Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ phá rừng lớn nhất Tương Dương: Trách nhiệm thuộc về ai?

Rừng xanh biên giới chảy máu ồ ạt là thực trạng đáng báo động trên địa bàn huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An). Các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt, xử lý thích đáng các trường hợp liên quan…

 Đây là vụ án phá rừng quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện Tương Dương

Tại buổi họp báo về tình hình KT-XH tỉnh Nghệ An vào cuối tháng 12/2017, khi nói đến vụ án phá rừng “xưa nay hiếm” tại khu vực biên giới thuộc địa phận 2 xã Tam Hợp và Lưu Kiền (Tương Dương), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng khẳng định: “Nghệ An sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không có vùng cấm”.

Trước đó, xét nội dung 2 báo cáo số 168/BC-UBND ngày 18/8/2017 và 171/BC-UBND ngày 23/8/2017 của huyện Tương Dương, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản số 213/UBND-NN đôn đốc các đơn vị liên quan: “Công an tỉnh chỉ đạo, đôn đốc Công an huyện Tương Dương chủ trì, phối hợp với Công an huyện Kỳ Sơn điều tra, làm rõ vụ án và xử lý nghiêm. UBND huyện Tương Dương chỉ đạo BQL RPH Tương Dương, HKL huyện khảo sát thực tế, xây dựng phương án thu hồi, vận chuyển, tập kết số gỗ khai thác trái phép…”.

Xin được nhắc lại, đây là một vụ án phá rừng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện Tương Dương, tổng khối lượng lên đến gần 300m3 (con số thực còn lớn hơn nhiều), bao gồm Pơmu và Samu, 2 loại gỗ quý thuộc nhóm II A. Với tính chất nghiêm trọng, bên cạnh việc sớm “lôi” các đối tượng “lâm tặc” ra ánh sáng, nhất thiết phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan.

Thế nhưng sau gần 1 năm rưỡi kể từ thời điểm phát giác, tình hình đang lâm vào tình cảnh bế tắc, với diễn biến như lúc này việc dư luận tỏ ra hoài nghi là điều dễ hiểu.

Qua thông tin khai thác được, do nhiều yếu tố nên việc xử lý các nghi can tham gia chặt phá số gỗ trên (có thể là các hộ dân vùng đồng bào dân tộc Mông ở bản Nậm Khiên 1, xã Nậm Càn và bản Phù Khả, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) vẫn đang là bài toán khó, thời gian điều tra đã được gia hạn đến lần thứ 3.

 Chủ rừng là BQL RPH Tương Dương

Ở chiều ngược lại, vào tháng 12/2017 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Quản lý kinh tế và Chức vụ (PC46) - Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 cán bộ công tác tại Hạt kiểm lâm Tương Dương. Sau khi xét tính chất, mức độ, 1 người được tại ngoại, 1 người bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.

Trước đó Cơ quan Cảnh sát điều tra phòng PC46 đã phối hợp với Công an huyện Tương Dương khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Đình Quyết (SN 1978, Trạm trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng bản Ang) và Phan Văn Trung (SN 1969, Trạm trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Tam Hợp) thuộc BQL RPH Tương Dương về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan đến vụ án này, nhiều đơn vị có liên đới (chính quyền cấp huyện, xã; Hạt Kiểm lâm; Đồn biên phòng; BQL RPH Tương Dương) nhưng không thể cào bằng do quyền hạn, chức năng khác nhau.

Trong vụ việc này phải bàn đến tư cách của đơn vị chủ rừng (BQL RPH Tương Dương), đành rằng 2 cán bộ địa bàn không hoàn thành nhiệm vụ đã bị phát giác nhưng như vậy là chưa đủ, nhất thiết cơ quan chức năng phải xác định rõ trách nhiệm của tập thể cũng như vai trò của người đứng đầu.

Xin được nhắc lại, vào tháng 7/2014 tại địa bàn xã Tam Hợp cũng xảy ra 1 vụ phá rừng quy mô lớn với tổng số lâm sản bị chặt phá trái phép là 156,768m3 (59 lóng gỗ tròn pơ mu, gỗ xẻ pơ mu là 46 tấm cùng một ít gỗ dổi)...