Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


4 việc nhất định phải làm ngay sau khi cúng ông Công ông Táo để rước tài lộc về nhà

Sau khi làm lễ cúng ông Công ông Táo, hóa vàng và thả cá chép để tiễn các vị thần linh lên chầu trời tâu bẩm mọi việc ở trần gian với Ngọc Hoàng thì mỗi gia đình cần làm 4 điều sau đây.

Người Việt Nam tin rằng ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm chính là ngày Táo quân lên trời để báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc xấu tốt của trần gian trong năm đó. Và rồi Ngài sẽ quay về hạ giới vào ngày 30 Tết.

Trong 7 ngày Táo Quân vắng nhà, gia chủ cần phải bắt tay làm ngay 4 việc cực kỳ quan trọng dưới đây để đem tài lộc và may mắn về cho gia đình.

Don dẹp bàn thờ

Theo quan niệm của người Việt xưa, sau lễ cúng ông Công ông Táo, mỗi gia chủ phải xin phép sửa sang bàn thờ để đón Tết. Bởi vì đây là lúc các thần linh đi vắng. Đồng thời, người tiến hành dọn bàn thờ bắt buộc là người sạch sẽ, tỉ mỉ, cẩn thận và thường là chủ sự trong gia đình.

Khi hạ bát hương, gia chủ cần phải để bát hương ở nơi sạch sẽ, tránh va chạm với các đồ vật khác. Nếu cần thiết bạn có thể trải vải đỏ cho bát hương khi dọn bàn thờ.

Ngoài ra, khi dọn bàn thờ, gia đình có thể tháo bàn thờ để lau rửa hoặc dùng khăn sạch và nước sạch để vệ sinh. Cuối cùng, bạn có thể dùng nước nóng hòa với tinh dầu, quế hoặc nước gừng để lau rửa lại một lần.

 Theo quan niệm của người Việt xưa, sau lễ cúng ông Công ông Táo, mỗi gia chủ phải xin phép sửa sang bàn thờ để đón Tết - Ảnh minh họa: Internet

Tỉa chân hương và thay tro bát hương

Mỗi năm trôi qua, bát hương sẽ đầy nhang sau những ngày giỗ, rằm,...vv. Do đó, đến ngày cuối năm mỗi gia đình cần thực hiện việc tỉa chân hương hoặc thay tro bát hương nếu cần thiết.

Lưu ý, khi tỉa chân hương, gia chủ phải để lại số chân hương lẻ như 3,5,7,9. Số chân hương còn thừa sẽ mang hóa (đốt) sau khi làm lễ. Đối với việc thay tro mới trong bát hương, các gia đình có thể mua tro bán sẵn ở các cửa hàng bán đồ thờ cúng.

 Sau lế cúng ông Công ông Táo, mỗi gia đình cần thực hiện việc tỉa chân hương hoặc thay tro bát hương nếu cần thiết - Ảnh minh họa: Internet

Đặc biệt, bạn cần nhớ là phần cốt của bát hương (thường là đá quý, kim loại quý...) phải được giữ lại. Tro thừa sẽ được đem đi rắc ở sông, hồ có nguồn nước lưu thông. Hoặc các gia đình có thể thay thế bàn thờ hay bát hương nếu cảm thấy không còn phù hợp với điều kiện gia đình.

Trang hoàng nhà cửa

Để chuẩn bị chào đón một năm mới an khang, thịnh vượng thì mỗi gia đình đều phải tiến hành dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Bên cạnh đó, gia chủ cũng nên thay những đồ vật đã cũ, hư hỏng để mang đến không gian sống tươi mới và khang trang hơn.

 Để chuẩn bị chào đón một năm mới an khang, thịnh vượng thì mỗi gia đình đều phải tiến hành dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ - Ảnh minh họa: Internet

Đặc biệt ở khu vực bếp núc - nơi gia đình thường xuyên sinh hoạt, quây quần thì việc dọn dẹp được xem như một nguồn sinh khí mới. Ngoài ra, việc làm này còn thể hiện sự tôn kính của gia chủ đối với ông bà tổ tiên và tạo thêm không khí đón xuân ấm cúng hơn.

Làm lễ mời an vị Táo quân và cúng Tất Niên

Sau khi đã dọn dẹp sạch sẽ bàn thờ, bát hương, mỗi gia đình cần làm lễ an vị Táo quân và an vị thần linh. Đồng thời, lễ cúng thường được làm vào trưa 30 Tết. Thế nhưng, nếu gia đình nào bận rộn, không có nhiều thời gian thì có thể gộp lễ an vị Táo quân vào lễ cúng Tất niên trong ngày 30 Tết.

 Sau khi đã dọn dẹp sạch sẽ bàn thờ, bát hương, mỗi gia đình cần làm lễ an vị Táo quân và an vị thần linh - Ảnh minh họa: Internet

Đồ lễ cúng thường bao gồm xôi, gà, tiền, vàng và các món ăn truyền thống trong gia đình Việt Nam như canh măng, thịt đông, miến, giò, nem,...vv.