Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ngôi chùa duy nhất có mộ heo 5 móng ở miền Tây

Đến chùa Dơi, du khách không chỉ được ngắm nhìn hàng nghìn con dơi treo lủng lẳng trên ngọn cây như chùm trái chín, mà còn tò mò xem khu mộ của những con heo 5 móng.

Chùa Dơi ở trung tâm TP Sóc Trăng (Sóc Trăng), cách chợ Mùa Xuân khoảng 1 km theo hướng đường Lê Hồng Phong xuống Bãi Xàu.

Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Sóc Trăng, được xây dựng cách đây hơn 450 năm và được người dân địa phương gọi bằng một tên khác là chùa Mahatup hay chùa Mã Tộc.

Chánh điện chùa Dơi. Ảnh: Việt Tường. 

Trong khuôn viên chùa, hàng trăm năm qua, tồn tại một đàn dơi ngựa Thái Lan với số lượng hàng nghìn con, treo mình lủng lẳng trên ngọn cây cao. Trong đó có con nặng trên 2-3 kg, sải cánh rộng hơn 1,2 m.

Ngoài đàn dơi quý, nơi đây còn có một khu mộ của những con heo được nuôi lâu năm tại chính ngôi chùa. Trên các tấm bia nhuộm màu thời gian, du khách có thể đọc được những dòng chữ "Cô Năm Hợi" hay "Cô Bảy Hợi".

Đại đức Kim Rêne, Trụ trì chùa Dơi, cho biết khoảng 30 năm trước, một Phật tử làm công quả cho chùa phát hiện một con heo không phải 3 móng như bình thường mà có đến 5 móng nằm ngủ ngay cổng sau chùa.

Vị Phật tử đoán rằng có ai đó nuôi heo phát hiện một con heo trong bầy có móng khác thường nên không dám nuôi và cũng chẳng dám giết nên mang gửi vào chùa gần nhất. Theo người Khmer thì heo 5 móng là "cốt tinh" của con người.

Mộ heo trong khuôn viên chùa Dơi. Ảnh: Việt Tường. 

Thương cho heo con mới lọt lòng phải xa rời heo mẹ, những người làm công quả trong chùa đã mua sữa cho uống. Đến trưa, các sư sãi cũng thay nhau cho ăn nên heo lớn rất nhanh và được gọi là "Cô Năm Hợi".

Sáng nào "Cô Năm" cũng chạy khỏi cổng chùa rồi men theo con lộ nhỏ đi ra hướng chợ Mùa Xuân để kiếm ăn, trưa về "ăn cơm giờ ngọ" cùng lúc với các sư trong chùa rồi lăn ra ngủ.

Gần một năm sau, nhiều người trong vùng có heo 5 móng cũng mang đến gửi vào chùa Dơi. Có lúc số lượng đàn heo lên đến gần chục con.

Sau 7 năm, "Cô Năm Hợi" qua đời vào năm 1996 và được các Phật tử chôn cất, xây mộ giống như con người ở khu đất phía sau chùa. Có một khách du lịch đến từ TP.HCM cũng góp tiền để xây mộ cho heo nên các sư trong chùa đã ghi tên, địa chỉ của vị khách này lên mộ heo.

Chùa Dơi có đàn dơi quý hàng nghìn con. Ảnh: Việt Tường. 

Những năm sau đó, các chú heo 5 móng sống 4-5 năm trong khuôn viên chùa cũng được làm lễ, chôn cất, xây mộ khi chúng chết. Những tấm bia lần lượt ghi tên "Cô Sáu Hợi", Cô Bảy Hợi"...

Vài năm trước, một doanh nghiệp thuê đất ngang chùa để làm khu du lịch nên nơi đây ngày càng vắng bóng những chú heo 5 móng.

Chia sẻ với Zing.vn, Phó trụ trì chùa Dơi là thượng tọa Lâm Tú Linh cho biết nơi đây đón nhiều khách du lịch tham quan và thắp hương mỗi ngày nên việc nuôi heo gây ô nhiễm môi trường không thích hợp.

"Có lúc heo 5 móng đẻ gần chục heo con. Do không có người trông coi nên heo chạy lung tung. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thấy vậy đã bắt hết heo đưa đi nơi khác, không cho nuôi nữa", thượng tọa Lâm Tú Linh nói.

Chùa Dơi (chấm đỏ) ở Sóc Trăng. Ảnh: Google Maps