Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phượng tím nở rộ trên đường phố Đà Lạt

Đà Lạt tháng 3 làm say lòng du khách khi dạo phố ngắm hoa và cảm nhận cuộc sống êm đềm trôi.

Phượng tím thường nở vào tháng 3, tháng 4 hàng năm, mang đến vẻ đẹp dịu dàng đặc trưng của Đà Lạt. Nếu có dịp một lần tới đây mùa phượng tím, bạn sẽ thêm yêu loài hoa này.  

Phượng tím có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Những cây đầu tiên được trồng tại Đà Lạt do công của cố kỹ sư Lương Văn Sáu. Ông là một trong những kỹ sư canh nông thế hệ đầu tiên của Việt Nam được đào tạo chính quy chuyên về hoa, tốt nghiệp trường nông nghiệp ở Pháp. 

Năm 1962, ông Sáu mang hạt giống phượng tím từ Pháp về Đà Lạt, ươm, trồng thử nghiệm và chiết cành loài cây này. Sau đó, cây được các nhà khoa học khác nhân giống thành công và trồng trên các tuyến phố Đà Lạt. 

Cây phượng tím có thân gỗ lớn, thô nhám, cao 10-15 m, tán phủ rộng 5-7 m, lá có hình dạng giống phượng vĩ của Việt Nam. Khi nở, hoa có hình ống, dài 4-5 cm, mọc thành từng chùm, cánh mềm mại và khẽ nhẹ rơi trong gió. 

Những con đường phượng tím đã trở thành đặc sản riêng của Đà Lạt, có thể kể đến đường Trần Phú (ảnh), Hai Bà Trưng hay Nguyễn Thị Minh Khai.  

Các địa điểm du lịch như chợ Đà Lạt (ảnh), Thiền viện Trúc Lâm hay Thung lũng Tình yêu cũng được tô điểm bởi vẻ đẹp mơ màng của những cây phượng tím vào mùa trổ hoa.  

Phượng tím khoe sắc tại khu vực bờ hồ Xuân Hương. Người dân Đà Lạt cho biết cây phát triển tốt và nở từng chùm hoa đẹp do phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng.  

Đường Trần Phú rợp sắc tím của loài hoa đã xuất hiện ở vùng đất cao nguyên gần 60 năm. Đà Lạt mùa này không chỉ thu hút du khách mà cả các tay máy trổ tài sáng tác ảnh.

“Tôi dường như mê mẩn trước vẻ đẹp của phượng tím. Từng chùm hoa như buông mình trong gió, đẹp mơ màng trong sớm mai, hững hờ ban trưa và thùy mị lúc hoàng hôn”, nữ nhiếp ảnh gia Khánh Phan (đến từ TP HCM) chia sẻ.

Hoa không chỉ khoe sắc trên những con đường, góc phố Đà Lạt mà còn nên thơ ở vùng ngoại ô, trong sân trường thị trấn Đơn Dương, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.