Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chưa đồng thuận di dời khỏi chợ cũ dành đất cho dự án, tiểu thương chợ thị trấn Tân Kỳ “cầu cứu”

Trước những thông báo từ UBND thị trấn Tân Kỳ về việc sẽ kiên quyết dẹp bỏ chợ cũ, do thấy chưa thỏa đáng với giá cả, “ưu đãi” đưa ra từ nhà đầu tư chợ mới, cũng như việc gần 30 bám chợ nay “trắng tay” nên nhiều tiểu thương không chấp nhận.

“Trắng tay” sau hàng chục năm bám chợ!

Ở bài viết trước, Vì sao hàng chục tiểu thương tại chợ thị trấn Tân Kỳ không chịu dời chợ cũ vào chợ mới? có nội dung hàng chục tiểu thương chợ thị trấn Tân Kỳ (Tân Kỳ, Nghệ An) lo lắng, bất an vì kinh doanh bị đình trệ, cuộc sống bị đảo lộn trước thông tin tháng 6/2019, chính quyền sẽ thực hiện việc kiên quyết giải tỏa, yêu cầu dừng ngay việc tổ chức buôn bán tại khu chợ cũ của thị trấn đã tồn tại trên dưới 30 năm qua.

Nói về lịch sử chợ cũ thị trấn Tân Kỳ (Tân Kỳ, Nghệ An), ông Nguyễn Hữu Hùng (Sn 1952) – Trưởng ban quản lý chợ Tân Kỳ cho biết: “Đã hơn 20 năm trực tiếp quản lý, làm trưởng ban chợ này, tôi quá hiểu người dân quê tôi. Dù khó khăn nhưng vẫn bám chợ, cố gắng chèo chống, tự bỏ tiền gây dựng mỗi gian hàng, góc bán nên tới hôm nay cái chợ này mới đứng vững được, còn không chắc mỗi người mỗi gánh hàng rong khắp các con đường. Bao lần lụt lội, nước ngập hỏng hàng hóa, gió tốc mái lợp..lại làm lại, lại ổn định nhanh việc mua bán. Nhà nước thì không có ngân sách đầu tư, nên dân cứ thế tự thân vận động, gây dựng chợ vững chãi từng ngày.

 Ông Hùng - Trưởng BQL chợ thị trấn Tân Kỳ cho rằng giải tỏa chợ thì Nhà nước cần xem xét, chính sách, giúp đỡ bà con tiểu thương, chứ không thể để bà con trắng tay

Điều đáng nói, hiện nay chợ cũ đang đứng trước nguy cơ bị giải tỏa để nhường đất cho dự án. Dân cũng mừng khi có chợ mới khang trang, nhưng mừng chưa hả dạ thì đã đối diện với lo âu, giá bán từng gian hàng ở chợ mới cao. Trong khi đó, bao nhiều năm bám trụ, phát triển chợ cũ, nay nhà nước thu hồi coi như trắng tay vì không có một chính sách, hỗ trợ nào”.

Ông Hùng cho biết: "Từ những năm đầu, mỗi năm ít nhiều cũng nộp về ngân sách thị trấn 15 triệu, rồi đến những năm 2015 đến 2017, Ban quản lý chợ đã nộp về ngân sách với con số lên tới 280 triệu/năm. Đến năm 2018, do có chủ trương mới nên lại giảm xuống 150 triệu/năm…Toàn bộ khu chợ có chưa đầy 100 người hoạt động buôn bán, có ki ốt, điểm bán nhưng họ luôn thực hiện tốt nghĩa vụ, thuế đối với nhà nước, chấp hành tốt vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm…".

 Tiểu thương chợ cũ Tân Kỳ vẫn chưa đồng thuận di chuyển sang chợ mới để kinh doanh

Theo thông báo từ UBND thị trấn Tân Kỳ, sau ngày 10/6, UBND huyện, phối hợp với thị trấn sẽ rào cổng chợ, kiên quyết yêu cầu người dân chợ cũ phải di dời để nhường đất cho dự án mới của huyện. Nói về việc giải phóng để nhường mặt bằng cho dự án Khu trung tâm tổ chức sự kiện, khách sạn và dịch vụ thương mại Tân Kỳ, nhà đầu tư là Hợp tác xã Hải An do ông Dương Văn Chiến là người đại diện pháp luật. Hợp tác xã Hải An cũng chính là chủ đầu tư khu chợ mới Tân Kỳ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, kiêm trưởng ban vận động, giải tỏa chợ cũ dành đất cho dự án mới là ông Nguyễn Văn Hoa cho rằng: “Nhà nước không có ngân sách để hỗ trợ các tiểu thương, chỉ có chủ đầu tư chợ mới là Hợp tác xã Hải An đã có một số chính sách như hỗ trợ di dời 1,5 triệu, hỗ trợ công trình xây dựng tại chợ cũ từ 4 đến 5 triệu/hộ/công trình xây dựng…Hiện nay thì việc triển khai vận động tiểu thương qua chợ mới vẫn đang được huyện, thị trấn tổ chức thực hiện. Không có đền bù, hỗ trợ cho tiểu thương vì một phần trước đây khi xây dựng các ki ốt kiên cố là do dân tự làm và có giấy cam kết với thị trấn là không yêu cầu Nhà nước hỗ trợ, tự tháo dỡ khi Nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng…”.

UBND tỉnh Nghệ An cần xem xét để “thấu tình, đạt lý”!

Nói về giấy cam kết mà Phó chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ trao đổi khi cho rằng không có sự đền bù vì đã cam kết, ông Nguyễn Hữu Hùng – Trưởng BQL chợ cũ thị trấn khẳng định: “Tôi là Trưởng BQL chợ tôi rõ nhất, những cam kết đó không có giá trị pháp lý, bởi làm khống, cần thiết yêu cầu giám định chữ ký của tiểu thương trong mỗi giấy cam kết đó.

Sự thật là trước đây khi con ông Chính - Bí thư thị trấn Tân Kỳ tự ý xây dựng, mở mang ki ốt trong chợ tôi có nhắc nhở, nhưng cả ông Chính và ông Thủy - Chủ tịch UBND thị trấn Tân Kỳ đều nói với tôi là đồng ý cho xây dựng chứ làm gì có chuyện họp, tổ chức xây dựng, cam kết thực tế nào. Việc này, tôi cho rằng UBND huyện, thị trấn cần cẩn trọng, vì tiểu thương, hãy giúp đỡ họ, chứ trắng tay vì ba cái giấy khống là không chấp nhận được. Tôi sẵn sàng đối chứng, giúp bà con tiểu thương”.

 Văn bản chấp thuận điều chỉnh thiết kế xây dựng biến tầng hầm để xe thành nơi họp chợ của Sở xây dựng tỉnh Nghệ An phải chăng đang "ưu ái" cho nhà đầu tư?

Lý do các tiểu thương chưa đồng thuận với huyện, thị trấn về việc di dời khỏi chợ cũ vì chưa có tiếng nói chung với nhà đầu tư chợ mới về giá cả, điểm kinh doanh, tiểu thương cho rằng, nhà đầu tư đang “nói một đường làm một nẻo". Ngay từ đầu nghe về dự án họ sẵn sàng bỏ tiền cọc mua điểm kinh doanh, nhưng thực tế khi nhận điểm, chủ đầu tư lại thông báo họp chợ ở tầng hầm của khu chợ. Trong khi giá bán của chủ đầu tư đưa ra cao nên các tiểu thương yêu cầu trả tiền cọc và làm đơn thư khiếu nại lên UBND tỉnh Nghệ An.

UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Tân Kỳ trả lời rõ cho công dân. Nhưng xem ra giữa huyện và tiểu thương vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Khi mà hiện tại tiểu thương vẫn không di dời chợ cũ, tiếp tục đơn thư gửi các cơ quan chức năng mong được xem xét.

Về dự án chợ mới do Hợp tác xã Hải An đầu tư, thực tế đây là dự án của một nhà đầu tư ngoài tỉnh, trực tiếp là ông Lê Quang Liêm (Sn 1990) – Chủ tịch HĐQT là người đại diện pháp luật. Giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã do huyện Tân Kỳ cấp ngày 8/12/2016, thay đổi lần 1 vào ngày 4/7/2017. Bản chất, hợp tác xã này nằm trong hệ thống Hợp tác xã đầu tư xây dựng quản lý và khai thác chợ Hải An do ông Dương Văn Chiến - Chủ tịch HĐQT là người đại diện pháp luật. Giấy chứng nhận đăng ký HTX do phòng Tài chính – Kế hoạch TP Bắc Giang cấp.

 Tầng hầm biến thành chợ, và mỗi dằm ngồi được xây vuông viên như này (dấu đỏ) lên tới trên cả trăm triệu đồng khiến người dân bất bình.

Hợp tác xã Hải An được xem là “vua chợ”, ở mỗi dự án, hoạt động dưới hình thức hợp tác xã, Hải An hiện có 4 dự án, trong đó có ba dự án chợ: Tân Kỳ, Hoàng Mai, Đô Lương và dự án Khu trung tâm thương mại tại thị trấn Tân Kỳ. Hiện nay chỉ mới dự án chợ mới Tân Kỳ đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1.

Về dự án chợ mới Tân Kỳ, ngày 28/1/2019 chủ đầu tư này đã có Tờ trình số 82/CV-HTX về việc xin điều chỉnh thiết kế, với 3 nội dung. Trong đó đáng chú ý nhất là nội dung điều chỉnh mặt bằng công năng sử dụng tầng hầm. Cụ thể, chuyển diện tích 2 kho hàng trong tổng số 3 kho từ trục L đến trụ D có diện tích 280m² và 1946m² là diện tích bãi đỗ xe thành khu bán hàng với tổng diện tích 2226m². Với lý do điều chỉnh là để phù hợp với phân kỳ đầu tư và nhu cầu sử dụng của chủ đầu tư.

Về việc thay đổi thiết kế, công năng sử dụng đối với tầng hầm để xe thành điểm kinh doanh này của HTX Hải An, ngày 5/3/2019 Sở xây dựng tỉnh Nghệ An đã có văn bản chấp thuận số 65.SXD-HĐXD. Trong kết luận, văn bản này cũng nêu rõ: Hồ sơ điều chỉnh bản vẽ thi công công trình, thuộc dự án đầu tư, xây dựng, sở hữu, kinh doanh chợ Tân Kỳ đã thi công xong mới trình Sở mới chấp thuận điều chỉnh thiết kế là vi phạm Quy định về quản lý, đầu tư xây dựng hiện hành.

Điều lạ là việc chấp thuận của Sở này lại có nội dung: Xét thấy thi công cơ bản phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, tiêu chuẩn xây dựng, và quy chuẩn hiện hành, không làm thay đổi lớn về thiết kế cơ sở đã được thẩm định nên sở chấp thuận điều chỉnh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.