Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chữ ký mạo danh xuất hiện trong hồ sơ tín dụng ở Việt Á Bank

Khách gửi 20 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB), đến khi đi rút tiền thì sổ tiết kiệm bị phong toả do có “khách hàng” nào đó đã ký giấy vay tiền, trong khi chủ sổ tiết kiệm không hề ký. Kết quả giám định của cơ quan công an cho thấy, chữ ký không phải của chủ sổ.

Trong bài trước, Baonhandao.vn đã nêu trường hợp vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn bị “kẹt” khoản tiền gửi tiết kiệm hơn 50 tỷ đồng tại PVcombank, trong khi ông Toàn không có lỗi trong việc Pvcombank giải ngân “cho vay tiền thế chấp sổ tiết kiệm” bằng hồ sơ có chữ ký không phải là của chủ sổ.

Điều trùng hợp đến kỳ lạ là không chỉ “mắc” với PVcombank, ông Đặng Nghĩa Toàn tiếp tục gặp rắc rối tương tự với Việt Á bank (VAB).

Theo phản ánh của ông Đặng Nghĩa Toàn, vào ngày 5/7/2018, ông Toàn gửi sổ tiết kiệm với số tiền là 20 tỉ đồng tại Phòng giao dịch Đông Đô (VAB) và được cấp 1 sổ tiết kiệm số 1962471 mang tên Đặng Nghĩa Toàn.

Đến ngày 12/12/2018, khi ông Toàn đến trụ sở VAB địa chỉ 34A-34B Hàn Thuyên (Hà Nội) để yêu cầu rút tiền từ sổ tiết kiệm thì được ông Trần Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc VAB thông báo sổ của ông đã bị phong toả do đã ký kết hợp đồng vay vốn vào ngày 5/11/2018 và sử dụng sổ tiết kiệm để cấm cố theo hợp đồng vay vốn, Ngân hàng đã tất toán sổ tiết kiệm của ông vào ngày 5/12/2018.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đặng NghĩaToàn khẳng định, ông không hề ký bất cứ hợp đồng vay vốn nào hay cầm cố sổ của mình cho VAB. Ông cũng cho biết, ngay lập tức ông đã yêu cầu phía VAB giám định chữ ký của mình để đối chứng.

“Đối với một ngân hàng như VAB, khi tôi mở tài khoản tại đây, dùng số điện thoại của mình để thông báo biến động giao dịch qua SMS, thế mà khi tôi cầm cố lại không thấy bất cứ thông báo biến động nào của hệ thống này”, ông Toàn cho biết thêm.

Sau khi cùng thống nhất sẽ giám định chữ ký, VAB và ông Toàn đã lập Biên bản làm việc ngày 12/12/2018 tại trụ sở của VAB địa chỉ 34A-34B Hàn Thuyên, Hà Nội. Theo biên bản làm việc, ông Toàn cam kết chưa từng ký bất cứ giấy tờ nào vay tiền tại VAB, ông Toàn yêu cầu phía VAB xác minh, giám định chữ ký của ông. Nếu đúng là chữ do mình ký, ông Toàn cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Còn nếu đó không phải chữ ký của mình thì ông Toàn yêu cầu rất đơn giản là VAB mở lại sổ tiết kiệm để ông rút tiền ra.

Phía VAB cho biết, tại VAB có hồ sơ, có chữ ký của “ôngToàn” vay tiền cầm cố sổ tiết kiệm của chính ông Đặng Nghĩa Toàn nhưng chưa rõ chữ ký này là thật hay giả nên phía Ngân hàng đã đề nghị Cơ quan An ninh điều tra xác minh, điều tra, giám định chữ ký của ông Toàn là thật hay giả. Tại Biên bản, VAB cũng cam kết trong vòng 15 ngày, nếu xác minh được hồ sơ vay tiền của ông Toàn không phải chữ ký của ông thì phía VAB sẽ thực hiện theo pháp luật để giải toả và trả lại số tiền tiết kiệm cho ông Toàn. Biên bản này do ông Trần Tiến Dũng - Phó Tổng giám đốc VAB ký tên đóng dấu.

Tại Thông báo Kết luận giám định số 03 ngày 27/12/2018, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội đã xác định chữ ký trong hồ sơ vay tiền không phải là chữ ký, chữ viết của ông Đặng Nghĩa Toàn.

 VAB đang khiến khách hàng bất an vì có trường hợp chữ ký mạo danh xuất hiện trong hồ sơ tín dụng.

Sau khi đã có Kết luận giám định từ cơ quan chức năng, tại biên bản làm việc ngày 28/1/2019, ông Toàn tiếp tục làm việc với ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Pháp chế VAB (theo Giấy uỷ quyền của Tổng giám đốc VAB). Buổi làm việc này, mục đích của khách hàng là chỉ lấy lại được tiền gửi của mình theo cam kết trước đó vào ngày 12/12/2018 bởi đã có kết quả giám định rõ ràng của Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT). Thế nhưng phía VAB đã thể hiện thái độ rất bất ngờ.

Tại biên bản ngày 28/1/2019 lập tại Ngân hàng, phía VAB cho biết, đã nhận được Thông báo kết quả giám định của Cơ quan ANĐT. Tuy nhiên, VAB chưa nhận được “Quyết định” của Cơ quan ANĐT theo nội dung Biên bản làm việc ngày 12/12/2018 trước đó.

Xin dẫn lại nội dung Bản cam kết trước đó của VAB. Biên bản ngày 12/12/2018 có nội dung như sau: “VAB cam kết trong vòng 15 ngày kể từ ngày hôm nay, nếu Cơ quan ANĐT kết luận hồ sơ vay tiền của ông Toàn không phải chữ ký của ông Toàn thì VAB thực hiện theo pháp luật để giải toả và trả lại số tiền tiết kiệm cho ông Toàn theo quyết định của Cơ quan ANĐT và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ông Toàn, rút tiền theo sổ tiết kiệm nêu trên”.

Trao đổi với phóng viên, ông Toàn băn khoăn không hiểu rằng VAB căn cứ vào quy định pháp luật nào để cho rằng, việc khách hàng rút tiền của mình gửi tại đây phải do và chờ Cơ quan ANĐT ra “quyết định”? Và nếu Cơ quan ANĐT không ra “quyết định” nào đó theo ý của ngân hàng thì phải chăng phía VAB cứ “treo” mãi tiền của khách gửi.

Đáng nói, tại một Thông cáo báo chí liên quan, phía VAB cũng xác nhận có khách hàng Đặng Nghĩa Toàn đến gửi tiền tại VAB có sổ tiết kiệm đồng sở hữu với Nguyễn Thị Hà Thành, có sổ tiết kiệm đứng tên một mình. VAB cho biết sổ tiết kiệm đã được cầm cố để vay số tiền tương đương 97% giá trị sổ tiết kiệm. Đến hạn, sổ tiết kiệm đã được tất toán, số dư còn lại đã được chuyển thẳng vào 2 tài khoản của Đặng Nghĩa Toàn. Ngay hôm sau, Toàn đã rút toàn bộ số tiền này ra khỏi 2 tài khoản của mình. VAB cho biết có đầy đủ hình ảnh “ông Toàn” ký chứng từ giao dịch và nhận tiền (vào ngày 6/12/2018).

Những giải thích trên là của phía Ngân hàng, nhưng sự thật là kết luận giám định của Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội, cho biết chữ ký trong hồ sơ vay tiền không giống chữ ký của ông ĐặngNghĩa Toàn.

Ông Toàn cũng cho biết, bản thân mình đã rất nhiều lần yêu cầu phía VAB trích xuất hình ảnh camera để làm rõ quá trình giao dịch của mình tại đây nhưng đều bị từ chối cung cấp.

Như vậy, quyền lợi của khách hàng Đặng Nghĩa Toàn đang bị VAB “treo” một cách thiếu cơ sở.

Lẽ nào, kết quả giám định của Cơ quan An ninh điều tra vẫn không đủ sức thuyết phục để VAB trả lại tiền gửi cho khách hàng? Hay có nguyên nhân sâu xa, bí ẩn nào khác khiến phía Ngân hàng muốn “om tiền” của khách?