Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Làng bánh đa sắn Anh Sơn “cháy hàng” dịp cận Tết

Từ 3 giờ sáng, các lò tráng bánh đa sắn ở Hùng Sơn (Anh Sơn) bắt đầu đỏ lửa, người dân làm nghề cả ngày không có thời gian nghỉ, nhất là vào dịp cận Tết này để đủ hàng cung cấp cho thương lái.


 Bánh đa sắn Hùng Sơn được làm từ sắn mì loại ngon do người dân tự trồng. Ảnh: Thái Hiền

Chị Trần Thị Thanh Thúy, thôn 9, xã Hùng Sơn, một trong những gia đình làm bánh đa sắn cho biết: Những năm gần đây người tiêu dùng rất thích ăn các sản phẩm dân dã, do chính tay người dân làm ra. Món bánh đa hai mặt phủ hạt vừng đen hòa quyện với bột sắn bùi bùi là món ăn nhiều người ưa thích, sản phẩm bánh đa sắn ở đây bán rất chạy, nhất là vào thời điểm cận Tết luôn cháy hàng.

 Để làm bánh đa sắn đòi hỏi sự công phu, khéo léo. Ảnh: Thái Hiền

Người dân Hùng Sơn làm bánh đa sắn bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Vào những ngày này, các gia đình bắt đầu công việc từ 3h sáng để chuẩn bị nguyên liệu, sau đó xay bột và tráng bánh để cho ra những mẻ bánh chất lượng, và cứ thế hoạt động hết công suất từ sáng sớm đến tận 10h đêm. Như gia đình chị Thủy mỗi ngày tráng được 500- 600 cái bánh đa sắn nhưng vẫn không đủ bán. Với giá nhập 1.400 đồng/ cái, sau khi trừ chi phí mỗi ngày cho gia đình chị thu nhập xấp xỉ 500 ngàn đồng.

 Đây là nghề phụ cho thu nhập chính của người dân Hùng Sơn. Ảnh: Thái Hiền

Theo chị Thủy, để làm nên những chiếc bánh đa sắn đậm đà hương vị đòi hỏi sự công phu, khéo léo. Nếu như món bánh đa thường thấy được làm từ nguyên liệu bột gạo thì bánh đa của bà con Hùng Sơn được làm từ sắn mì loại ngon người dân tự trồng, chọn những củ ít xơ, mập, căng tròn rồi xay nhuyễn. Hỗn hợp bột sắn sau khi xay cùng với nước tạo thành bột mịn, trắng muốt, sau đó thêm ít vừng đen, gia vị, trộn lẫn rồi nhào đều. Gia vị được gia giảm tùy vào bí quyết của mỗi nhà nghề.

Hiện nay ở xã Hùng Sơn có hơn 50 hộ dân làm nghề bánh đa sắn, tập trung chủ yếu ở thôn 6, 8, 9, nhiều nhất là ở xóm 9 có hơn 30 hộ theo nghề. Bánh đa sắn Hùng Sơn hiện nay không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn huyện Anh Sơn mà còn ở khắp nơi trong tỉnh như: Con Cuông, Đô Lương, Nam Đàn.

Nhờ món ăn dân dã này, vào mùa vụ có hộ thu nhập mỗi tháng từ 10- 12 triệu đồng. Những năm gần đây nghề bánh đa sắn đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở đây nhất là vào dịp cận Tết khi nhu cầu tăng.