Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhờ dư luận mà lãnh đạo Sơn La không phạm sai lầm

Những diễn biến trên cho thấy, Sơn La cũng đã có có thái độ cầu thị và quyết tâm xử lý vụ việc tiêu cực nghiêm trọng này. Còn hai tỉnh khác thì sao?

Trong khi dư luận cả nước về tiêu cực vụ sửa điểm trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và nhất là Sơn La đang nóng hầm hập, lan tới cả nghị trường Quốc hội thì lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La lại như đổ thêm dầu vào lửa với hai sự việc.

Thứ nhất, khi phóng viên muốn biết các tình tiết vụ sửa điểm ở Sơn La để thông tin tới cử tri và độc giả cả nước thì bà Tráng Thị Xuân - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, người chịu trách nhiệm về mọi mặt của tỉnh này, trong đó có giáo dục, chỉ trả lời phóng viên với các từ và các cụm từ: “không biết”, “chưa rõ”, “không thuộc phần phụ trách của tôi”, “tôi không trả lời đâu” và cuối cùng bà chốt một câu: “Nếu muốn cung cấp thông tin thì báo chí lên Sơn La.” [1].

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Sơn La tiếp tục phân công ông Phạm Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này tiếp tục đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019 của tỉnh này.

Chính ông Phạm Xuân Thủy là Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 của Sơn La, để xảy ra sai phạm bằng vụ sửa điểm trắng trợn. Sai phạm này cùng với các vụ sửa điểm ở Hòa Bình và Hà Giang đã để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho ngành giáo dục.

Kết thúc điều tra giai đoạn 1, cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố 8 bị can, gồm 6 bị can là cán bộ, viên chức của Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, trong đó có Phó Giám đốc Sở; 2 bị can còn lại là cán bộ Công an.

 Ông Phạm Xuân Thủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì buổi họp báo hồi tháng 7/2018 thông báo kết quả chấm thẩm định các bài thi THPT quốc gia. Ảnh: Đoàn Bổng

Không chỉ vậy, theo kết quả điều tra giai đoạn 1 của cơ quan điều tra, Giám đốc Sở GD&ĐT Hoàng Tiến Đức cùng hàng loạt quan chức các cấp của tỉnh Sơn La đều có liên quan đến vụ sửa điểm. Theo lời khai các các bị can, có hiện tượng dùng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng tiền tác động để nâng điểm cho các thí sinh.

Với cương vị là Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 của tỉnh Sơn La, ông Phạm Xuân Thủy là người chịu trách nhiệm lớn nhất về vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.

Với sai phạm để lại hậu quả nghiêm trọng như vậy, nếu là người có chút liêm sỉ thì ông Phạm Xuân Thủy đã xin từ chức.

Trong trường hợp này, khi ông Giám đốc sở không từ chức thì cũng phải cách chức hoặc ít nhất cũng phải đình chỉ công tác để làm rõ sai phạm của ông ta.

Nhưng rất bất thường, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Sơn La chưa hề có động thái gì trong việc xem xét trách nhiệm, sai phạm của ông Phạm Xuân Thủy.

Không những vậy, UBND tỉnh Sơn La vẫn phân công ông Phạm Xuân Thủy, tiếp tục đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019 của tỉnh Sơn La. Việc làm này chẳng khác gì trêu ngươi công luận.

Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Phóng viên Báo Tuổi trẻ nêu vấn đề khi vụ tiêu cực đang được làm rõ thì việc Sơn La tiếp tục phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thủy tái làm Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia 2019 liệu có hợp lý không?

Ông Quàng Văn Hương - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La trả lời: “Tôi nghĩ khi bố trí anh Thủy làm Trưởng Ban tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2019 thì tỉnh cũng đã có sự xem xét, cân nhắc. Phải căn cứ vào quy định, quá trình công tác để đánh giá đảm bảo quy định, đảm bảo tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, vừa yên được dư luận, vừa đảm bảo an toàn thi cử”. [2]

Với tư duy và nội dung trả lời như vậy của ông Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, thật khó để bình luận gì thêm.

Cũng về vấn đề phân công ông Phạm Xuân Thủy làm Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia 2019, ông Nguyễn Đắc Quỳnh - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La trả lời phóng viên VietNamNet: “Ngay chiều 30/5, chúng tôi đã thay Trưởng Ban chỉ đạo rồi. Chúng tôi tiếp thu ý kiến dư luận. Ông Thủy là Phó chủ tịch phụ trách Văn xã, cũng quen việc rồi, khi có dư luận thì chúng tôi đã cử đồng chí Lê Hồng Minh - Phó chủ tịch tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo”. [3]

Như vậy nhờ có báo chí và dư luận mà lãnh đạo Sơn La đã không phạm sai lầm khi phân công ông Phạm Xuân Thủy tiếp tục làm Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia 2019 của tỉnh này năm.

Để xảy ra vụ trọng án sửa điểm trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 ở Sơn La là rất bất thường, nhưng với nhận thức và cách hành xử như bà Quyền - Chủ tịch tỉnh Tráng Thị Xuân và ông Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La - Quàng Văn Hương và một số vị lãnh đạo của tỉnh này, nếu ngẫm cho kỹ thì cũng là điều tất nhiên.

Những diễn biến trên cho thấy, Sơn La cũng đã có có thái độ cầu thị và quyết tâm xử lý vụ việc tiêu cực nghiêm trọng này. Còn hai tỉnh khác thì sao?

 QH chất vấn 4 Bộ trưởng và 1 Phó Thủ tướng: Bộ trưởng Tô Lâm nhận nhiều đề nghị nhất