Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cách đào tạo của JMG có phù hợp với cầu thủ HAGL?

Thực tế cho thấy các trung tâm đào tạo thuộc hệ thống đào tạo JMG chỉ thành công ở một vài nước châu Phi và không đem lại thành công (hoặc chưa) khi áp dụng ở châu Á.

Năm 2014, người hâm mộ Việt Nam sục sôi trước lứa cầu thủ của học viện HAGL Arsenal JMG được ra mắt - những cầu thủ chơi bóng với kỹ thuật và tư duy khác biệt với những cầu thủ trẻ còn lại.

Tuy vậy sự thành công của lứa cầu thủ trên vẫn là dấu hỏi khi những cái tên hay nhất mà hệ thống JMG từng đào tạo ra lại nằm ở châu Phi xa xôi.

Thành công lớn với Bờ Biển Ngà

Nguồn gốc của hệ thống đào tạo JMG bắt nguồn từ đất nước Bờ Biển Ngà. Năm 1993, ông Jean Marc Guillou, một cựu cầu thủ người Pháp, sang Abidjan làm quản lý kiêm HLV trưởng cho CLB ASEC Mimosas - một đội bóng mạnh, giàu truyền thống của Bờ Biển Ngà. Tại đây, ông cùng đội bóng và một số tập đoàn tư nhân đã kết hợp tạo ra học viện JMG đầu tiên có tên Abidjan JMG vào năm 1994.

 Yaya Toure - sản phẩm thành công nhất của lò JMG.

Về bản chất, đây chỉ là một lò đào tạo của riêng CLB ASEC như những lò đào tạo khác. Tuy vậy thành công họ đạt được là điều vượt xa mong đợi của chính người sáng lập. Lò Abidjan JMG sau một thời gian hoạt động sản xuất ra hàng loạt cầu thủ về mà về sau đã quá quen thuộc với người hâm mộ như anh em Kolo và Yaya Toure, Didier Zokora hay Emanuel Eboue, về sau còn có cả những Gervinho hay Salomon Kalou.

Cách thức đào tạo cùa Abidjan JMG rất cụ thể: họ chú trọng đào tạo về kỹ - chiến thuật cùng tư duy chơi bóng hiện đại lên các cầu thủ trẻ của Bờ Biển Ngà, những người vốn sở hữu nền tảng thể hình - thể lực ấn tượng. Ví dụ thành công nhất của cách đào tạo này có lẽ chính là Yaya Toure - một tiền vệ vừa sở hữu sức mạnh, sức bền và cũng có kỹ thuật thuộc hàng tốt nhất thế giới.

Thành công thấy rõ khi CLB ASEC duy trì vị thế đội bóng hàng đầu Bờ Biển Ngà, còn đội tuyển quốc gia nước này trở thành thế lực lớn ở châu Phi và có 3 lần tham dự World Cup với nòng cốt là những cái tên kể trên.

Nhờ thành công ấy, mô hình đào tạo của JMG được nhân rộng. Nhiều nơi trên thế giới bắt tay với Jean Marc Guillou để mở những học viên JMG với tham vọng đào tạo ra những Toure, Eboue hay Gervinho mới. Tới nay đã có tới 10 học viện JMG được ra đời.

Không chỉ có màu hồng

Tuy vậy, các học viện JMG trên thế giới vẫn chưa thực sự để lại nhiều dấu ấn. Có thể thấy ngoài những tên tuổi người Bờ Biển Ngà kể trên, cả chục học viện JMG tới nay vẫn chưa cho ra lò một ngôi sao nào sánh tầm với họ.

Và chưa cần là những ngôi sao tầm cỡ, việc đào tạo ra những cầu thủ giỏi không thôi đã gặp nhiều khó khăn, hai trong số những ví dụ cụ thể là lò JMG Madagascar và JMG Chonburi.

 Những cầu thủ của lò JMG Madagascar.

Trong các nước châu Phi học theo mô hình của JMG, Madagascar là trường hợp kém hiệu quả nhất. Năm 1999, Tổng thống Madagascar là Ratsiraka đích thân mời ông Jean Marc Guillou đầu tư một Học viện JMG khác tại Mandagascar - một quốc gia có nền bóng đá kém phát triển tại châu Phi với tham vọng biến bóng đá nước này thành một Bờ Biển Ngà tiếp theo. Mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ khi tuyển sinh được 48 học viên sau 3 khóa, và có tới 15 cầu thủ thuộc lò này được triệu tập lên tuyển quốc gia.

Tuy vậy, các cầu thủ nói trên chỉ có trình độ nhỉnh hơn đồng nghiệp tại Madagascar chứ so với mặt bằng chung châu Phi, họ vẫn ở một đẳng cấp thấp hơn nhiều. Trong những học viên kể trên, chỉ có 2 cầu thủ được xuất khẩu, một người chơi ở giải hạng Tư của Pháp và người kia chơi cho Muongthong United của Thái Lan. Tới nay trên bảng xếp hạng FIFA, đội tuyển Madagascar xếp dưới tuyển Việt Nam hàng chục bậc và học viện JMG Madagascar cũng bị đóng cửa vào năm 2012 sau 12 năm hoạt động.

Lò JMG Chonburi tại Thái Lan cũng đi theo vết xe đổ của JMG Madagascar. Cuối năm 2004, JMG mở thêm 1 học viện tại Chonburi, cách Bangkok 200 km. Đây cũng là học viện JMG đầu tiên tại châu Á, được mở ra với hy vọng xuất khẩu cầu thủ sang châu Âu kiếm lời và bét lắm mới bán cho các câu lạc bộ trong nước.

 Suporn Peenagatapoh (trái) là cái tên đáng chú ý nhất của JMG Thái Lan.

Tuy vậy đến năm 2012, lứa cầu thủ khóa 1 của lò Chonburi JMG không một ai đủ trình độ để thi đấu tại châu Âu. Hai ngôi sao của lò này từng được Arsenal thử việc song bị trả lại sau hơn chục ngày. Người để lại dấu ấn lớn nhất có lẽ là Suporn Peenagatapoh - từng chơi cho U22 Thái Lan và giờ khoác áo Muongthong United. Còn với lò Chonburi JMG, họ cũng giải thể sau khi không thể hồi vốn từ cách bán cầu thủ.

Chỉ phù hợp với châu Phi?

Tới nay, hệ thống đào tạo của JMG đã mở ra 10 học viện trên thế giới, nhưng phân bổ không đều trên thế giới. Trong số này chỉ có 3 học viện bên ngoài châu phi gồm HAGL (Việt Nam), Chonburi (Thái Lan) và Lierse (Bỉ). Thành công của HAGL JMG vẫn chưa thể đánh giá, song có thể nhìn nhận Chonburi JMG là một thất bại. Với học viện Lierse, người ta cũng chưa nhìn thấy thành công khi lò này chưa đào tạo ra một ngôi sao nào tương xứng.

Đến đây, câu hỏi lò JMG có thành công với các nước ngoài lãnh thổ châu Phi hay không lại được nêu ra. Tại sao trong 10 học viên JMG lại chỉ có 3 học viện được mở ở nước ngoài - con số quá ít ỏi và hiệu quả thì chưa thấy đâu? Có phải cách đào tạo của JMG không phù hợp với bóng đá châu Á nên hiếm nhà đầu tư nào tại lục địa này mạo hiểm hợp tác với JMG?

 Sau thời của anh em Toure hay Zokora, lò JMG vẫn chưa sản sinh ra một ngôi sao tầm cỡ nào.

Bên cạnh đó, một câu hỏi được đặt ra là tại sao cách huấn luyện thiên về tư duy cùng kỹ chiến thuật của JMG chỉ áp dụng được với những cầu thủ đã có sẵn ưu thế về mặt thể hình, thể lực và sức bền như Bờ Biển Ngà, Ghana... Còn các nước châu Á vốn thất thế ở những yếu tố trên nên cách đào tạo không chú trọng sức mạnh trở nên không hợp lý?

Thất bại của JMG Madagascar cũng phần nào trả lời cho câu hỏi trên. Cùng là quốc gia châu Phi, cùng được đào tạo như Bờ Biển Ngà nhưng Madagascar châu Phi thất bại phần lớn do thể chất hạn chế. Khác với các quốc gia châu Phi lục địa, người Madagascar có gốc gác châu Á, đến từ một số đảo và quần đảo tại Malaysia, Indonesia hay Ấn Độ - với thể chất không hơn nhiều với người Việt Nam và hoàn toàn thất thế so với người châu Phi lục địa.

Một câu hỏi nữa được đặt ra là liệu cách đào tạo của JMG có còn hợp lý trong bối cảnh bóng đá đã phát triển rất nhiều so với thời điểm anh em Toure hay Eboue, Kalou được đào tạo? Bằng chứng rõ nhất có lẽ là việc Abidjan JMG - nơi đào tạo những cái tên kể trên cũng đã phải giải thể năm 2010.