Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


“Anh hùng tuổi 20” và trận đánh bảo vệ Đồng Đăng

Đã 40 năm trôi qua kể từ trận đánh lịch sử năm 1979 bảo vệ thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn) nhưng Đại tá Triệu Quang Điện, nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Lạng Sơn vẫn nhớ như in từng chi tiết. Ký ức như cuốn phim quay chậm đưa chúng tôi trở về Lạng Sơn những ngày đó…

Cuối năm 1978, chàng trai người Nùng Triệu Quang Điện (SN 1959) tại Bình Gia, Lạng Sơn theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ, dù chưa học hết cấp 3. Sau đó anh được chuyển về Đại đội 1, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động đầu tiên của Công an tỉnh Cao Lạng, đóng quân tại Cao Bằng. Đúng ngày 17-1-1979, Tiểu đoàn này bắt đầu hành quân về Lạng Sơn, đến thị trấn Đồng Đăng làm nhiệm vụ bảo vệ trị an, trấn áp tội phạm cũng như sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh.

“5h ngày 17-2, Trung Quốc mở màn chiến dịch tấn công toàn tuyến biên giới nước ta, trong đó thị trấn Đồng Đăng là mũi đầu tiên. 7h thì pháo bắn rợp đường. Đơn vị chúng tôi vừa tuần tra về được lệnh triển khai theo phương án tác chiến” – anh nhớ lại.

 Đại tá Triệu Quang Điện và Trung tá Phùng Văn Hiền.

Phía Trung Quốc gồm 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng và 6 trung đoàn pháo binh đã ào ạt tràn vào cửa ngõ Đồng Đăng. Anh và đồng đội được điều động đến khu vực Đền Mẫu (thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn) để hướng dẫn người dân vào hang trú ẩn, tránh pháo. Cả tiểu đoàn đã ngoan cường chiến đấu, bảo vệ cho khoảng 500 người dân, nhiều đồng đội đã hy sinh.

Liên tục trong ngày 17 và 18-2, đơn vị phối hợp bộ đội bắn tỉa từ trong hang để cầm cự. Tranh thủ lúc ngưng bắn thì xuống thị trấn lấy lương khô về tiếp tế cho dân. 22h ngày 18-2, Tiểu đoàn được lệnh rút quân do pháo đánh liên tục, bị bao vây và hết đạn dược. Binh nhì Triệu Quang Điện lúc này đã gồng mình cùng anh em mở đường đưa người dân Đồng Đăng thoát khỏi vòng vây ra tuyến sau.

“Sau khi chiếm được thị trấn Đồng Đăng, buổi tối phía Trung Quốc co cụm lại. Nhờ người dẫn đường thông thạo địa hình, chúng tôi đã đưa mọi người cắt thị trấn đi dọc theo bờ suối. Ra đến ngã tư Hồng Phong bị phục kích, đơn vị lại hướng dẫn dân tụt xuống đường bờ ruộng ra hang đá. Đến khoảng ngày 21-2 thì ra đến tuyến sau”, anh hùng lực lượng vũ trang Triệu Quang Điện kể.

Nhớ lại giây phút sinh tử nơi hang Đền Mẫu, anh cho biết, khoảng 8h ngày 17-2 pháo được bắn rầm trời Lạng Sơn. Các đồng chí trong Tiểu đoàn như Vi Văn Cao, Trần Thái… lần lượt hy sinh ngay trước mắt anh. 9h, đồng chí Hà Sỹ Điềm, Tiểu đội trưởng bị thương xuyên qua vai, anh đã cởi phăng chiếc áo mặc trên người ra băng bó vết thương, dù tiết trời mùa đông lạnh buốt. Khi đưa anh Điềm xuống một đoạn lại gặp anh Phùng Văn Hiền (sau này là cán bộ Công an huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cũng bị thương. Tiến hành băng bó cho anh Hiền xong, một mình Đại tá Điện cõng các thương binh thoát ra khỏi hang.

“Nghĩ lại lúc đó mình cao mét 7 nhưng chỉ nặng 53kg thôi, mấy ngày đói khát không ăn uống gì nhưng vẫn cố sức để dìu được anh em”, anh chia sẻ. Có lẽ, sự mưu trí, dũng cảm, tinh thần kiên quyết đấu tranh bảo vệ quê hương và sẵn sàng lăn xả vì đồng đội đã khiến sức mạnh trong con người Triệu Quang Điện được nhân lên nhiều lần, giúp anh vượt vòng vây, cõng một đồng đội là thương binh nặng, dìu một đồng chí khác trong 4 ngày đêm liên tục vượt hơn chục cây số đường rừng về tuyến sau an toàn.

“Ra khỏi mặt trận gần đến Thanh Khê thì chúng tôi gặp một đồng chí Công an vũ trang bị thương tên là Lợi. Vết thương khiến anh bị chảy máu nhiều, sắp ngất đi mà không được ai cấp cứu. Tôi đã bế anh vào nhờ mấy anh bộ đội khâu vết thương, sau đó gửi xe cho anh về tuyến sau” – anh nhớ lại. Người đồng đội ấy sau đó phục viên về làm kinh tế, lập gia đình và sinh được 7 người con, đến tận bây giờ vẫn mang ơn cứu mạng của Đại tá Triệu Quang Điện…

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kết thúc, anh được đề nghị thăng quân hàm vượt cấp từ Binh nhì lên Trung sỹ, giữ chức vụ Tiểu đội trưởng. Đến năm 1980, anh và đồng đội được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa tròn 21 tuổi. Chính vì thế, danh xưng “anh hùng tuổi 20” đã được người dân Lạng Sơn trìu mến dành tặng anh.

Trở về từ cuộc chiến, anh đi học, cuối năm 1988 thì về công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn. Đây cũng là thời điểm mà tất cả hàng hoá tập trung về tuyến biên giới, nạn cướp bóc hoành hành nên Triệu Quang Điện bước vào cuộc chiến nóng bỏng với tội phạm hình sự.

Suốt từ năm 1988 đến năm 1995, khi làm Đội trưởng Đội Trọng án rồi Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự thì tên tuổi của anh đã khiến nhiều đối tượng hình sự khét tiếng phải dè chừng, vì “đánh đâu thắng đấy, đánh giòn giã, không thương vong, không thất bại”. Tập thể Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn giai đoạn này 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng anh được trao tặng 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an.

Đến 2002 anh được bổ nhiệm Trưởng phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Lạng Sơn, năm 2010 là Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm. Ở cương vị công tác nào anh cũng để lại dấu ấn nghề nghiệp và sự nỗ lực phi thường của mình. Năm 2017 khi chỉ còn 15 ngày nữa là đến thời điểm trả lại chìa khoá, rời nhiệm sở nghỉ chờ hưu thì anh còn nhận được Bằng khen và thưởng “nóng” của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vì có thành tích bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Long “ma” (đối tượng xả súng AK bắn chết người ở Cầu Giấy rồi bỏ trốn sang Trung Quốc – PV)…

Được nhắc đến trong câu chuyện của Đại tá Triệu Quang Điện là Trung tá Phùng Văn Hiền, đồng đội tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Cao Lạng. Trong ngày định mệnh 17-2-1979 ấy, tại hang Đền Mẫu, pháo cối phía Trung Quốc bắn sang đã khiến nhiều đồng đội của anh hy sinh và bị thương nặng. Riêng anh bị những mảnh pháo găm đầy cơ thể suốt từ chân lên đến đỉnh đầu và chàng trai 19 tuổi năm ấy đã vĩnh viễn mất đi thị lực mắt phải.

“Đồng chí Điện đã băng bó, giúp đưa tôi vào hang trú ẩn cùng người dân. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo vì thương tích đầy mình, tôi đã dặn dò người đồng hương kề vai sát cánh hãy tiếp tục ở lại chiến đấu cùng đồng đội, còn bản thân sẽ tự rút lui chứ không làm phiền anh em”, anh nhớ lại.

Thế rồi vượt lên những đau đớn về thể xác, anh đã nhờ người dân bản địa giúp chống gậy để đi sơ tán mà không cần bất cứ một sự trợ giúp y tế nào. Họa vô đơn chí, vừa ra khỏi hang Đền Mẫu, anh gặp thêm một đợt phục kích nữa, người dân lại ồ ạt chạy vào Đồn biên phòng và xuống suối nước cạn để tránh đạn, những vết thương do mảnh pháo găm trên người lại càng khiến anh đau nhói vì phải di chuyển nhanh.

Sau đó, Trung tá Phùng Văn Hiền được chuyển về Bệnh viện mắt Trung ương để điều trị. Chiến tranh kết thúc, anh trở về Công an huyện Văn Quan công tác, tiếp tục cống hiến cho lực lượng CAND, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Năm 2015, anh nghỉ hưu trở về đời thường nhưng vẫn tiếp tục tham gia lao động sản xuất, vận động bà con làm đường, xây cầu, xây dựng quê hương.

“Đến tận bây giờ trong hộp sọ của tôi vẫn còn một mảnh kim khí không thể nào lấy ra được. Mỗi lúc thời tiết thay đổi thì vết thương ấy lại đau buốt, song chỉ khiến tôi nhớ về những kỷ niệm tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc, rất gian khổ song đầy hào hùng…” – Trung tá Phùng Văn Hiền cho hay.

(Còn nữa)