụ thể: Ông Hoàng Anh Tuấn, ông Ngô Sỹ Lợi, ông Đinh Minh Hải, bà Phan Thị Vịnh, bà Nguyễn Thị Trâm, bà Lê Thị Điệp và bà Phan Thị Nguyệt (BQL RPH Yên Thành), ông Mã Xuân Uyên (phòng Nông nghiệp và PTNT của UBND huyện Yên Thành), ông Nguyễn Vĩnh Cầm (BHXH huyện Yên Thành), và 1 trường hợp là ông Trần Nguyên Hảo (Bí thư Chi bộ xóm 10 xã Lăng Thành). Bà Phan Thị Vịnh và bà Phan Thị Trâm là 2 trường hợp ký tên trong hồ sơ giả cùng với 3 bị can đã bị khởi tố liên quan tới trục lợi 5 tỷ đồng nói trên.

 Do chậm trễ giải quyết vướng mắc, gần 4 năm qua, có tới 745ha đất rừng chưa được chuyển giao cho Công ty CP Đông Bắc

Cũng tại BQL RPH Yên Thành, hiện còn 13,9 ha đất rừng đã được Công ty CP Đông Bắc trả tiền cho 7 người là: Ông Phan Tiến Sỹ, ông Nguyễn Văn Thanh, ông Nguyễn Thọ Vinh, ông Nguyễn Mạnh Cầm (BHXH Yên Thành), ông Nguyễn Văn Dương (Trưởng phòng Nông nghiệp UBND huyện Yên Thành), ông Trần Nguyên Hảo (Bí thư Chi bộ xóm 10 xã Lăng Thành). Thế nhưng, sau khi những cán bộ nói trên nhận tiền xong thì một số hộ dân khác gửi đơn khiếu nại tới Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đề nghị trả tiền đền bù cho họ vì họ mới thực sự là người trồng rừng nhiều năm qua (!?)

Có 7,1ha của BQL RPH Yên Thành cũng đã được Công ty CP Đông Bắc chi trả tiền đền bù cho 16 người là: Bà Phan Thị Vịnh, ông Nguyễn Ngọc Ánh, ông Mã Xuân Uyên, ông Hoàng Đình Tuấn, ông Trần Nguyên Hảo, bà Phan Thị Nguyệt, ông Phan Văn Cường, ông Nguyễn Tiến Đức, ông Hoàng Sỹ Hòe, ông Nguyễn Văn Phú, bà Mã Thị Thu Hiền, ông Nguyễn Sỹ Chương, ông Hồ Đình Vinh, ông Hồ Đình Lai, ông Nguyễn Xuân Nam, ông Nguyễn Văn Hồng, là cán bộ, nhân viên của đơn vị này. Nhưng khi trả tiền xong, lại bị vướng về ranh giới bàn giao đất giữa rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Vậy thì ai đã lập và ai đã duyệt những bộ hồ sơ có cả diện tích rừng phòng hộ này để nhận tiền? Tiền đã vào túi ai?

Có 1,4 ha ở vị trí khác nhưng cũng thuộc trách nhiệm của BQL RPH Yên Thành về trách nhiệm bàn giao đất. Hồ sơ nhận tiền đền bù mang tên: Ông Nguyễn Thọ Vinh, bà Phan Thị Vịnh, ông Nguyễn Ngọc Ánh, bà Phan Thị Vân. Họ cũng là cán bộ, nhân viên của BQL RPH Yên Thành. Thế nhưng, trên thực tế, các hộ dân khác đang sản xuất trên số diện tích này. Cán bộ nào đã kiểm đếm, xác lập 4 bộ hồ sơ không đúng sự thật này?

 

 Giao thông vào trung tâm dự án đã xuống cấp nghiêm trọng do nhà đầu tư… nản lòng?

Quyền lợi nào của Dân?

Bên cạnh số diện tích đang bị “vướng” tại BQL RPH Yên Thành, còn có tới 673ha đã được Công ty CP Đông Bắc trả 67,3 tỷ đồng tiền đền bù GPMB từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được mặt bằng để đầu tư sản xuất.

Nguyên nhân là, các đội viên Tổng đổi TNXP 6 nhận tiền đền bù theo hồ sơ của Hội đồng GPMB thì có 14 hộ dân ở xã Lăng Thành và xã Kim Thành gửi đơn khiếu nại tới Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đòi tiền. Họ cho rằng, họ có tên trong “bìa xanh” theo quyết định giao đất trước đây để khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Khi UBND tỉnh Nghệ An thành lập Tổng đội TNXP6 và giao đất cho đơn vị này, đã không ban hành quyết định thu hồi đất của họ theo đúng “quy trình”.

Tuy nhiên, trong suốt 13 năm hoạt động của Tổng đội TNXP 6, số diện tích đất và rừng của 14 hộ nêu trên không có tranh chấp mà chỉ khi Công ty CP Đông Bắc trả tiền đền bù, họ mới có đơn đòi tiền. Họ đã bán gà, bán lợn, bán trâu, bò, góp tiền để thuê luật sư tư vấn, khiếu kiện nhiều năm qua. Các luật sư tham gia vụ kiện cũng tỏ ra “mập mờ” trước quyền lợi của người dân và quyền lợi của Nhà nước nên người dân “không biết đường nào mà lần”.

 Nội dung một cuộc họp gần đây nhất do Chủ tịch UBND huyện Yên Thành chủ trì để giải quyết vướng mắc cho dự án

Từ những vướng mắc trên cho thấy, HĐGPMB huyện Yên Thành chưa làm tròn trách nhiệm, vẫn rất sơ hở trong việc lập và duyệt hồ sơ đền bù GPMB của dự án này. Và, chính những cán bộ, nhân viên của BQL RPH Yên Thành cũng như BHXH, phòng Nông nghiệp của UBND huyện Yên Thành đã “không kìm chế được cảm xúc” trước đồng tiền.

Theo tài liệu mà phóng viên thu thập được, chỉ riêng dự án này, được sự hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn TH đã rất quyết tâm triển khai dự án ngay từ ngày đầu. Thông qua Công ty CP Đông Bắc, lượng tiền chi trả cho đền bù GPMB và cả tiền công, tiền lương, tiền bồ dưỡng cho đội ngũ cán bộ tham gia GPMB dự án này không phải là ít và đã được chi trả gần hết. Thế nhưng, cho đến nay, gần 4 năm trôi qua, một diện tích đất rừng không hề nhỏ nêu trên vẫn chưa được tiếp nhận. Thiệt hại này, ai là người phải chịu trách nhiệm?

Đã có nhiều cuộc họp do lãnh đạo huyện và cả lãnh đạo tỉnh chủ trì, để bàn cách tháo gỡ, nhưng đến nay vấn đề này vẫn rơi vào bế tắc. Nhà đầu tư nào còn dám kiên trì chờ đợi, dám tìm đến Yên Thành khi những vướng mắc vô lý nêu trên không được giải quyết dứt điểm?