Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chấm điểm tham nhũng toàn quốc: Nhiều tỉnh đạt điểm 0

Rất nhiều tỉnh/TP đạt điểm 0 trong mục phát hiện hành vi tham nhũng qua kiểm tra nội bộ, công tác giám sát hoặc giải quyết tố cáo.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới đây đã có báo cáo đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh (PACA) năm 2017.

PACA 2017 được xây dựng với 4 phần chính: quản lý nhà nước về công tác PCTN (20 điểm); kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa (30 điểm); kết quả phát hiện các hành vi tham nhũng (25 điểm) và kết quả xử lý các hành vi tham nhũng (25 điểm). Tổng thang điểm là 100.

 Rất nhiều tỉnh/TP đạt điểm 0 trong mục phát hiện hành vi tham nhũng qua kiểm tra nội bộ, công tác giám sát hoặc giải quyết tố cáo. Ảnh minh họa: Internet

Việc đánh giá PACA 2017 được thực hiện theo hai bước: UBND cấp tỉnh thiết lập hồ sơ tự đánh giá và xây dựng báo cáo tự đánh giá, hoàn thiện bảng tự chấm điểm; sau đó TTCP sẽ rà soát, thẩm tra lại điểm tự chấm của địa phương, tổng hợp, xây dựng báo cáo đánh giá chung toàn quốc.

Phòng chống tham nhũng chưa đạt

Theo báo cáo, điểm trung bình toàn quốc là 61.28/100 điểm, điều này cho thấy công tác PCTN ở cấp tỉnh hiện nay chỉ đạt được 61.28% yêu cầu, chưa đáp ứng được mục tiêu về PCTN mà Đảng, Chính phủ đã đề ra.

Đáng chú ý, kết quả rà soát thẩm tra đánh giá cuối cùng (do TTCP thực hiện) và kết quả tự chấm điểm của nhiều UBND tỉnh/TP có sự chênh lệch giảm về điểm, trong đó chênh lệch lớn nhất lên tới 33 điểm.

Khi phân tích số điểm giữa các tỉnh/TP, TTCP đánh giá mức độ đạt được về công tác PCTN giữa các địa phương không đồng đều và có khoảng cách khá xa. Tỉnh đạt điểm cao nhất là 77.96 (An Giang), tỉnh đạt điểm thấp nhất là 37.10 (Bắc Kạn).

“Cần phải có sự quan tâm thực sự tới công tác PCTN ở cấp tỉnh đồng thời cần phân loại và có chương trình hỗ trợ đối với các tỉnh đạt điểm thấp từ Trung ương” – TTCP nhận định.

 

Ngoài ra, theo đánh giá của Báo cáo đánh giá về chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh PAPI 2017 cho thấy, nội dung công khai minh bạch được xem là những nội dung yếu nhất của các đơn vị quản lý nhà nước ở địa phương trên toàn quốc, không có nhiều thay đổi ở cấp địa phương từ năm 2011 đến nay.

“70% doanh nghiệp được hỏi cho biết cần phải có “mối quan hệ” để có tài liệu của UBND cấp tỉnh và xu hướng khó tiếp cận tài liệu quy hoạch của UBND cấp tỉnh tăng lên so với các năm trước” – báo cáo của TTCP dẫn chứng.

Nhiều tỉnh đạt điểm 0 về phát hiện tham nhũng

TTCP còn cho rằng việc minh bạch tài sản, thu nhập là thiết chế quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Năm 2017, có hơn 1,1 triệu người thực hiện kê khai tài sản, số bản công khai theo quy định chiếm 99.8%. Trong số này, 78 người được xác minh về minh bạch tài sản và phát hiện, xử lý 5 trường hợp vi phạm.

Cũng trong năm 2017, có tới 50/63 UBND cấp tỉnh không thực hiện việc xác minh kê khai tài sản thu nhập.

Về tiêu chí phát hiện các hành vi tham nhũng, trung bình các tỉnh mới chỉ đạt 40,58% so với yêu cầu (tương ứng 10,14/25 điểm). Kết quả này thấp hơn kết quả thực hiện ở cùng nội dung so với PACA 2016.

“Điều này cho thấy các địa phương đã đánh giá thực chất hơn công tác phát hiện các hành vi tham nhũng, tuy nhiên cũng đặt ra yêu cầu cho các địa phương về việc tăng cường phát hiện các hành vi tham nhũng trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tệ nạn tham nhũng” –báo cáo cho hay.

Một con số đáng lưu tâm khác là việc phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra nội bộ và công tác giám sát ở các tỉnh còn đạt thấp (tương đương 1,8/6 và 0,43/5 điểm).

Cụ thể, tại nội dung phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra nội bộ, có tới 37 địa phương đạt điểm 0. Có tới 53/63 tỉnh/TP không đạt điểm nào ở mục phát hiện tham nhũng qua công tác giám sát. Tại nội dung phát hiện tham nhũng qua công tác giải quyết tố cáo tham nhũng, có tới 25/63 địa phương không đạt điểm nào.

“Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích tăng cường tự kiểm tra nội bộ nhằm phát hiện sớm các hành vi tham nhũng, góp phần ngăn chặn và hạn chế hậu quả của các hành vi tham nhũng nội bộ thì kết quả trên là chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra” – TTCP nêu.

TP.HCM thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp

Cũng theo báo cáo, trên cả nước có Đăk Nông và Hà Tĩnh là thu hồi được 100% số tài sản, đất đai tham nhũng thông qua các biện pháp hành chính, hình sự. Các địa phương khác như Hà Nội, Vĩnh Long, Gia Lai cũng thực hiện rất tốt trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong năm 2017 (đạt trên 65% so với yêu cầu chung).

Tuy nhiên, riêng tại TP.HCM, số liệu thống kê cho thấy số tiền cần thu hồi từ các vụ án xử lý tham nhũng trong năm 2017 của TP chỉ có 42 tỉ đồng, điều này bị đánh giá là không tương xứng với thiệt hại, trong khi chỉ thu hồi được 1,7 tỉ đồng (4%) là rất thấp.

TTCP nhận định việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện còn gặp khó khăn. Kết quả phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như: giám định viên tư pháp ở địa phương đã tham gia đoàn thanh tra chuyên ngành cùng vụ việc nên giám định chưa khách quan, thời hạn giám định kéo dài, kết luận giám định còn chung chung không đúng yêu cầu của công tác giám định tư pháp...