Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều đoàn cán bộ đi nước ngoài chủ yếu để... tham quan, du lịch

Tại một số bộ, ngành, có trường hợp cán bộ đi nước ngoài với nội dung khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng chủ yếu là để tham quan, du lịch, giải quyết chế độ, chính sách.

 Phiên họp thứ 27 của Uỷ ban TVQH

Đó là một trong những nội dung được Uỷ ban Tư pháp đề cập khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ. Nội dung này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 27 diễn ra sáng 14/9.

Tham nhũng xảy ra ngay trong cơ quan chống tham nhũng

Uỷ ban Tư pháp đánh giá, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực. Đáng lưu ý, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, nhiều vụ vi phạm liên quan đến cán bộ cao cấp, sĩ quan cao cấp trong Công an, Quân đội, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu… được phát hiện và xử lý nghiêm minh, đã thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng Báo cáo mới chỉ nêu ra một số cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt mà chưa chỉ ra được cơ quan, đơn vị, địa phương nào chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng; vẫn chưa tách bạch được sai phạm về tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; một số hạn chế tồn tại qua nhiều năm nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Về tổ chức, hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, Uỷ ban Tư pháp cho biết trong năm 2018 vẫn tiếp tục xảy ra một số vụ việc tiêu cực ngay trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng. Đáng lưu ý, đã phát hiện, xử lý một số vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, sai phạm lớn mà người phạm tội, vi phạm pháp luật là cán bộ, sỹ quan cao cấp, ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật và lòng tin của nhân dân.

Về công khai, minh bạch hoạt động và trách nhiệm giải trình được đánh giá vẫn còn hạn chế, chưa có nhiều cải thiện.

Đặc biệt, còn tình trạng không công khai, lạm dụng yêu cầu bảo mật thông tin để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp, chậm công khai theo quy định của pháp luật vẫn diễn ra.

Trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong nhiều trường hợp chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đã gây nghi ngờ trong dư luận, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác phòng ngừa tham nhũng.

Móc ngoặc giữa Nhà nước với tư nhân để tạo "sân sau"

Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, bên cạnh những kết quả đạt được, Uỷ ban Tư pháp cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục như cải cách hành chính tại mộtsố bộ, ngành, địa phương còn chậm, vẫn còn tình trạng “giấy phép con”, việc cắt giảm chi phí thủ tục hành chính hiệu quả còn thấp; tình trạng nhũng nhiễu, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc đối với người dân, doanh nghiệp còn diễn ra nhưng việc xử lý trong một số trường hợp vi phạm chưa nghiêm, gây bức xúc trong dư luận.

Cùng với đó, tinh giản biên chế chưa đáp ứng yêu cầu, bộ máy còn cồng kềnh, dư thừa cấp phó, còn tình trạng bổ nhiệm nhiều cán bộ trước khi nghỉ hưu, bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn theo quy định gây hoài nghi trong dư luận.

Về thực hiện quy tắc ứng xử và chuyển đổi vị trí công tác, mặc dù Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, không được để người thân thích kinh doanh trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực mình trực tiếp phụ trách... nhưng qua giám sát, phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, việc thực hiện các quy định này còn chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, rút tiền của nhà nước…

Bên cạnh đó, Uỷ ban Tư pháp cho hay, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và phản ánh của dư luận thì tại một số bộ, ngành, địa phương, việc lập, phê duyệt đoàn đi công tác nước ngoài còn chưa đúng quy định, có trường hợp lãnh đạo đi công tác nước ngoài nhiều lần trong năm, nhiều đoàn ra nước ngoài với nội dung khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng chủ yếu là để tham quan, du lịch, giải quyết chế độ, chính sách… vẫn diễn ra.