Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự?

Theo luật sư Lê Hồng Hiển, vụ trao nhầm con tại bệnh viện Đa khoa Ba Vì có thể xử lý hình sự nếu hành vi trao nhầm con được xác định là lỗi cố ý.

Những ngày qua, vụ việc anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, trú tại huyện Ba Vì, TP.Hà Nội) tố bệnh viện Đa khoa Ba Vì trao nhầm con cho gia đình anh đang gây xôn xao dư luận. Theo đó, vào đêm 31/10 – rạng sáng 1/11/2012, anh Sơn có đưa vợ đến sinh con tại bệnh viện Đa khoa Ba Vì. Sau đó, bệnh viện đã giao nhầm hai đứa trẻ sơ sinh là con của anh Sơn và con của chị Vũ Thị Hương (SN 1989, trú tại huyện Ba Vì) với nhau.

Từ khi phát hiện vụ việc trên, gia đình 2 bên đều rất sốc và bàng hoàng. Bi kịch gia đình xảy ra đã giáng xuống đầu 2 đứa trẻ mới chỉ 6 tuổi. 2 người mẹ với 2 nỗi đau quá lớn, họ vẫn chưa thể nguôi ngoai được những tổn thương mà họ phải trải qua trong suốt thời gian qua.

Đã không ít người tỏ ra xót xa, thương cảm cho 2 gia đình đồng thời đặt ra câu hỏi: Việc trao nhầm con tại bệnh viện Đa khoa Ba Vì có thể bị xử lý hình sự hay không bởi những hệ quả từ vụ việc đó là quá lớn.

 Bệnh viện Đa khoa Ba Vì.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Lê Hồng Hiển – hãng luật Lê Hồng Hiển và cộng sự cho biết: “Tùy theo tính chất, hậu quả, mức độ nghiêm trọng của hành vi người thực hiện mà có thể xử lý hành chính hoặc hình sự. Trong trường hợp, cơ quan điều tra xác định hành vi trao nhầm con được thực hiện với lỗi cố ý thì sẽ xử lý trách nhiệm hình sự về tội Đánh tráo người dưới 1 tuổi.

Tội phạm và hình phạt này được quy định tại Điều 152, Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt thấp nhất từ 2 - 5 năm tù và cao nhất từ 7 - 12 năm tù. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; Đối với người dưới 1 tuổi mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc phạm tội 2 lần trở lên”.

Luật sư Hiển tiếp tục nhấn mạnh: “Thậm chí, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm: Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

"Ngoài hình phạt chính, người phạm tội đánh tráo người dưới 1 tuổi có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung sau: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Cấm cư trú; Quản chế; Tước một số quyền công dân; Tịch thu tài sản; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính”, luật sư Hiển cho biết thêm.