Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trải nghiệm Di Linh

Nói tới du lịch vùng đất lạnh, người ta thường nhớ ngay tới cao nguyên Lâm Viên với điểm nhấn Đà Lạt, còn cao nguyên Di Linh kế bên dường như bị lãng quên. Nhưng nhờ vậy, gần đây điểm đến này đang “gây sốt” lại ở chính nét hoang dã, hùng vỹ của đại ngàn Tây Nguyên được gìn giữ.

 Hồ Kala.

Di Linh là huyện miền núi thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Di Linh. Là vùng đất đỏ Bazan màu mỡ, diện tích tự nhiên huyện Di Linh hơn 162.000 ha, dân số 166.800 người, khí hậu mát mẻ, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Nhưng bao năm qua, nằm kế bên cao nguyên Lâm Viên có Đà Lạt, nên nơi này bị lép vế. Gần đây, du khách truyền tai nhau về những điều cái lạ và độc đáo khiến vùng đất Di Linh đang dần trở nên quen thuộc trên bản đồ du lịch.

Ấn tượng đầu tiên là địa hình Di Linh với đồi núi trập trùng nối tiếp nhau giăng khắp các hướng nhìn: Núi cao Brah-Yang (1.874 mét), núi Yang Doan (1.812 mét) và núi Pantar (1.654 mét)… tạo nên một cảnh tượng vô cùng choáng ngợp.

Thị trấn xinh đẹp Di Linh sở hữu một công trình kiến trúc Pháp nguyên vẹn là Dinh Tỉnh trưởng. Đặc biệt, huyện Di Linh là vùng trồng cà phê lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với hơn 41.700 ha (chiếm 93%) diện tích cây lâu năm, năng suất 32 tạ/ha, sản lượng đạt 133.440 tấn/năm (chiếm 40%) sản lượng cà phê tỉnh Lâm Đồng.

Thương hiệu “Cà phê Di Linh” ngày càng được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước. Cách trung tâm Di Linh chừng 14 km, hồ nhân tạo Kala được xây để chứa nước cho thị trấn, đồng thời cũng là nơi nuôi cá tầm. Thời điểm đẹp nhất ở đây là lúc chiều tà, khi nắng nhẹ, không gắt, mặt hồ phản chiếu những tia sáng lấp lánh như một tấm gương khổng lồ còn xung quanh là rừng thông và đồi núi. Bạn có thể thuê thuyền của ngư dân chở ra đảo rồi chọn một chỗ đất phẳng cắm trại qua đêm.

Trải nghiệm cảnh núi rừng Tây Nguyên ở Di Linh khiến du khách càng đi càng mê mẩn. Về hướng Nam khoảng 6 cây số, nằm bên lề quốc lộ 20 Dầu Giây lên Đà Lạt là con thác hùng vĩ Bobla.

Chỉ cách khu dân cư chừng khoảng 300 mét, thác nằm lọt thỏm giữa núi đồi, bao quanh là rừng già. Dòng nước chảy đến đây đột ngột rơi xuống từ độ cao chừng 30 mét tạo bức màn khói hư ảo che làn nước hung hãn như chực chờ nuốt chửng mọi thứ. Dòng nước qua làn khói ấy trở nên mềm mại rồi lượt là len lỏi qua những hốc đá chảy đi nhẹ nhàng về phía hạ nguồn. Lối dẫn vào thác là con đường bậc thang phủ rêu phong dài chừng một cây số, bao phủ là rừng cây mát rượi. Tới thác để tận hưởng vẻ đẹp đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, sống trong không gian tinh khiết và sự tĩnh lặng của rừng già.

Nếu yêu thích khám phá những con thác, vẫn theo quốc lộ 20 nhưng đi về hướng Bắc du khách sẽ gặp những con thác hùng vĩ gắn liền với ông vua cuối cùng của triều Nguyễn. Được Tây hóa, vua Bảo Đại trở thành một ông vua hưởng thụ ưa săn bắt và vui thú với thiên nhiên hoang dã. Hai ngọn thác Pongour và Jráiblian ở Đức Trọng đều gắn với tên tuổi của ông. Và đó cũng là hai ngọn thác hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng của Di Linh. Trên đường đi, du khách sẽ bắt gặp những thung lũng thấp thoáng những ngôi nhà nhỏ nơi bản làng. Liên hệ với người dân bản địa bạn sẽ được tiếp đón nồng nhiệt trong tiếng cồng chiêng, bên ché rượu cần và những đặc sản riêng có của vùng đất này.

Còn tại trung tâm huyện lỵ theo quốc lộ 28 xuôi về hướng Đông, những con đèo đẹp uốn lượn như dải lụa mềm len giữa rừng già. Đoạn đèo Gia Bắc khá nhỏ hẹp, quanh co nhiều khúc cua nhưng lại sở hữu cảnh thiên nhiên khá đẹp. Đường rải nhựa, hai bên cây xanh um, chốc chốc được chiêm ngưỡng cảnh tươi tốt mát mắt của những rẫy cà phê dưới chân đèo khiến bạn có thể thư giãn hoàn toàn. Nếu di chuyển bằng xe máy, thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp vài căn chòi dừng chân nho nhỏ vệ đường để khách uống nước giải khát, nghỉ ngơi, hít thở không khí trong lành của núi rừng mà ở thành phố bạn khó có thể cảm nhận được.

Đây cũng là con đường do người Pháp xây dựng từ hơn một thế kỷ qua dựa trên lối mòn của người dân bản địa. Hơn trăm năm trước, lối mòn này in dấu chân người Thượng mang những sản vật của núi rừng từ cao nguyên Di Linh xuống miền biển để đổi lấy lương thực và muối.

Nói đến Di Linh không thể không nhắc đến Khu điều trị phong nổi tiếng nằm tại địa phận xã Bảo Thuận, là nơi khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân phong với thắng cảnh yên bình, êm ả. Là nơi không còn những định kiến của người đời dành cho căn bệnh hiểm nghèo ấy, mà chỉ có tấm lòng của người với người dành cho nhau thật ấm áp.

 Bình yên Di Linh.

Cùng với thế mạnh về du lịch thắng cảnh, Di Linh còn là nơi có bản sắc văn hóa đặc sắc do hội tụ nhiều dân tộc anh em sinh sống. Hằng năm nhiều xã trong huyện thường tổ chức các lễ hội Mừng lúa mới, Đâm trâu, … với nhiều nghi thức mang đậm sắc thái của vùng núi rừng Tây Nguyên.

Ngoài ra một bộ phận người dân tộc Nùng ở địa phương hằng năm còn tổ chức các lễ hội Cầu siêu, cầu an, … còn lưu giữ được rất nhiều nghi thức mang đậm bản sắc văn hóa của một bộ phận dân tộc phía Bắc nước ta. Lang thang vào các rẫy cà phê hay các bản làng, du khách sẽ nghe được những câu chuyện đời thực mang màu sắc huyền thoại. Cao nguyên Di Linh ngày trước là những khu rừng ẩm ướt đầy voi, hươu nai, hoẵng và cả tê giác.

Dù thường xuyên bị xâm lấn để dành quyền đô hộ, hưởng những sản vật cống nạp quý giá từ rừng già, nhưng các tộc người bản địa vẫn bất khuất chống lại. Nhờ đó, họ vẫn giữ được đất, văn hóa của mình đến ngày nay. Những câu chuyện chống giặc và sự trù phú của cuộc sống hoang dã ngày xưa khiến những chuyến đi không thể chỉ là lướt qua hay chụp ảnh đơn thuần mà du khách phải lặn lội, ngồi lại cùng người dân ở các bản làng để nghe về vùng đất Di Linh của hàng thế kỷ trước.

Di Linh đã và đang nỗ lực không ngừng để bảo tồn, tôn tạo, trùng tu và phát triển những thắng cảnh du lịch sinh thái của địa phương cùng với việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa vât thể, phi vật thể của các dân tộc anh em đang sinh sống để đưa điểm đến Di Linh trở nên hấp dẫn trong hành trình đến Đà Lạt.