Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An và Bỉ phối hợp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Sáng 17/4, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Ban quản lý Dự án Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được (RALG) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Bỉ và Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển truyền thông (IPS) tổ chức Hội thảo “Cải cách hành chính hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư tại tỉnh Nghệ An” .

Tham dự hội thảo có: Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam bà Jehanne Roccas; đồng chí Nguyễn Minh Hồng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo dự án RALG tại tỉnh Nghệ An; lãnh đạo HĐND tỉnh, các sở, ngành liên quan.

 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga

Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại khái quát những thành tựu, tiềm năng của tỉnh Nghệ An. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nghệ An đạt 8,25%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước là 6,7%.

Tỉnh có 1.777 doanh nghiệp mới được thành lập, tăng hơn 12% với tổng số vốn mới đăng ký là 9.920,8875 tỷ đồng. Nghệ An cũng cấp mới cho 165 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký lên đến 14.289,55 tỷ đồng.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Nghệ An trong những năm qua đã có những bước cải thiện đáng kể, từ vị trí 46 năm 2012 đã từng bước vươn lên đứng thứ 21 cả nước năm 2017.

"Tuy nhiên có 4 chỉ số chưa được cải thiện, thậm chí giảm như: gia nhập thị trường, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và thiết chế pháp lý" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thẳng thắn chỉ ra khi phân tích các chỉ số thành phần của PCI.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga.

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh PAPI những năm vừa qua cho thấy vị trí xếp hạng của Nghệ An nằm trong nhóm đạt điểm trung bình, thậm chí là trong nhóm trung bình thấp những năm 2013 và 2016.

Phần lớn các chỉ số có xu hướng giảm trong giai đoạn 2011 - 2015, đặc biệt là một trong hai năm trở lại đây. Theo báo cáo PAPI năm 2017, Nghệ An có duy nhất chỉ số Tham gia của người dân ở cấp cơ sở xếp thứ 17 cả nước, trong khi có đến hai chỉ số trong nhóm điểm trung bình thấp và 1 chỉ số thuộc nhóm điểm thấp nhất.

“Vì sao một tỉnh có nguồn tài nguyên đa dạng; nguồn lực lao động lớn; nhưng vẫn có vị thế kinh tế chưa tương xứng với những tiềm năng này. Vì sao hoạt động đầu tư kinh doanh ở Nghệ An vẫn chưa có sự đột phá mạnh mẽ để khai thác hết tiềm năng tỉnh nhà? Những nút thắt thể chế nào khiến Nghệ An chưa thể đột phá? Đó là câu hỏi mà lãnh đạo tỉnh luôn đặt ra" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại nêu lên.

Đồng chí Lê Xuân Đại khẳng định, hội thảo "Cải cách hành chính hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư tại tỉnh Nghệ An" là diễn đàn để mổ xẻ, phân tích và thảo luận để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.

 

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã “đặt hàng” tới các chuyên gia, giúp thẳng thắn làm rõ, không né tránh các câu hỏi:

1. Về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư kinh doanh, Nghệ An đang vướng phải nút thắt gì và gỡ như thế nào?

2. Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đang yêu cầu cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính, các chuyên gia, doanh nghiệp có khuyến nghị cụ thể gì cho tỉnh để tinh gọn và tăng tính hiệu quả của bộ máy hành chính nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn?

3. Cần làm gì trong xây dựng chính quyền điện tử để giúp cải thiện hiệu quả hoạt động điều hành, quản trị và cung cấp dịch vụ hành chính cho tỉnh Nghệ An?


 Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Jehanne Roccas phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Nga

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Jehanne Roccas đánh giá một số kết quả bước đầu khi triển khai dự án "Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Nghệ An" (2016). Thông qua đó, Bỉ đã làm việc với chính quyền Nghệ An để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thông qua cải thiện tương tác giữa chính quyền và người dân để cải thiện cung cấp dịch vụ công và tăng sự hài lòng của người dân.

“Chúng tôi lấy làm vui mừng trước những cam kết và nỗ lực của tỉnh Nghệ An trong việc hỗ trợ dự án hợp tác song phương này” - Đại sứ Bỉ khẳng định, đồng thời hi vọng trong thời gian tới Bỉ cùng với địa phương tiếp tục hợp tác, huy động mọi nguồn lực cần thiết để Dự án thành công, đạt được những kết quả như mục tiêu đề ra.

Bà Jehanne Roccas nhấn mạnh, hội thảo là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy sự tham gia của khối doanh nghiệp vào cải thiện chất lượng hoạt động của chính quyền và hi vọng tại hội thảo các đại biểu sẽ trình bày rõ cách thức mà người dân có thể có tiếng nói trong việc lập kế hoạch cải cách hành chính và hạn chế các khuyết điểm trong các hoạt động của chính quyền và cung ứng dịch vụ công.

Đại sứ Bỉ tại Việt Nam cam kết, trong năm 2018, dự án RALG có thể góp phần tăng cường năng lực của chính quyền địa phương ở tất cả các cấp.

 Đoàn Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam tham dự hội thảo. Ảnh: Mỹ Nga

Tại hội nghị, các đại biểu và diễn giả cùng nhau thảo luận về các vấn đề như: chất lượng và năng lực quản trị hành chính phục vụ cho kinh doanh và thu hút đầu tư tại Nghệ An thực trạng và những nút thắt chính; quản trị minh bạch, chất lượng thông tin phản hồi, công tác truyền thông để hướng tới quản trị địa phương tốt; thúc đẩy chính quyền điện tử nhằm cải cách dịch vụ hành chính công; trách nhiệm giải trình và minh bạch của chính quyền.

Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, các chuyên gia, đại biểu đã đối thoại với các doanh nghiệp để cùng nhau đưa ra những giải pháp, chính sách nhằm đưa Nghệ An trở thành tỉnh có môi trường kinh doanh và đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 TS. Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Th.S Nguyễn Hữu Hanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách phát triển truyền thông và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Nga

Kết thúc buổi hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại yêu cầu lãnh đạo các sở ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần nghiên cứu, thảo luận thêm với chuyên gia, với doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp cải cách.

Cụ thể, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với các ngành, các huyện tham mưu UBND tỉnh một số giải pháp thật sự đột phá để cải thiện chỉ số PCI, đặc biệt là các chỉ số quan trọng như: chỉ số không chính thức, chi phí thời gian, tính minh bạch, tính năng động, thể chế pháp lý phải đạt từ 7 điểm trở lên trong bộ chỉ số PCI.

Phó Chủ tịch thường trực Lê Xuân Đại nhấn mạnh, quan điểm cốt lõi, xuyên suốt của tỉnh là vai trò của bộ máy chính quyền địa phương phải tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thông qua cắt giảm, rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính, minh bạch hóa thông tin và phải nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ hành chính công điện tử.

Đồng chí cũng kiến nghị tới Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Tin học hóa, Hội truyền thông số Việt Nam hỗ trợ tỉnh Nghệ An trong việc xây dựng chính quyền điện tử, tạo hướng đột phá nâng cao chất lượng điều hành, chất lượng cung cấp dịch vụ.