Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


PVN vẫn mắc kẹt ở dự án liên quan tới Trịnh Xuân Thanh

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng Bộ Công Thương đưa ra một loạt đề xuất để cứu vãn vướng mắc tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Bộ Công Thương vừa gửi Thủ tướng kiến nghị của PVN xoay quanh việc "cứu" dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đây là dự án do PVN làm chủ đầu tư và liên quan trực tiếp tới công ty PVC do ông Trịnh Xuân Thanh trước đây làm Chủ tịch. Dự án đang chậm tiến độ 55-57 tháng so với hợp đồng EPC đã ký năm 2011 và chậm 27 tháng so với quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Theo kết quả kiểm tra tiến độ, Bộ Công Thương nhận xét, PVC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC nhà máy nhiệt điện than, năng lực tài chính yếu, không đảm bảo khả năng thanh toán cho các công việc đã hoàn thành và tạm ứng hợp đồng đã ký với nhà thầu phụ. Việc PVC sử dụng tiền tạm ứng 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác đã làm thiếu hụt nguồn tiền thực hiện dự án.

Theo báo cáo của PVN khi hoàn thành dự án, tổng thầu PVC sẽ bị hụt gần 55,2 triệu USD và 1.095 tỷ đồng so với giá trị hợp đồng EPC đã ký điều chỉnh sau khi tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 được phê duyệt.

PVN đang thiếu gần 327 triệu USD vốn vay nước ngoài đã hết hạn giải ngân ngày 28/9/2018 nhưng Bộ Tài chính chưa báo cáo Thủ tướng cho phép gia hạn. PVN cũng thiếu trên 342 triệu USD nên chưa ký được hợp đồng vay. Các thiết bị của nhà máy này chưa đưa vào sử dụng nhưng đã quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất.

 Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn dang dở sau sau gần 6 năm khởi công. Ảnh: H.T

Đây là dự án có quy mô lớn, Bộ Công Thương cho rằng, nếu không sớm thực hiện dẫn tới phát sinh chi phí và gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng việc đảm bảo cung cấp điện và tạo dư luận không tốt. Tuy nhiên, các vướng mắc của dự án được đánh giá "phức tạp, cần sự chỉ đạo và ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành". Đến cuối 2018, dự án này gần như không tiến triển, tiến độ tổng thể chỉ tăng gần 2%, đạt trên 82%.

Để cứu vãn, PVN trong vai trò chủ đầu tư kiến nghị loạt biện pháp. Ví dụ, tập đoàn muốn dùng 2.500 tỷ đồng từ nguồn chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 và lợi nhuận từ nguồn sản xuất kinh doanh để hoàn thành dự án. Chi phí này sẽ được kiểm toán, quyết toán riêng.

PVN cũng kiến nghị dùng vượt vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 30/70 (vốn chủ sở hữu/vốn vay) đã được quy định trong dự án đầu tư; cũng như đề nghị điều chỉnh tiến độ hoàn thành tổ máy 1 dự án vào tháng 6/2020 và tổ máy 2 tháng 10/2020...

Trước những đề xuất này, Bộ Công Thương cho rằng, PVN cần báo cáo rõ nguồn vốn, mục đích sử dụng cụ thể và có đánh giá tổng thể liên quan tới nghĩa vụ, trách nhiệm các bên theo hợp đồng EPC đã ký khi sử dụng số tiền này. Việc sử dụng dự phòng của tổng mức đầu tư, lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh cần được thực hiện theo đúng quy định. Ngoài ra, việc xác định lại tiến độ dự án không miễn trừ nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư, PVC theo hợp đồng EPC đã ký.

Bộ cũng kiến nghị giao Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét, trình Thủ tướng phương án tái cơ cấu OceanBank, trong đó ưu tiên sớm xử lý các khoản tiền gửi theo kiến nghị của PVN; giao Bộ Tài chính sớm xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định gia hạn khoản vay nước ngoài của dự án.

Cơ quan này cũng cho rằng các khó khăn vướng mắc chủ yếu liên quan tới việc bố trí, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban quản lý vốn. Vì vậy, Bộ kiến nghị Thủ tướng giao Ủy ban quản lý vốn nhà nước tiếp nhận để chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành tiếp tục xử lý vướng mắc tại dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1. Bộ Công Thương cũng hứa sẽ phối hợp chặt chẽ với Siêu ủy ban để giải quyết các vướng mắc.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 41.800 tỷ đồng, thuộc danh mục các dự án nguồn điện cấp bách theo Quyết định 2414 năm 2013 của Thủ tướng. Dự án gồm hai tổ máy, tổng công suất thiết kế 1.200 MW do PVN làm chủ đầu tư và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) - đơn vị do ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch giai đoạn 2007-2013, làm tổng thầu EPC.

Hiện dự án đã giải ngân trên 31.200 tỷ đồng và đạt hơn 82% tiến độ tổng thể. Kế hoạch ban đầu nhà máy sẽ vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017 và tổ máy 2 vào 2018. Tuy nhiên đến nay, 2 tổ máy vẫn chưa thể hoàn thành. Hiện nay, dự án đói vốn, năng lực PVC ngày một suy giảm, tranh chấp với các nhà cung cấp thiết bị, công tác giải ngân và nhiều rủi ro bất khả kháng ập đến khiến dự án đã chậm tiến độ hơn 1 năm. Tiến độ dự án đã điều chỉnh nhưng vẫn còn 17% tổng khối lượng công việc đang dang dở.