Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Kỳ 2: Hành trình vượt Trường Sơn

Thời điểm tháng 6, khi chúng tôi đặt những bước chân đầu tiên để chinh phục 3 con dốc của dãy Trường Sơn, bầu trời chang nắng không một gợn mây, huyện miền núi cao Tương Dương đang bước vào kỳ nóng bức nhất trong năm, là một trong những điểm “chảo lửa Đông Dương”. Mới khởi hành quãng ngắn mà mồ hôi đã bết đầm quần áo, mặc dù đường đi lẩn khuất dưới những tán cây rừng rậm rạp – con đường cắt qua các sườn núi trơn trượt, lởm chởm đá với độ dốc chóng mặt… Đích đến của chúng tôi là bản Pung Vai trên đất bạn Lào.

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2018/10/24/V____n__i_Vi___t_____L__o_n__i_s__ng_li___n_m___t_d___i_____B__i_2__H__nh_tr__nh_v_____t_Tr_____ng_S__n_____B__o_Ngh____An.mp4[/presscloud]

Vượt núi bên "Đông nắng"

“Trường Sơn Đông nắng Tây mưa”; và đối với bên Việt vùng giáp biên giới với nước bạn Lào thì quanh năm cứ sáng nắng, chiều mưa. Nếu đi bộ xuyên rừng, vượt núi mà gặp mưa sẽ vô cùng vất vả và nguy hiểm. Vì vậy trước đó, Đại tá Trần Minh Công – Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Nghệ An (nay đã nghỉ hưu) làm trưởng đoàn công tác đã quyết định xuất phát sớm từ thành phố Vinh nhằm tránh mưa rừng buổi chiều.

 

Hơn 4 tiếng đồng hồ từ Vinh vượt gần 300 km vòng qua thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong để đến xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương lúc hơn 9 giờ sáng. Đội công tác của Đồn Biên phòng Mỹ Lý (Kỳ Sơn) hội quân với đoàn tại ngã ba rẽ vào bản Phá Kháo. Trung tá Nguyễn Ngọc Tú – Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý thông báo tình hình “đường đi rất khó khăn do hôm qua có mưa lớn”. Sau gần 1 tiếng đồng hồ lắc lư trên xe ô tô qua các bản của xã Mai Sơn (Tương Dương) mới đến được điểm xuất phát đường bộ tại bản Huồi Tố 1 để lên chốt biên giới Nhọt Lợt thuộc xã Mỹ Lý, bắt đầu cuộc hành quân luồn rừng, vượt dãy Trường Sơn với những chiếc gậy được bà con dân bản chuẩn bị sẵn từ trước cho đoàn công tác.

Điểm dừng chân trước tiên là tổ chốt Nhọt Lợt thuộc Đồn Biên phòng Mỹ Lý. Đây là trạm gác biên phòng đóng tại bản Nhọt Lợt của xã Mỹ Lý, là bản đối diện với bản Pung Vai, cụm bản Phà Đéng, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Đồn Biên phòng Mỹ Lý quản lý 9 cột mốc biên giới từ mốc 389 đến mốc 397 với 46km đường biên, trong đó có 26km đường sông. Mấy năm trước đây đã xảy ra tình trạng các cột mốc như mốc 397 bị gãy thân mốc; các cột mốc 389, 391 bị đập phá một phần thân mốc; đặc biệt năm 2016 cột mốc 390 bị đập phá hoàn toàn thân mốc, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An quyết định thành lập tổ chốt đóng tại bản Nhọt Lợt để bảo vệ mốc quốc giới, bảo đảm an ninh trật tự biên giới bảo vệ các cột mốc chủ quyền quốc gia và hỗ trợ nhân dân hai bên biên giới tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết. Đồn Biên phòng Mỹ Lý trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này từ tháng 12/2016. Mỗi tháng đồn cử 2 tổ công tác 15 người luân phiên 2 tuần/lần trực ở chốt làm nhiệm vụ tuần tra biên giới. Nhọt Lợt đến nay là tổ chốt biên phòng duy nhất đóng ở giáp biên giới với nước bạn Lào.

 

Chúng tôi, những nữ phóng viên, tuy đã đi cơ sở ở các huyện miền Tây của Nghệ An rất nhiều lần, nếm trải không ít thử thách khi tác nghiệp nơi vùng suối sâu đèo cao, nhưng so với cuộc hành quân cùng các chiến sỹ bộ đội biên phòng lần này là một thử thách không thể hình dung trước. Được dặn dò kỹ lưỡng, tôi chỉ mang theo hành lý tối giản để giảm trọng lượng khi trèo núi, lội suối, song thứ không thể thiếu là máy móc tác nghiệp và chiếc điện thoại. Bởi những lúc trèo dốc dựng đứng, thì quay video hay chụp ảnh bằng điện thoại là giải pháp khả thi. Có những lúc thấm mệt, tôi bị tụt lại phía sau, muốn dừng lại quay chụp lại phải nhờ một chiến sỹ phía cuối hú gọi đoàn. Tiếng hú trong những lúc hành quân lên chốt của các chiến sỹ biên phòng ở đây là ký hiệu thông tin cho nhau khi đi giữa đại ngàn thâm u, hiểm trở. “Lại seo-phì hả nhà báo” – một chiến sỹ hỏi lại. Cả đoàn lại cười vui. “Vẫn seo-phì được là yên tâm rồi” – Thiếu tá Hoàng Thế Tài – Trưởng ban Vận động quần chúng Phòng Chính trị BĐBP tỉnh “nhận xét”. Đó là lúc chúng tôi vừa vượt qua con dốc thứ nhất sau tầm 1 tiếng đồng hồ vượt rừng…

 

Con dốc thứ hai gọi là dốc Chóp. Dân bản đặt tên gọi dốc Chóp bởi con dốc này uốn quanh chóp núi cao nhất. Chúng tôi phải đi qua lớp sương mù dày đặc, đất núi ẩm ướt trơn trượt, lại phải đối phó với sên vắt, thác đá hiểm trở, dây chằng dày đặc, dốc thẳm heo hút. “Đỉnh núi này gần như quanh năm sương phủ” – Đại úy Vừ Bá Lồng vừa nói, vừa nhắc tôi đi sát vách núi, dẫm lên dấu chân người đi trước đề phòng trượt ngã xuống vực. Đại úy Vừ Bá Lồng là một trong những thành viên tham gia tổ chốt ngay những ngày đầu thành lập, là người dày dạn kinh nghiệm đi rừng, vượt núi.

Vượt dốc Chóp cả đoàn đã thấm mệt, mọi người hầu như im phắc để dành cho thở, cắm cúi nhích lên dốc, gần sát nhau nhưng người đi sau chỉ nhìn thấy bắp chân người đi trước bởi độ dốc dựng đứng. Lúc trèo dốc khó khăn đến vậy, nhưng khi xuống dốc lại càng khó hơn bởi phải kìm chân để tránh trôi tuột xuống vực. Và không ai có thể đi nếu không có sự trợ giúp đắc lực của “chiếc gậy Trường Sơn”. Không ít lần chúng tôi được phen hú vía khi trượt ngã, quần áo lấm lem bùn đất.

 

Những bếp lửa biên cương

Độ dài các quãng đường “đi chốt” không phải đo bằng ki-lô-mét mà tính bằng thời gian. Để đến trạm chốt Nhọt Lợt, chúng tôi phải vượt qua đỉnh núi thứ nhất hết 2,5 tiếng đồng hồ, vượt đỉnh thứ 2 hết hơn 2 tiếng nữa mới tới. Cách trạm chốt khoảng 45 phút đoàn phải đi giữa con suối chảy luồn dưới tán rừng gỗ pơ mu nguyên sinh. Nước suối trong vắt, soi rõ từng chiếc lá nằm dưới đáy nước và tuyệt nhiên không có một con cá nào sinh sống bởi nhiệt độ quá lạnh nên cá không thể sống, mùa Đông hầu như nước suối đều đóng băng ở bề mặt.

Cứ hết một con dốc là gặp một con suối cắt ngang. Càng lên cao gần đỉnh Trường Sơn, nước suối càng lạnh. “Nơi đây sáng nắng chiều mưa. Mùa Đông có khi cả tháng không thấy mặt trời, rừng núi âm u và sương mù đặc quánh. Phơi áo quần không bao giờ khô” – giọng kể của Đại úy Vừ Bá Lồng đều đều vang lên cùng bước chân.

 

Gần 17h, rừng chiều đã âm u lắm. Chốt biên phòng Nhọt Lợt hiện ra nằm lọt thỏm giữa một thung lũng nhỏ trên dãy Trường Sơn giáp với tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào, bao quanh là rừng rậm và núi cao ngút tầm mắt. Qua một ngày mệt mỏi vượt núi rừng, nhìn từ xa, làn khói trắng của bếp lửa nơi biên cương lững thững, mềm mại bay lên giữa bát ngát núi rừng đem lại cho chúng tôi cảm giác thân thương, xao xuyến đến lạ. Làn khói ấy bay lên, mùi khói thơm nồng như xua tan không khí giá lạnh của rừng chiều, và làm dịu lại cái nóng phừng phừng của mỗi người qua một chặng đường dài leo núi cùng ba lô nặng trĩu trên vai. Đặt chân đến chốt, chúng tôi cảm tưởng như mình đã trở về nhà, trở về nơi ấm áp, bình yên cùng những cảm xúc thật thiêng liêng khi được gặp những người chiến sỹ bộ đội biên phòng đóng quân nơi núi rừng biên viễn.

Ở chốt không có điện lưới, không có sóng điện thoại. Chỉ có một nơi duy nhất cách vị trí đóng chốt hơn 1 tiếng đi bộ đường rừng là có “sóng rơi”, là có thể bắt được sóng điện thoại một cách chập chờn mà các chiến sỹ vẫn gọi là “Trạm BTS Trường Sơn”. “Trạm BTS” ấy nằm ở lưng chừng một ngọn núi với khoảng đất rộng chừng 2m2, phía trên căng tấm ni lông nhỏ đủ chỗ cho khoảng 3 người trú mưa.

 

Khi màn đêm phủ khắp núi rừng Trường Sơn cũng là lúc phải dùng đến áo bông dày bởi nhiệt độ xuống thấp, và phải giữ bếp lửa không khi nào tắt mới đảm bảo đủ ấm. Hơi ấm từ bếp lửa bập bùng khiến bữa cơm tối ở bình độ 1.000m so mực nước biển nơi sườn núi trên dãy Trường Sơn càng thêm ấm cúng. Cơm sần sật do chưa chín. Anh Vừ Bá Lồng phân trần: “Phóng viên thông cảm. Cơm sống là chuyện bình thường. Thi thoảng, anh em đổi được gạo của bà con người Mông thì bữa ấy cơm ngon. Song việc đổi gạo cũng không dễ dàng!…”. Thực đơn thường nhật chủ yếu vẫn là rau tàu bay, hoa chuối rừng. Thi thoảng đánh bẫy được dăm con chim, con dúi cải thiện, còn nữa đều phải nhờ sự tiếp tế của đồng đội mỗi tháng 2 lần khi thay phiên trực chốt. Trung úy Lương Đình Triều góp chuyện: “Đóng quân ở đây không sợ thú rừng, không sợ phỉ mà sợ những vết cắn của vắt rừng, của ruồi vàng. Hầu như chân của chúng tôi ai cũng có chi chít những vết sẹo do vết cắn ruồi vàng để lại. Có người cả năm vết cắn vẫn không khỏi”.

Thường đêm đêm bên bếp lửa ấm, cán bộ, chiến sỹ tổ chốt lại kể nhau nghe những câu chuyện vui, nghêu ngao ca hát, cùng động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ bình yên biên cương. “Lính biên phòng chúng tôi, chan hoà tình đồng đội, ngủ rừng chung tay gối. Chung lá thư nhà gửi tới. Lính biên phòng chúng tôi, đường tuần tra biên giới. Chung niềm tin chắn lối, dù mưa dông nắng dội, vẫn lạc quan tiếng cười. Chúng tôi, chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi, yêu đất quê hương mình, vang khúc ca yêu đời…”. Khi những ca từ ấy cất lên quanh bếp lửa, mọi người lặng yên trong giây phút bởi cảm động, bởi cảm giác yêu thương thật khó tả. Trên đỉnh Trường Sơn, giữa màn đêm đặc quánh của núi rừng biên cương, dường như, quanh một bếp lửa rừng tý tách nồng đượm ấy còn có nhiều bếp lửa khác cháy trong lòng bởi tình yêu, sự hy sinh vì bình yên của Tổ quốc, vì sự nghiệp vun đắp tình hữu nghị sắt son “núi liền núi, sông liền sông” cùng người anh em bên kia dãy Trường Sơn.

Lời nhắc tới Pung Vai của các anh trong đoàn công tác mặn mà trong câu chuyện bên bếp lửa, và dần vào theo giấc ngủ mệt chập chờn của “cánh” phóng viên chúng tôi…

Nội dung: Hoài Thu - Mỹ Nga

Ảnh: PV - Clip: M.N

Thực hiện: Hữu Quân

Nguồn: Báo Nghệ An