Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vào viện chăm em trai bệnh, cô gái bắt gặp những dòng chữ viết vội trên hành lang khiến ai nấy phải rơi nước mắt

''Con ơi, cố lên. Bố mẹ yêu con nhiều lắm...'' - đây là một trong những dòng bố mẹ đã viết vội trên hành lang bệnh viện trong lúc chờ chăm con nằm viện gây xúc động cho người xem.

Cảm giác ngồi bệnh viện chờ người thân đang cấp cứu hoặc khám chữa bệnh là một cảm giác rất khó chịu. Những lúc ấy, thời gian trôi đi sao mà chậm, trong lòng thì cứ như lửa đốt. Chẳng ai có thể suy nghĩ được gì khác trong lúc đó, ngoại trừ nỗi lo lắng.

Một cư dân mạng có tên Dao Nhi mới đây đã chia sẻ câu chuyện của mình khi lên bệnh viện chờ em trai mổ. Mặc dù lần này, em trai của Dao Nhi có ca mổ đơn giản hơn lần mổ trước, thì cô và gia đình vẫn chẳng yên tâm được, cứ kéo hết cả nhà lên viện ngồi chờ. Trong lúc chờ ca mổ của em trai, cô đã chứng kiến nhiều trường hợp khác rất xúc động và thương tâm.

”Em mình được xếp cùng những bệnh nhân khoa tim mạch, ở khoa này có từ trẻ sơ sinh vài ngày tới ông cụ 70. Em mình ra nhập viện ngoại trú 2 hôm thì hôm nay được mổ rồi, vài hôm nữa chắc là về nhà. Nhưng có những người đã ở đây cả tháng. Cái phòng chờ mổ của em trai thì mọi người đều vui vẻ nhưng ai cũng đều có những câu chuyện buồn vì bệnh.

Có thằng bé thì nhà còn mỗi mẹ, dám tự ý đi viện để mổ giấu mẹ nhưng tới lúc kí mổ, không làm khác được phải gọi mẹ xuống Hà Nội. Mẹ nó choáng váng.

Có anh tâm sự ngày kiếm tiền triệu. Lúc biết bị bệnh đóng cửa khóc 3 ngày, khóc không phải vì sợ bệnh mà vì nghĩ đã không kiếm được tiền còn mất thêm tiền của gia đình…”

Và cái quá trình chờ mổ - mổ - chờ hậu phẫu là một chu kỳ đợi, đợi và đợi, trong cái tiết trời nóng nực của mùa hè. Và ngay tại khu vực mà cô ngồi đợi em trai - một góc hành lang khuất - cô đã thấy những dòng chữ rất ”đặc biệt” trên tường. Đó là những dòng tâm sự nguệch ngoạc của đấng sinh thành khi con cái mình phải trải qua những cơn thập tử nhất sinh vì căn bệnh tim.

 ”Minh Thành cố lên nhé! Để về đón Tết, gia đình đoàn tụ” - dòng nhắn nhủ được viết vào đầu năm 2017.

 ”Song Ngọc - con gái yêu à. Con mau khoẻ để về với em con nhé. Về nhà rồi bố sẽ dẫn 2 đứa đi mua đồ chơi nhé. Bố mẹ yêu hai con rất nhiều”

 ”Vậy là 4 lần mẹ phải ở đây để chờ con rồi Linh Chi ơi”.

 ”Vậy là 4 lần mẹ phải ở đây để chờ con rồi Linh Chi ơi”.

 ”Con ơi, cố lên. Bố mẹ yêu con nhiều lắm…”

Vẫn biết vẽ bậy, viết bậy lên tường là không nên, nhưng những nét chữ này sao khiến người ta phải cay mắt. Chắc hẳn lúc này, bố mẹ đã trống rỗng rồi, không còn nghỉ được gì khác ngoài lời cầu nguyện dành cho con. Vì vậy, hành động này rất đáng được cảm thông. Bởi ”đâu phải ai cũng may mắn đẻ được một đứa con khoẻ mạnh”.

Bài viết đã nhanh chóng nhận được sự chú ý của cư dân mạng. Bên dưới bài viết, rất nhiều người đã kể câu chuyện đi thăm nuôi bệnh của họ, vì vậy, họ rất thông cảm vơí cảm giác của Dao Nhi lẫn những ông bố, bà mẹ… đã viết lên tường như thế.

Phượng Tôm: ”Buồn thật. Đọc mà nhớ lại ngày tháng lúc bố nằm viện. Lúc chờ bố mổ lần 1 rồi lần 2. Lần đầu tiên cảm giác thâht bình thường như là chờ 1 người đang mổ để vá cái dạ dày bị thủng theo chẩn đoán của bác sĩ, cho đến khi bố mổ xong và bác sĩ gọi người nhà vào nói chuyện riêng, bảo gia đình nên chuẩn bị tâm lí vì bố bị vỡ toàn bộ trực tràng, phân tràn ra ổ bụng gây sốc nhiễm khuẩn nặng. Cả nhà 3 mẹ con sốc nặng, nhìn bố nằm trên giường nước mắt cứ chảy dài, thương bố quá, xót lòng quá, đau đớn vì cái câu chuẩn bị tâm lí quá, nhưng vẫn vì cái câu còn có 20.30 phần trăm hi vọng của bác sĩ mà cố gắng.

Rồi bố cũng gắng gượng 1 tuần ở phòng chăm sóc đặc biệt, nằm 1 chỗ lúc mơ lúc tỉnh ống thở cứa vào môi chảy máu, co giật, môi cứ mấp máy vì muốn nói 1 điều gì đó với vợ với con, có lúc tỉnh là cứ nằm nhìn vợ, nhìn con suốt như thế chẳng nhắm mắt, chẳng ngủ, xót ruột xót gan vô cùng.

Rồi bố mổ lần thứ 2. Vẫn cứ hi vọng, nhưng tâm trạng chờ mổ nặng nề hơn lần đầu rất nhiều. Cho đến khi bác sĩ ra khỏi phòng mổ và gọi người nhà đến chỉ để nhìn cái túi bóng mà trong đấy phải chứa 1 nửa bộ ruột của bố, lúc này thật sự trong lòng gần như là hết hi vọng, khóc và nghĩ đến chuyện hậu sự của bố, cắt đi cả túi ruột như thế bố sẽ sống như thế nào được đây. Sau đó là họ hàng người thân giục đưa bố về, cái cảm giác nhìn bố nằm đấy đau đớn hàng ngày khắp người đều là vết thương, đau lắm, xót lòng lắm, thương lắm nhưng nghĩ đến đưa bố về là coi như bố chết thật. Để bố nằm đấy còn được nhìn thấy bố, còn được chăm sóc bố, còn được gọi bố và có bố.

Ngày thứ 14, sức khỏe bố yếu hẳn, thở gấp bác sĩ cuối cùng thì cũng nói bố e không được rồi đưa ông về thôi. Cái khoảnh khắc nhìn thấy giọt nước mắt trào ra khỏi khóe mắt bố, rồi ông tím dần, cứ vậy là đi, cái khoảnh khắc cả đời tôi không bao giờ quên được. Mất mát đau thương rồi cũng qua, nhưng chứng kiến người thân yêu đau đớn chẳng dễ chịu và sung sướng gì”

Minh Hoàng: ”Lần đầu tiên thấy người ta viết bậy mà lại không thấy giận, chỉ thấy thương… Đây là cách để họ nói lên nỗi lòng không thể nói cùng ai thôi. Đừng trách… Bởi mình cũng rất hiểu cảm giác này suốt 8 tháng chăm mẹ bệnh trong viện. Mình nhớ từng góc bệnh viện, từng giờ lây thuốc, ăn cơm, truyền nước… Tất cả đã là quá khứ, nhưng nghĩ lại vẫn rùng mình…”