Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cụ ông gần 80 tuổi vẫn lượm ve chai nuôi vợ liệt giường

Ông Út năm nay đã 78 tuổi, cơ thể gầy guộc chỉ còn da bọc xương. Thế nhưng hàng ngày, ông vẫn lầm lũi đi bộ nhiều kilomet dọc bờ biển lượm ve chai nuôi vợ ốm liệt giường.

Trên con đường từ cánh rừng phòng hộ đi ra, nhiều người đã quen với hình ảnh ông Nguyễn Văn Út (ấp Khánh Hưng A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) với dáng người gầy gò, ốm yếu, mặt cúi gằm, trên vai vác bao "ve chai" đựng đủ thứ phế liệu. Những bọc nilon, mảnh nhựa, cọng dây,... mà ông băng rừng, vượt sình lầy nhặt về là "nguồn sống" giúp ông nuôi người vợ bệnh, vun đắp ước mơ đi học của đứa chắt.

Cũng như một vài chuyến đi khác, chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian thăm hỏi mới tìm về được nơi những hoàn cảnh khó khăn trú ngụ như nhà ông Út. Sự giúp đỡ nhiệt tình, nét "nhiều chuyện" dễ thương của một người phụ nữ có nước da ngăm đen nơi miền biển xa xôi khiến mọi người ấn tượng mãi.

 Vợ ông Út bị tai biến đã 10 năm nay

“Út nào, ở đây nhiều Út lắm”, người phụ nữ hỏi lại.

“Út mà có người vợ tai biến hơn 10 năm nay đó dì”.

Nhìn hai thanh niên đeo kiếng cận, người phụ nữ tò mò: “Các cậu đến để giúp người ta hả. Gia đình này khổ dữ lắm. Xứ này chưa thấy ai khổ vậy đó. Giúp được gì gắng giúp...”. Chị nói vồn vã như thể đây là hoàn cảnh của mình. Dường như chính chị cũng đang mong chờ điều gì tốt đẹp đến với nhà ông Út.

Trước mắt chúng tôi là căn nhà lá rộng chưa tới 30m2, được giữ cố định bằng 9 cây đước. Đó là nơi ông Út đang ở, do bà con địa phương giúp bằng cách người cho cây, người cho lá, góp dựng lên khoảng 1 năm nay.

Trong nhà, vợ chồng ông đang ăn cơm. Mâm cơm cho hai người già tóc bạc trắng là nửa con cá rô phi cùng đĩa rau luộc. Thế cũng gọi là "sang" vì có ít chất đạm.

 Bữa cơm đạm bạc của vợ chồng ông Út.

Công việc hằng ngày của ông Út là đi lượm ve chai ven biển. Cái nghề này phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Cứ gió to, biển động mạnh sẽ có nhiều “chiến lợi phẩm” trôi dạt vào bờ. Không kể giờ giấc, khi 3 giờ sáng lúc 5 giờ chiều, hoặc có hôm trời tối mịt, ông cũng đi. Ông đi ngay khi cơn giận dữ của thiên nhiên vừa dừng lại.

Ông Út năm nay đã 78 tuổi, ống chân chỉ còn da bọc xương nhưng hằng ngày, ông vẫn gắng gượng đi nhiều kilomet lượm đồ dọc bờ biển. Hình ảnh ông cụ hom hem vác trên vai cái bao cũ, vạch rừng vượt qua những bãi sình lầy đặc trưng của tán rừng ngập mặn khiến nhiều người đau lòng.

“Mệt thì nghỉ, qua sình thì mình bò tới, bò tới rồi kéo cái bao theo”, ông nói kinh nghiệm vượt bãi lầy.

 Ông Út chỉ sợ thằng chắt phải nghỉ học, mất đi tương lai

Mỗi ngày như vậy, ông có thể kiếm được 20, 30, có khi 40 ngàn đồng. Nhiều năm nay, ông cần mẫn chịu cực khổ mong nuôi người vợ bị tai biến.

"Bà Út tái bệnh phải nằm liệt giường khoảng 10 năm nay. Mấy ông cháu mà đi lượm biển thì để cho bà nồi cơm ở đầu giường, cuối giường để cái bô. Đói thì ăn, mắc thì đi. Đi xong thì để đó chừng nào ông về ông đổ. Tội lắm.”, bà Phan Thị May, một hộ dân ở gần cho biết.

Cũng từ ngày vợ bệnh nặng, lại thêm tuổi già sức yếu, chẳng được ai thuê mướn nữa nên ông rời Hồng Dân (Bạc Liêu) về vùng biển này “hành nghề”. Sau đó, người cháu gái và hai đứa con nhỏ cũng về ở với ông. Vậy là mấy ông cháu dìu dắt nhau đi lượm ve chai. Hiện nay, ngoài nỗi lo cho vợ, ông Út lại nặng lòng lo thằng chắt “rất sáng chữ” được đi học.

 Em Nam học lớp 5 chăm chỉ nhặt phế liệu, kiếm thêm tiền đi học

“Con làm mót tiền để đi học. Sau này con sẽ làm công an”, Nam - đứa chắt đang học lớp 5 của ông Út lỏn lẻn kể về ước mơ. Còn nhỏ nhưng em đã hiểu được hoàn cảnh của gia đình. Sau giờ học ở trường, cậu học trò nghèo không đi chơi với các bạn mà chịu khó theo cố, theo mẹ đi lượm biển.

Hai đứa cháu cố ngoan ngoãn là nguồn động lực để ông Út cố gắng. Nhưng với tình hình sức khỏe hiện tại, ở tuổi bát tuần, ông sợ rằng mình không cố gắng nổi nữa. "Lo nhứt là không ai lo cho bà. Thứ nữa là thằng Nam phải nghỉ học, mất tương lai”, ông trầm ngâm.

Ông Nguyễn Thành Được, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hải cho hay, gia đình ông Nguyễn Văn Út đã chuyển về địa phương ở một thời gian. Do không có đất cát nên ông Út sống tạm bợ trên chân đê phòng hộ, thuộc diện phải giải tỏa.

Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Hiện UBND xã đã xin cho ông 1 nền đất tái định cư, hàng tháng xã có hỗ trợ thêm gạo. Ngoài ra cũng vận động bà con xung quanh giúp đỡ thêm.

“Xã đang vận động các mạnh thường quân để sau khi được Sở NN-PTNT duyệt phương án cho đất sẽ tiến hành xây nhà cho hộ gia đình này.”, ông Được nói.

Mọi thông tin xin gửi về:

Ông Nguyễn Văn Út, ấp Khánh Hưng A, xã Khánh Hải, Trần Văn Thời, Cà Mau. SĐT: 0946 477 421