Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trắng đêm kiểm dịch tả lợn châu Phi ở Nghệ An

Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh phía Bắc. Tại Nghệ An, công tác kiểm tra, phòng chống dịch tại các chốt kiểm dịch đang diễn ra cả ngày lẫn đêm để đảm bảo dịch không xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Tuy nhiên vẫn còn bất cập tại các chốt kiểm dịch.

Đêm 8/3, phóng viên có mặt tại 2 chốt kiểm dịch phía Bắc Nghệ An là trên đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1 A.

 Chốt kiểm dịch trên đường mòn Hồ Chí Minh qua địa bàn xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn) luôn có 3 - 4 cán bộ trực trong tối 8/3. Ảnh: TM

Theo quan sát của P.V tại chốt kiểm dịch trên địa bàn xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, luôn có cán bộ trực trạm để kiểm tra xe và tuân thủ giờ giấc trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Có khoảng 10 người gồm lực lượng thú y, CSGT và quản lý thị trường, được chia làm 3 ca để kiểm tra; mỗi ca từ 3 - 4 người kiểm soát phương tiện chở động vật qua địa bàn.

Tuy nhiên, lượng xe chở động vật đi qua chốt ít. Vào lúc 22h50 đoàn cán bộ tại chốt kiểm dịch gồm 3 người đã kiểm tra 2 xe ô tô, trong đó có 1 xe chở gia súc từ Nghệ An sang Thanh Hóa mang BKS 37C - 176.13.

Sau khi kiểm tra đoàn cán bộ thú y đã phun thuốc phòng ngừa dịch cho phương tiện này.

 Cán bộ trực kiểm tra các xe chở động vật đi qua trạm kiểm dịch Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn). Ảnh: TM

Ông Cao Minh Đức - Trạm Trưởng Trạm Chăn nuôi Thú y huyện Nghĩa Đàn, Tổ trưởng tổ kiểm dịch tại xã Nghĩa Lâm cho biết: Quan điểm làm việc của tổ là không có ngày nghỉ, nhất là ở vùng giáp ranh có dịch, phải trực chiến thường xuyên để xử lý kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra. "Mỗi ngày 3 ca (mỗi ca 4 người) thay phiên nhau trực chốt suốt 24/24 giờ, tuy vất vả nhưng anh em ở tổ luôn chấp hành các ca trực, giờ trực, đảm bảo không để lọt xe chở động vật nào qua chốt" - ông Đức chia sẻ.

Được biết, từ ngày lập chốt đến hết ngày 8/3, tại chốt xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn) đã có 36 xe chở động vật đi qua được kiểm tra, phun và tiêu độc khử trùng.

 Tại Trạm Kiểm dịch động vật Bắc Nghệ An trên QL 1A ở địa bàn thị xã Hoàng Mai, chốt bên phải (theo hướng từ Bắc vào Nam) luôn có từ 3 - 4 cán bộ trực. Ảnh: AQ

Tại Trạm Kiểm dịch động vật Bắc Nghệ An trên QL 1A qua địa bàn thị xã Hoàng Mai, giáp ranh với huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) có 2 chốt gác kiểm dịch ở 2 tuyến đường một chiều.

Theo quan sát, chốt trực theo hướng từ Bắc vào Nam luôn có 3 - 4 người trực, gồm CSGT và nhân viên thú y.

Vào lúc 21h20, chiếc xe tải chở lợn mang BKS 47C - 167.64 lưu thông từ Bắc vào Nam đã chủ động bật đèn xi nhan vào trạm kiểm dịch. Cán bộ thú y khẩn trương dùng thang chuyên dụng leo lên thùng xe, soi đèn pin kiểm tra lợn. Sau khi kiểm tra, cán bộ thú y tiến hành phun thuốc khử trùng và cho phép xe tiếp tục lưu thông.

 Khi có xe chở động vật, cán bộ dùng thang leo lên kiểm tra. Ảnh: AQ

Tuy nhiên, tại điểm chốt trực đối diện, công tác trực ca, kiểm tra xe cộ vẫn không đảm bảo triệt để. Vào lúc 20h30, tại chốt trực này không xuất hiện cán bộ kiểm tra, phòng trực không có người, đèn điện vẫn thắp sáng.

Vào lúc 21 giờ, có xe chở bò mang BKS 37C -134.77 theo hướng từ Nam ra Bắc đi qua chốt kiểm dịch, lúc này mới thấy 2 cán bộ thú y “leo hàng rào” để đi qua kiểm tra và phun tiêu độc khử trùng. Sau khi xe đi, cán bộ thú y lại băng qua đường để về chốt cũ.

Việc bố trí người trực chưa khoa học này có thể làm một số xe chở gia súc vượt qua chốt kiểm dịch. Bên cạnh đó, việc không cắt cử người trực thường xuyên mà phải “leo rào” khi có xe khiến việc kiểm tra dịch bị chậm trễ, gây nguy cơ tai nạn giao thông cao.

Ông Đậu Đăng Định - Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Bắc Nghệ An cho biết, sau khi có chỉ đạo quyết liệt phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đơn vị phối hợp liên ngành với Đội CSGT thị xã Hoàng Mai, đội Quản lý thị trường số 4 Nghệ An thành lập gồm 9 thành viên và phân ca trực 3 ca/ngày đêm; mỗi ca 3 cán bộ.

 Tuy nhiên, tại điểm chốt đối diện vào lúc 20h30 (ngày 8/3) không có bóng dáng của lực lượng chức năng. Ảnh: AQ

"Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh, trong khi đó tiếp giáp thị xã Hoàng Mai là tỉnh Thanh Hóa đang có ổ dịch nên chúng tôi kiểm soát, kiểm dịch nghiêm ngặt cả ngày lẫn đêm. Mặc dù thời điểm về khuya đến sáng, số lượng xe chở lợn ít hơn ban ngày nhưng chúng tôi luôn chỉ đạo các thành viên tập trung cao độ, không lơi là khi có xe chở động vật ghé vào điểm dừng" - Ông Đậu Đăng Định cho biết thêm.

Trao đổi về việc không có người trực canh kịp thời ở điểm chốt đối diện, ông Định cho biết: "Chúng tôi chủ yếu tập trung lực lượng kiểm soát chặt tuyến từ Bắc vào Nam vì nguy cơ xâm nhập dịch ở tuyến này rất cao. Hơn nữa, đây là tuyến đường một chiều nên hơi bất cập trong đi lại, phải leo rào. Tuy nhiên, đối với xe chở động vật qua 2 chốt chúng tôi đều kiểm tra và phun thuốc đầy đủ".

Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 579 về việc thành lập chốt kiểm dịch tạm thời, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chống dịch tả lợn châu Phi. Thời gian hoạt động của chốt/trạm kiểm dịch trong 2 tháng, bắt đầu từ 1/3/2019 cho đến khi hết dịch.

 Vào lúc 21h giờ có xe chở động vật theo hướng từ Nam ra Bắc, cán bộ thú y "vượt rào" để kiểm tra, sau đó lại trở lại chốt cũ. Ảnh: HV

Trong thời gian dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc, các chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh dù phải làm việc 24/24h, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của từng cán bộ chuyên môn, quyết tâm không để dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn Nghệ An./.