Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều người Nghệ An tố bị lừa đi lao động khổ sai ở Tây Nguyên

Nhiều người ở huyện miền núi tỉnh Nghệ An được một người đàn ông rủ vào Bình Phước nhặt hạt điều lương cao. Tuy nhiên, họ tố cáo bị đưa đến Tây Nguyên lao động khổ sai, thường xuyên bị đánh đập.

Nhiều lao động bị lừa

Gia đình anh Vi Văn Trí là hộ nghèo ở bản Xốp Pu (xã Yên Na, Tương Dương). Mẹ mất cách đây gần 1 năm, bố tuổi cao không thể lao động được. Anh Trí là lao động chính trong gia đình, phải làm thuê đủ nghề để kiếm sống.

Một ngày cuối tháng 3, chị gái anh là Vi Thị Bán nghe lời giới thiệu của một người tên Ngọc quê ở Đô Lương rằng, thời gian này vào Bình Phước nhặt hạt điều mỗi ngày có thể kiếm được dăm trăm nghìn. Nhận thông tin từ chị gái, nghĩ rằng đó là một số tiền lớn nếu mình tích cực làm việc nên Trí rất mừng và đồng ý đi làm thuê.

 Nhà Vi Văn Trí thuộc diện hộ nghèo ở bản Xốp Pu (xã Yên Na, Tương Dương). Ảnh: Đào Thọ

Khi đi Trí mang theo một triệu đồng để chi tiêu. Ra đến bản Cửa Rào, Trí còn được người xưng tên Ngọc cho ứng trước 500 nghìn tiền công và bao luôn tiền xe. Tuy nhiên, mọi thứ không như anh nghĩ, chuyến xe đưa Trí cùng mọi người lên thẳng khu vực Tây Nguyên.

Anh Trí cho biết, tại đây, nhóm lao động được một ông chủ tên Duy đưa lên thẳng khu vực khai thác gỗ thông. Họ bị bắt lao động nặng nhọc mỗi ngày 12 tiếng đồng hồ trong điều kiện khắc nghiệt, một số người không đủ sức còn bị đánh đập rất dã man. Mỗi bữa ông chủ chỉ cho ăn cơm trắng nấu từ gạo mốc với dưa muối.

 Vi Văn Trí kể lại những ngày bị hành hạ. Ảnh: Đào Thọ

Khi vừa lên tới nơi làm, ăn xong bữa cơm, người chủ này cho người thu hết tư trang cá nhân, giấy tờ tùy thân cùng tiền bạc, điện thoại của mọi người. Vi Văn Trí phản ứng lại và cho rằng số tiền này là do mình vay mượn từ quê nhà.

Tuy nhiên, không đợi anh giải thích nhiều, ông chủ cho người đánh đập Trí rất dã man. “Em muốn chống đỡ lại nhưng chúng tuyên bố nếu càng chống cự càng bị đánh nhiều hơn. Bọn chúng còn cho người vây xung quanh để em không thể trốn thoát. Những người khác không ai dám vào can ngăn. Hôm sau đi làm về, em mệt quá xin ông chủ một điếu thuốc, ông ta không cho còn tiếp tục sai người đánh em. Cả chiếc áo của em dính đầy máu. Bọn em muốn đi vệ sinh cũng phải được sự đồng ý của chúng và phải có sự giám sát” - Vi Văn Trí bức xúc kể.

Theo lời Trí, trong mấy ngày làm ở đó, anh bị đánh đến 3 lần, lần nào cũng rất dã man. Cùng xã với Trí còn có Cụt Văn Liêng đi trước anh mấy tháng. Người này cũng bị đánh nhập viện tới 3 lần và hiện đã trốn về được.

“Về tới nhà em mừng như được sống lại, ngủ 3 ngày liền vẫn chưa lại sức. Tuy đã gần 1 tuần trôi qua nhưng bây giờ em vẫn bị đau ở đầu, ngực và bụng do bị đánh quá nhiều. Hy vọng các cơ quan chức năng có thể đưa kẻ đã lừa những người như em ra xử lí” - Trí cho hay.

Cuộc trốn chạy trong rừng sâu

Không chịu được cảnh bóc lột sức lao động và bị đánh đập, nhiều người đã liều mình trốn khỏi nơi làm việc dù trong người không có một xu dính túi.

Vi Văn Trí kể tiếp: sau 1 tuần làm việc, biết mình bị lừa nên nhiều người cố gắng trốn ra. Hôm ấy, khoảng 7 giờ sáng, Trí cùng 2 người ở bản Lăn (xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn) cầm dao đang khai thác gỗ trong rừng thì nảy ra ý định trốn về. Họ men theo đường rừng cứ thế cầm dao chạy không dám nghỉ ngơi. Trong đầu xuất hiện ý nghĩ nếu bị bắt lại cũng sẽ chống trả đến cùng.

Sau 1 ngày chạy bộ, 3 người ra đến đường lớn. Tại đây, họ vứt dao lại và may mắn gặp được một người cùng quê Nghệ An. Người này đã giúp đỡ cho 3 anh em tiền tàu xe để về quê.

Cũng là nạn nhân trong vụ lừa vào Bình Phước nhặt hạt điều nay đã trốn về, chị Vi Thị Ngó (sinh 1978) ở bản Xốp Mạt (xã Lượng Minh, Tương Dương) kể lại: Vào đó, ăn không nên, làm việc cực khổ nên chị cùng 4 người ở bản Lăn (xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn) vượt rừng mong thoát khỏi “địa ngục trần gian”.

 Chị Vi Thị Ngó kể lại cuộc sống ở khu "địa ngục trần gian". Ảnh: Đào Thọ

“Ở chỗ làm, con gái ít bị đánh, còn con trai bị đánh thường xuyên. Hàng chục cái lán chứa gần trăm người nhưng không ai dám chống cự, chỉ chờ có cơ hội là bỏ trốn. Lúc trốn cũng xác định nếu bị chúng bắt lại thì chỉ có nước chết nhưng phải làm liều” - chị Vi Thị Ngó nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại xã Lượng Minh có khoảng 12 người bị lừa đi lao động khổ sai, và mới chỉ có chị Vi Thị Ngó (sinh 1978) ở bản Xốp Mạt trốn được về. Xã Yên Na có 2 người trốn về với thương tích đầy mình là Vi Văn Trí (sinh 1996) và Cụt Văn Liêng. Tại huyện Kỳ Sơn, ông Lương Văn Tuấn, trưởng bản Lăn (xã Chiêu Lưu) xác nhận, đầu tháng 4 có 12 người trong bản bị lừa vào Kon Tum làm việc, trong đó có 6 người đã trốn về được cách đây 1 tuần.

Hiện tại các nạn nhân này đã làm đơn trình báo lên các cấp chính quyền để tố cáo thủ đoạn của bọn lừa đảo bóc lột sức lao động của mình.

 Đơn trình báo của các nạn nhân. Ảnh: Đào Thọ.

Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho hay: “Qua trình báo của người dân chúng tôi cũng mới nắm được vấn đề này. Cái khó nhất là lúc đi không có ai đến báo hay làm thủ tục giấy tờ với chính quyền xã cả. Do đó khi xảy ra sự việc chúng tôi chỉ biết động viên họ làm đơn lên cấp trên để giải quyết. Trước mắt, để tránh việc tương tự có thể xảy ra, chính quyền xã phối hợp với các bản tuyên truyền, vận động mọi người nên cảnh giác với thủ đoạn rủ rê đi lao động lương cao, không nặng nhọc”.

 Bản Xốp Mạt (xã Lượng Minh) nơi có nhiều lao động bị lừa vào Kon Tum. Ảnh: Đào Thọ


Danh sách 8 người đã trốn được về quê gồm:

1. Vi Thị Ngó - bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh (Tương Dương).

2. Vi Văn Trí - bản Xốp Pu, xã Yên Na (Tương Dương).

3. Ngân Văn Ánh - bản Lăn, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn).

4. Lương Văn Dần - bản Lăn, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn).

5. Lương Văn Tá - bản Lăn, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn).

6. Vi Văn Na - bản Lăn, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn).

7. Vi Thị Thủy - bản Lăn, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn).

8. Lo Văn Đức - bản Lăn, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn).