Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Dù kết quả thế nào, hãy nhớ rằng ông Park Hang-seo đã làm cho Việt Nam 2 điều vĩ đại

U23 Việt Nam & U23 Hàn Quốc "tham bát bỏ mâm" khi bằng mọi giá giành được thành tích ở Asiad 2018? Và lối chơi của HLV Park Hang-seo sẽ giết chết bóng đá Việt Nam? Không hề!

 

1. Không phải đến thời điểm này, khi U23 Việt Nam chễm chệ ngồi "ghế trên" cùng 3 đội bóng hàng đầu châu Á khác ở vòng bán kết Asiad 2018, những luận điệu rằng HLV Park Hang-seo xem thành tích là cứu cánh khi đem sang Malaysia đủ 3 cầu thủ O23, cùng dàn quân thiện chiến nhất của U23 Việt Nam, cũng như lối chơi tiêu cực của ông trước các đội bóng mạnh sẽ khiến thui chột các tài năng trẻ, mới được gióng lên.

Hai luận điệu ấy, vốn dĩ đã được nhắc đến khá nhiều ở cả trước thềm, lẫn trong giải vô địch U23 châu Á hồi tháng Giêng - giải đấu mà U23 Việt Nam lập nên kỳ tích với ngôi Á quân châu Á, và bùng nổ với bài viết mang tựa đề "Đừng để Việt Nam trở thành một Hy Lạp tiếp theo" của phóng viên thể thao người Australia - Scott McIntyre.

Chiều nay, U23 Việt Nam sẽ tranh suất vào chung kết Asiad 2018 cùng U23 Hàn Quốc. Cả hai đội bóng đều đem đến giải đấu lần này đội hình tốt nhất mà mình có thể có được. Trong khi đó, Thái Lan, Nhật Bản, và thậm chí là Bahrain - đối thủ ở vòng 1/8 của thầy trò HLV Park Hang-seo đều từ chối 3 suất trên 23 tuổi, thậm chí tham gia giải bằng đội hình U21. Phải chăng cả Việt Nam lẫn Hàn Quốc đều quá ích kỷ khi "đội thành tích lên đầu"?

 

Không phải. Sự khác nhau chỉ nằm ở định hướng của mỗi nền bóng đá là khác nhau, nên cách họ tiếp cận với giải đấu này một cách khác nhau. Đấy là lựa chọn, không phải là tiêu chí để đánh giá động lực của nhau.

Với Hàn Quốc, không hẳn là họ dùng đội tuyển U23+3 để hỗ trợ cho việc ngôi sao Son Heung-min giành được quyền miễn nghĩa vụ quân sự, mà họ tôn trọng giải đấu, và quyết tâm vô địch bằng tất cả những gì có thể.

Với Việt Nam, đây là cơ hội quá tốt để "thế hệ vàng" của những Quang Hải, Công Phượng, Bùi Tiến Dũng, Văn Toàn... có được trải nghiệm cực kỳ quý giá ở cấp châu lục, trước khi những cầu thủ đã đủ 23 tuổi bước chân ra đấu trường "người lớn", và những ngôi sao 19, 20 và 21 tuổi sẽ phải nghiêng vai gánh trọng trách mà lứa đàn anh để lại. Nên nhớ, sẽ có rất nhiều người trong số họ là nòng cốt của ĐTQG hiện tại, cũng như tương lai rất gần.

Thái Lan hay Nhật Bản, thậm chí là Bahrain có thể có được lực lượng dồi dào và có chiều sâu để nhường sân chơi Asiad cho các cầu thủ trẻ, hoặc lấy đây làm bước chạy đà cho Olympic 2020, nhưng hãy nhớ rằng bóng đá Việt Nam chỉ vừa mới bước ra khỏi một cơn khủng hoảng trầm trọng, sau hai thất bại liên tiếp ở AFF Cup 2016 và SEA Games 2017.

 Bước ra từ đống đổ nát, bóng đá Việt Nam đang hướng tới một tương lai huy hoàng.

Những sự lựa chọn sai lầm của HLV Hữu Thắng về cả nhân sự lẫn lối chơi cho cả ĐTQG lẫn U22 Việt Nam không chỉ biến những giải đấu mà bóng đá Việt Nam tham gia thành thảm họa, mà còn khiến lứa cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam trong hàng chục năm trở lại đây tự nghi ngờ bản thân, và tai hại nhất là khiến người hâm mộ quay lưng với bóng đá nước nhà.

Sau hơn 18 tháng dưới bàn tay của HLV Hữu Thắng, bóng đá Việt Nam đã kịp xóa đi bằng sạch những gì tốt đẹp, đáng tự hào nhất, và thay vào đó bằng một đống đổ nát ngổn ngang. Còn nhớ ngày HLV Mai Đức Chung tiếp quản tạm quyền chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG, có mấy người Việt Nam dám tin rằng đội tuyển có thể thắng được... Campuchia trên sân khách.

Kỳ tích mang tên U23 đã dựng bóng đá Việt Nam dậy từ đống đổ nát. Những viên gạch xây móng luôn là những viên gạch tốt nhất, và HLV Park Hang-seo đã đúng khi xây lại bóng đá Việt Nam từ những Công Phượng, Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Hậu...

Bóng đá Việt Nam đang có một "thế hệ vàng", nhưng HLV Park Hang-seo vẫn phải "liệu cơm gắp mắm" để có được một đội hình ưng ý, và sự chênh lệch giữa các vị trí chính thức và dự bị vẫn còn khá lớn. Chẳng có lý do gì khiến nhà cầm quân người Hàn Quốc này lại từ bỏ một cơ hội tốt như thế ở đấu trường châu lục cho các học trò của mình.

 Asiad 2018 là trải nghiệm cực kỳ đáng giá với các cầu thủ trẻ Việt Nam.

Ở Asiad 2018, với Hùng Dũng, Văn Quyết và Anh Đức, không những U23 Việt Nam có được những sự hỗ trợ cần thiết để có thể đỡ phải "nhón chân" khi phải đối đầu với những đối thủ hàng đầu châu lục, hơn thế, là khơi dậy được khát vọng cạnh tranh để hoàn thiện chính mình từ các cầu thủ trẻ. Chẳng phải nhìn Anh Đức - tiền đạo đã 33 tuổi, thi đấu, những Văn Toàn, Công Phượng, Văn Đức, Đức Chinh sẽ có động lực hơn sao?

2. Dưới thời HLV Park Hang-seo, chẳng thể phủ nhận rằng U23 Việt Nam đã có những trận đấu thực sự "xấu xí", bởi lối đá phòng ngự tiêu cực, cũng như lối đá "gây mê" đến phát chán. Nhưng nên nhớ, chính ở những trận đấu như thế, người ta mới thấy rõ được tinh thần quật cường và sức chiến đấu bền bỉ đáng ngạc nhiên của các cầu thủ Việt Nam.

Và U23 Việt Nam cũng nào thiếu những trận cầu rực lửa, nhất là ở Asiad 2018. Chẳng phải U23 Nhật Bản đã phải toát mồ hôi trước một U23 Việt Nam dồn ép đến kinh hoàng, khiến họ tự dính sai lầm và phải trả giá bằng thất bại đó sao?

 Sự linh hoạt của các tuyển thủ khiến U23 Việt Nam cực kỳ nguy hiểm với các đối thủ.

Trận đấu mới đây nhất của U23 Việt Nam là cuộc đối đầu với U23 Syria. Đấy là một trận đấu thực sự buồn ngủ, song nếu nhìn vào hai hiệp phụ, người ta sẽ thấy một U23 Việt Nam tấn công cực kỳ sắc bén trong sự chuyển đổi thế trận bất ngờ và cực kỳ xuất sắc của HLV Park Hang-seo. Trước khi Văn Toàn ghi bàn thắng quyết định, là những phút U23 Việt Nam liên tiếp có cơ hội ăn bàn.

Phòng ngự chặt chẽ hay tấn công rực lửa không phải là điều quan trọng nhất với nhà cầm quân người Hàn Quốc. Điều hay nhất của các tuyển thủ Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo là họ thích nghi cực nhanh với sự chuyển đổi sơ đồ chiến thuật, thực sự "chơi bóng bằng cái đầu".

So với lối chơi "một màu", chỉ chăm chăm duy nhất vào thứ bóng đá tiqui-taca đầy ảo tưởng dưới thời HLV Hữu Thắng, đấy là cả một cuộc cách mạng, không chỉ ở những đôi chân cầu thủ, mà thực sự thay đổi tư duy chơi bóng của cả một thế hệ cầu thủ Việt Nam.

 

Với những gì mà HLV Park Hang-seo truyền đạt thành công cho các học trò, giờ đây bóng đá Việt Nam đã sẵn sàng để đối đầu với mọi đối thủ khác nhau, với trình độ và các trường phái bóng đá khác nhau. Sự linh hoạt là chìa khóa cho thành công của U23 Việt Nam, và sẽ là nền móng cho những thành công trong tương lai của bóng đá Việt Nam.

Sự tự tin và linh hoạt, thoạt nghe chẳng mấy ấn tượng, nhưng nhìn vào hai kỳ tích kỳ vĩ của U23 Việt Nam, mới thấy những gì HLV Park Hang-seo đem đến cho bóng đá Việt Nam thực sự vĩ đại đến thế nào.

Biết cảm ơn ông thế nào cho đủ bây giờ, thầy Park?