Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tết đầu tiên với mẹ đẻ của em bé bị trao nhầm ở Ba Vì

Yêu thương đứa con mình mang nặng đẻ đau bằng tất cả tình mẫu tử nhưng trong sâu thẳm chị Hương vẫn là nỗi nhớ đứa con trai chị đã nuôi nấng, yêu thương suốt 6 năm qua.

Đã nửa năm trôi qua nhưng chị Vũ Thị Hương (36 tuổi, quê xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội) - người mẹ trong câu chuyện trao nhầm con xảy ra cách đây 7 năm ở Bệnh viện Đa khoa Ba Vì - vẫn không sao quên được ánh mắt đứa con trai chị đã nuôi nấng hơn 6 năm, lúc chia tay chị vào ngày 19/7/2018 để về với bố mẹ ruột của mình.

Chị không còn khóc nhiều như thời điểm đó nhưng nỗi nhớ con vẫn không hề nguôi ngoai. Bởi lẽ, dù không phải ruột thịt nhưng cũng đã có quãng thời gian khá dài hai mẹ con gắn bó với nhau, trải qua biết bao thăng trầm, chia ly. Chị vẫn giữ những bộ quần áo của bé Đoàn Nhật Minh (đứa con chị nuôi những năm qua) từ năm Minh mới 2 tuổi.

Khi bé Phùng Thanh Hải, con ruột của chị trở về đúng với vị trí gia đình của mình, chị vẫn sử dụng mọi giấy tờ ghi tên là Đoàn Nhật Minh, chỉ có tên ở nhà gọi là Hải. Vì với chị, đây cũng là kỷ niệm của con, chị muốn giữ để khi lớn con sẽ hiểu.

 Chị Hương không còn khóc nhiều như trước đã lấy lại cân bằng cuộc sống sau chuỗi những ngày tháng chênh vênh từ sự việc trao nhầm con.

Chúng tôi gặp chị Hương tại nơi chị làm việc ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), lúc này bé Hải cũng vừa kết thúc ngày học của mình ở trường nằm trên quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Hải đã chững chạc hơn cách đây 6 tháng rất nhiều.

Cho chúng tôi xem quyển vở có những điểm 10 đỏ chót của con, chị Hương khẽ bảo: “Cuộc sống của 2 gia đình đã dần ổn định, 2 cháu bé đã kịp thích nghi với bố mẹ ruột của mình. Bếu (tên gọi thường ngày của bé Minh) giờ cũng có cuộc sống ổn định với bố mẹ ruột ở thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì. Nhưng tôi cũng phải mất một thời gian và thực sự nghiêm khắc mới đưa Hải dần vào khuôn khổ, thích nghi với cuộc sống cùng tôi. Khi mới về đây, cháu cũng tỏ ra ngại ngùng, sống khép kín và ít giao tiếp. Hải chủ động đề nghị mẹ được ngủ riêng, hay giành đồ chơi với em, vẫn tự tạo khoảng cách, như đi xe không ôm mẹ, không chúc mẹ và em ngủ ngon”.

Thời gian đầu nhận lại con, chị Hương ở lại Ba Vì, sau đó chị quyết định đưa con trai xuống Hà Nội sinh sống.

Đêm đầu tiên hai con trở lại với gia đình ruột thịt của mình, đêm đầu tiên ôm Hải trong lòng, chị Hương đã không ngủ được. Những ký ức trong chị cứ thế hiện về đan xen vào đó là hình ảnh hai đứa con nhỏ, tiếng cười nói rồi ánh mắt ngây thơ của chúng đang nhìn về phía chị. Thương hai con, nước mắt chị cứ thế rơi. Ngày ấy, tuy Hải lạ nhà nhưng không quấy khóc và vẫn ngủ ngon. Sự hồn nhiên của đứa trẻ khiến tâm trạng chị càng day dứt.

Những ngày đầu sống ở Hà Nội, không còn là không khí yên bình ở làng quê, Hải không quen với sự tấp nập phố xá nên tỏ ra khá sợ sệt và không dám sang đường vì đông người.

Thậm chí những ngày đầu, Hải còn hay đòi về nhà bố Sơn mẹ Hiền - nơi Hải đã gắn bó suốt 6 năm và luôn nhận được sự yêu thương của cả gia đình. Hải không thích đi học, có lúc lén đánh em Khánh (con trai út của chị Hương).

“Tôi biết những điều ấy nhưng không bao giờ nặng lời với con. Là một giáo viên mầm non nên tôi hiểu tâm tư của con trẻ. Các con vừa trải qua những cú sốc lớn trong cuộc đời, phải bắt đầu cuộc sống hoàn toàn mới bên những con người dù là ruột thịt nhưng bấy lâu nay lại hoàn toàn xa lạ. Ký ức 6 năm không phải nói vơi là có thể vơi được. Vì thế, các con cần thời gian thích nghi và ổn định tâm lý. Mỗi lần con buồn, tôi vẫn vỗ về, an ủi và tâm sự cùng con”, chị Hương tâm sự.

 Hai mẹ con chị Hương trong những ngày cuối năm.Cái Tết sum vầy đầu tiên của những đứa trẻ bị trao nhầm

Chị Hương cũng bảo, khi Hải nhớ bố Sơn, mẹ Hiền, chị đều đưa con về, hay lúc con muốn nói chuyện chị đều nối máy cho con.

Nói rồi chị Hương quay lại nhìn Hải vẫn đang chơi đùa và cười. Chị nhẩm tính, mới đó đã hơn nửa năm trôi qua. Suy nghĩ cũng như cuộc sống của Hải đã đi vào quỹ đạo. Hải đã cởi mở hơn và thường xuyên có những hành động thể hiện tình cảm như ôm, thơm và nói “con yêu mẹ”.

Chị Hương cũng dạy Hải theo cách trước đây từng áp dụng với Minh. Ngoài giờ học chính ở trường, Hải đi học bóng rổ và lớp phát triển kỹ năng mềm.

Trong quá trình trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng chị Hương lại nhắc tới Minh với giọng trầm buồn. Trong tâm trí chị, Nhật Minh vẫn luôn là đứa trẻ sống tình cảm và rất thương mẹ. Tuy còn nhỏ nhưng Minh luôn là người hiểu biết.

Sinh nhật của hai con vào 1/11 nhưng ngày cuối tháng 10/2018, chị về Ba Vì bày tỏ nguyện vọng với vợ chồng anh Sơn để được đón Minh xuống nhà tổ chức sinh nhật chung với Hải.

Hôm đó, chị Hương tự tay trang trí và làm bánh sinh nhật cho hai con. Sau buổi sinh nhật, Hải về ngủ với mẹ Hiền, còn Minh ngủ lại với chị Hương. Hôm đó, đến tận 2h Minh mới chịu đi ngủ vì rất lâu rồi hai mẹ con mới có dịp tâm sự cùng nhau.

Khi ngủ với chị, Minh nhiều lần hỏi: “Sao mẹ đi lâu thế không về chơi với con?”. Thương con nhưng chị Hương cũng không nói gì, chỉ động viên Minh và nói: “Con có mẹ Hiền đưa đi học rồi, sướng nha!”. Nghe xong Minh đáp lại luôn: “Mẹ có biết, con nhớ mẹ không ngủ được, khóc ướt hết cả gối không?”.

Chỉ bấy nhiêu câu con nói cũng đủ làm trái tim chị Hương thắt lại. “Nuôi con 6 năm tôi hiểu tính con, dù còn nhỏ nhưng cháu biết chuyện lắm. Con kể, mỗi lần ngửi thấy mùi bánh pizza là lại thấy nhớ tôi. Vì dưới này, thi thoảng tôi hay đưa cháu đi ăn bánh”, chị Hương cười buồn.

Sau đêm hôm ấy, lúc chia tay con, chị Hương lại một lần nữa nuốt nước mắt vào trong. Bao nhiêu chới với trong lòng chị lại chôn chặt sau cái mím chặt môi để hai con trở về với cuộc sống của mình.

Tết năm nay với chị Hương là cái Tết sum vầy hơn mọi năm. Chị có thêm những người con. Chị đã mua sẵn 4 bộ quần áo mới để cho hai anh em của Hải, hai anh em của Minh.

Chị Hương cũng mong muốn gia đình anh Sơn cho cháu Minh về ăn Tết cùng với chị. Còn nếu Hải muốn về nhà anh Sơn đón Tết chị cũng vui vẻ đồng ý. Điều mong ước lớn nhất của người mẹ ấy trước thềm năm mới là các con luôn khỏe mạnh, chăm ngoan học giỏi.