Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tiền ảo rớt giá, 'nông dân' đào bitcoin bán tháo 'trâu cày'

Thời điểm tiền ảo bùng phát, đã có hơn 3 triệu card VGA được sử dụng vào các hệ thống đào tiền ảo và từng khiến giới game thủ kêu trời vì phải mua với giá rất cao. Còn bây giờ đã khác.

“Nông dân” bán tháo “trâu cày”

Năm 2017 ở giai đoạn đỉnh cao khi mà giá tiền ảo có lúc lên đến gần 20.000 USD một đồng tiền ảo đã tạo nên một thế hệ “nông dân bốn chấm không” kiếm sống và làm giàu bằng “trâu cày”. “Trâu cày” ở đây chính là card VGA cực mạnh làm nhiệm vụ tính toán, giải mã phục vụ cho các giao dịch tiền ảo và được trả công bằng tiền ảo, gọi chung là Crypto.

Ngoài chi phí đầu tư ban đầu thì “trâu cày” chỉ tốn thêm tiền điện cho hệ thống hoạt động. Và dù chi phí tiền điện khá cao song với giá tiền ảo cao ngất, “trâu cày” đem về mức lợi nhuận “khủng” cho “nông dân”. Ở thời điểm cao trào của tiền ảo, không ít “nông dân” khoe chỉ 2-3 tháng là đã hoàn vốn đầu tư “dàn trâu”.

Sang năm 2018, gió đổi chiều, Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH) và các đồng tiền ảo khác mất giá thê thảm. Đến thời điểm này, giá Bitcoin chỉ loanh quanh mức 6.000-7.000 USD/BTC. ETH cũng tương tự, khi còn chưa đến 250 USD/ETH. Những loại coin khác thì xuống dốc không phanh, thậm chí là “về mo”. Nguồn thu sụt giảm vì tiền ảo mất giá trị và ngày càng khó “cày” hơn trong khi chi phí tiền điện lại tăng khiến nhiều “nông dân” không kham nổi và buộc phải bán “trâu”.

Card VGA trâu cày được bán nhộn nhịp trên thị trường 


Riêng một số “nông dân” kiên trì đeo bám thì có nhu cầu chuyển từ “trâu tự lắp ráp” sang “trâu chuyên nghiệp” (máy đào chuyên nghiệp) hoặc nâng cấp “trâu” mới nên thanh lý “trâu” cũ. Thanh lý “trâu”, đồng nghĩa với thanh lý card đồ họa bởi đây là nhân tố chính có giá trị nhất trong hệ thống “trâu cày” đào tiền ảo.

Chiến dịch xả hàng

Hệ lụy của tiền ảo rớt giá là chiến dịch xả hàng “trâu cày” với mức giá chỉ bằng khoảng 40-60% mua mới. Có đủ loại thương hiệu như ASUS, MSI, Palit, Power Color... Tất cả các thương hiệu này đều phải dùng chip của AMD (được gọi là trâu đỏ) hoặc NVIDIA (trâu xanh). Nguồn hàng này có thời gian sử dụng trong khoảng vài tháng đến 1 năm. Do cần bán gấp nên hầu hết các “nông dân” chỉ có thể bán nhanh qua các thương lái hoặc cho các cửa hàng máy tính lớn. Sau khi gom hàng, thương lái sẽ vệ sinh và tự ra cơ chế bảo hành tùy vào tình trạng của “trâu cày”.

Đáng chú ý, do mật độ xả hàng dày từ đầu năm đến nay nên hiện tại, giá VGA “trâu cày” xuống rất thấp so với thời điểm 6 tháng đầu năm 2018. Chỉ cần khoảng 2,7 triệu đồng là đã sở hữu được “trâu” GTX 1060 3GB, trong khi mức giá này chỉ có thể mua được GTX 1050 2GB thời điểm 4 tháng trước.

Tương tự, trong tầm giá 2 triệu đồng, ai ưa card đồ họa mạnh hoàn toàn có thể “săn” được card 470 PowerColor 4GB bảo hành đến 2020. Không chỉ bán từng card riêng lẻ, chiến dịch xả hàng thể hiện ở việc rao bán nguyên dàn với số lượng từ 6 đến 10 card/dàn. Dĩ nhiên, giá nguyên dàn sẽ rẻ hơn khoảng 10% so với mua riêng lẻ.

Game thủ và những người cần xử lý đồ họa đặc biệt thích card VGA trâu cày 


Không ngại “trâu cày”, game thủ ôm hàng

Một máy tính có GPU mạnh sẽ giúp hình ảnh game xuất ra màn hình đẹp hơn, mượt hơn cũng như có thể bật được các hiệu ứng đồ họa cao cấp giúp cho việc trải nghiệm game sống động, hấp dẫn. Theo đó, game thủ sẽ tiết kiệm được chi phí lớn nếu sử dụng VGA “trâu cày” thay vì mua mới. Cụ thể, card GTX 1060 6GB có giá mới 100% gần 9 triệu đồng. Trong khi hàng “trâu cày” chỉ có giá gần 4 triệu. Vì thế VGA “trâu cày” luôn được game thủ và các đại lý chơi game Internet săn lùng nhờ có giá tốt.

Điều này lý giải vì sao hàng “trâu cày” vốn nổi tiếng nhanh xuống cấp do hoạt động hết công suất liên tục 24/24 trong một khoảng thời gian dài, nhất là vùng quanh chip sẽ có hiện tượng màu sắc không đồng đều với những vị trí khác vẫn có lượng giao dịch tốt. Nói nôm na, dùng VGA “trâu cày” chả khác nào đương đầu với rất nhiều rủi ro vì VGA “trâu cày” sẽ dễ phát sinh lỗi. Ngay cả việc nhà phân phối chính hãng từ chối bảo hành cũng đã đủ nói lên chất lượng loại hàng này.

Song, như giải thích của một chủ tiệm net, ở đây có hàng chục máy thì việc hỏng hóc 1-2 máy không quá nguy hiểm trong khi chi phí đầu tư sẽ giảm rất đáng kể nếu chọn “trâu cày”. Chưa kể, hàng lỗi, hỏng vẫn được các thương lái bán VGA “trâu cày” bảo hành bằng cách đổi cho cái khác nên thị trường này vô cùng nhộn nhịp.

Và mặc cho nhiều lo ngại về tuổi thọ và độ bền của VGA “trâu cày”, thương lái ra sức ép “nông dân” lỡ vận giá bán, giá mua để ôm hàng và bán lại với giá cao hơn cho người dùng khác có nhu cầu. Thậm chí, một số còn lập lờ đánh lận, tách nhỏ lô hàng, tháo tản nhiệt vệ sinh để bán với thông tin hàng cũ thanh lý chứ không phải hàng VGA “trâu cày” để bán cho người dùng thiếu kinh nghiệm.